Nhà thơ Phan Duy Nhân, tên khai sinh là Phan Chánh Dinh, tức Nguyễn Chính, nguyên Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, vừa từ trần lúc 19 giờ 11 phút, ngày 8.7.2017. Báo điện tử Một Thế Giới xin giới thiệu bài viết của nhà báo Hoàng Hải Vân, một trong những người gần gũi với nhà thơ Phan Duy Nhân.

Vĩnh biệt anh Phan Duy Nhân

HOÀNG HẢI VÂN | 08/07/2017, 20:15

Nhà thơ Phan Duy Nhân, tên khai sinh là Phan Chánh Dinh, tức Nguyễn Chính, nguyên Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, vừa từ trần lúc 19 giờ 11 phút, ngày 8.7.2017. Báo điện tử Một Thế Giới xin giới thiệu bài viết của nhà báo Hoàng Hải Vân, một trong những người gần gũi với nhà thơ Phan Duy Nhân.

          

Tôi gặp anh lần đầu tiên vào đầu năm 1974 ở căn cứ Xuyên Trà (Quảng Nam), lúc đó tôi là một đứa học trò lớp 11 đang tham gia hoạt động cách mạng bí mật ở Đà Nẵng, thỉnh thoảng lên chiến khu nhận nhiệm vụ. Anh thì vừa ở tù Côn Đảo về trong đợt trao trả ở Lộc Ninh, từ cơ quan Khu ủy 5 xuống, chân vẫn đi khập khiễng do bị bắn gãy hồi Mậu Thân và bị tra tấn trong tù, mặt thì thâm đen do sốt rét. Bài học chính trị đầu tiên tôi được học là từ Phan Duy Nhân. Đó là thứ chính trị được nói bằng cả tâm hồn, trí não và thân xác, thỉnh thoảng sùi bọt mép, nó hào sảng bay bổng như thi ca. Từ lâu tôi không còn được nghe thứ chính trị hấp dẫn như thế nữa.

Lần đó tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng, về lại thành phố mang theo cái huy hiệu Đoàn nhét trong lai áo và bản hùng ca sùi bọt mép của anh trong tim. Lúc đó mà vì cách mạng phải đi vào chỗ chết thì còn sung sướng hơn lên thiên đường. Cuối năm đó, tôi bị lộ phải thoát ly. Ngày 30 Tết, anh từ căn cứ của Khu băng rừng xuống, anh bảo xuống cho kịp giao thừa để mừng tôi lên chiến khu, nhưng đến nơi thì trời đã sáng. Anh tặng tôi một bó hoa rừng.

Khi Đà Nẵng giải phóng, tôi cùng làm việc với anh một đoạn, còn gặp gỡ thì nhiều. Trong đợt thi tú tài đầu tiên do chính quyền cách mạng tổ chức năm 1975, anh bảo tôi nộp đơn thi, tôi không chịu, nói cách mạng cần thực học chứ cần gì bằng cấp, anh mắng tôi nói bậy, bảo làm gấp hồ sơ để anh mang đi nộp, còn thi hay không thì tùy. Tôi nói tôi không có giấy tờ gì hết, khai sinh trước đây đi học thì khai nhỏ đi 1 tuổi, đối với cách mạng không dùng thứ giấy tờ “gian” ấy được. Anh hỏi tôi sinh ngày nào năm nào, tôi nói tôi biết năm chứ không biết ngày tháng. Anh đã tự tay làm cho tôi một giấy khai sinh, ghi đúng năm tôi nói, còn ngày tháng thì anh tự đặt. Tôi chính thức có ngày sinh tháng đẻ kể từ đó.

Những ngày đầu sau giải phóng, anh ăn ngủ cùng tôi ở cơ quan, đến khi giải phóng Sài Gòn anh mới đón vợ anh là chị Dương Thị Ngân Hà và con gái Phan Dương Triều Tân khi ấy 9 tuổi về đoàn tụ. Đối với đám “trẻ con” chúng tôi theo cách mạng hồi ấy, Phan Duy Nhân là thần tượng. Anh chắp cánh cho những tâm hồn ngây thơ trong trẻo của chúng tôi. Từ anh mà ngay cả việc lãnh lương hàng tháng chúng tôi cũng thấy mình không trong sáng. Và cũng vì sự ngây thơ trong trẻo dài lâu ấy mà trong chúng tôi, nhiều người tiếp tục cầm súng ra biên giới sẵn sàng hy sinh để giữ nước, những người còn lại đều “lên bờ xuống ruộng” và dù có “lên bờ xuống ruộng” vẫn tiếp tục “cố thủ” sự trong trẻo ngây thơ của mình.

Anh là một thi sĩ, tất nhiên rồi. Anh còn có học vấn uyên bác và là nhà chính trị đầy mưu lược, nhưng trên hết anh là con người hào hiệp, tinh tế và quật cường. Năm 1966, trong sự kiện nhân dân Đà Nẵng làm chủ thành phố 76 ngày, anh giữ vai trò như là một “chính ủy”, sự kiện đó được Bí thư thứ nhất Đảng Lao động VN Lê Duẩn tổng kết làm bài học nhân dân nổi dậy giành chính quyền.

Năm 1968, anh từ chiến khu xuống Đà Nẵng dẫn đầu cuộc biểu tình lớn, bị cảnh sát chính quyền Sài Gòn bắn gãy chân. Họ bắt anh vào tù, rồi cầm cái chân gãy của anh quay tít để tra tấn, nhưng mỗi lần hỏi cung, anh chỉ đáp lại một bài thơ kiên trung bất khuất. Anh bị đày ra Côn Đảo 6 năm, cho đến khi được trao trả, người còn đầy những vết tra tấn.

Nhà thơ Phan Duy Nhân và mẹ

Giải phóng xong anh vẫn ở cơ quan Khu, khi Khu giải thể anh mới về tỉnh. Tôi biết ông Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN lúc đó nhiều lần đề nghị đưa anh vào vị trí này vị trí kia của tỉnh, nhưng tỉnh không dung nạp. Người ta đưa anh về làm cán bộ Mặt trận của thành phố Đà Nẵng, lúc đó chỉ là cấp huyện. Trong một cuộc họp về tôn giáo vận của Trung ương anh được cử đi dự, sau khi nghe anh phát biểu, những ý kiến sắc sảo và có tầm cỡ của anh về tôn giáo đã lọt vào “mắt xanh” ông Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Ông Nguyễn Văn Linh đã “xin” anh về Ban Dân vận Trung ương, tỉnh không “cho”, nhưng lập tức rút anh lên bổ nhiệm làm Phó ban Dân vận Tỉnh ủy. Khi ông Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng bí thư, anh được điều ra Hà Nội làm Phó ban Tôn giáo Chính phủ, rồi Quyền Trưởng ban. Lúc Thủ tướng ký quyết định bổ nhiệm làm Trưởng ban Tôn giáo chính phủ thì “phát hiện” một đơn tố cáo anh có chuyện này chuyện khác lúc còn ở tù, Chính phủ đã tạm dừng cái quyết định đó lại để điều tra, sau 1 năm rưỡi điều tra, kết luận nhân vật bị tố là một người khác, chỉ trùng tên với anh thôi. Trong thời gian điều tra, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ được giao cho một người khác. Những chuyện như vậy không làm cho anh bận tâm, anh đứng cao hơn các chức tước.

Ngày xưa anh có nhiều bạn bè là các văn nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Nam. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là người được anh “kéo” đi tham gia cách mạng, tôi biết chuyện đó vì có lần anh viết một cái giấy xác nhận nhờ tôi đánh máy giúp.

Nhà văn Phan Nhật Nam, tác giả “Mùa hè đỏ lửa”, là bạn thân của anh, cùng với Trần Dạ Từ, Nhã Ca và nhiều người có tiếng tăm khác. Vào năm 1970, khi anh đang bị tù ở Côn Đảo, ông Phan Nhật Nam đang là sĩ quan quân đội VNCH, viết cuốn sách “Ải trần gian”, ghi ngay trang đầu: “Tặng Phan Duy Nhân, kẻ hào kiệt”. Bộ Thông tin chiêu hồi VNCN đã yêu cầu ông Nam đục bỏ dòng chữ đó trước khi in, nhưng ông nhất định không chịu.

Chính ông Phan Nhật Nam đã kể lại chuyện đó trong một bài viết hơn 10 năm trước. Nhưng cũng trong bài viết này, ông Phan Nhật Nam lại nói những điều không hay mấy về anh sau ngày hòa bình, những chuyện mà ông Nam nghe kể lại tam sao thất bổn, trong đó có thái độ của anh đối với viên cảnh sát từng tra tấn mình và chuyện tài sản của anh khi làm ở Ban Tôn giáo chính phủ. Vì anh thường nói với tôi những lời tốt đẹp về ông Phan Nhật Nam, nên tôi có hỏi anh đọc bài đó chưa, anh bảo anh đọc rồi và nói “do nó hiểu nhầm” thôi, chẳng thấy anh bực tức. Phan Duy Nhân không bao giờ thuộc hạng tiểu khí.

Về câu chuyện đối với viên cảnh sát, chính tôi là người chứng kiến. Anh đã vô tình gặp lại người này tại nơi tập trung tù binh sau giải phóng, anh chỉ đến bắt tay như bắt tay một người quen, chẳng hề tỏ ra một chút gì là kiêu ngạo của người chiến thắng. Sau khi người này đi học tập về, anh có đến thăm và cùng ăn một bữa cơm. Còn chuyện tài sản, tôi là người biết đến tận đáy những gì anh có. Anh suốt đời đi mây về gió, khi hòa bình rồi, một tay chị Ngân Hà lo cho cả gia đình, gồm cha già và người mẹ mắc bệnh điên của anh. Phần lớn tiền lương của anh gửi về phụ giúp gia đình, anh sống kham khổ như một thầy tu.

Khi còn làm Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, lúc đó tôi sống ở Hà Nội, thỉnh thoảng anh đến nhà tôi chơi, ngủ lại trên một chiếc ghế. Có lần anh hỏi xin tôi 700 ngàn đồng để giúp một người quen đang gặp cảnh ngặt nghèo, đến bây giờ tôi vẫn còn ân hận vì lúc đó tôi cũng nghèo rớt mồng tơi, phải rất là lâu tôi mới tìm được cho anh số tiền đó.

Biết anh khó khăn, những lần anh gửi thơ đăng trên báo Thanh Niên, anh Nguyễn Công Khế dặn phải chấm nhuận bút cho anh với mức cao nhất. Sau khi anh về hưu, một thời gian khá dài anh đến ở chùa Non Nước nuôi mẹ, thỉnh thoảng mới về nhà, cho đến khi mẹ qua đời thì anh không còn mạnh khỏe nữa. Lâu lâu chúng tôi lại san sẻ cho anh một chút nhuận bút để anh phụ vào khoản thuốc men khi đau ốm. Anh Nguyễn Công Khế thỉnh thoảng cũng gửi cho anh một ít tiền, nhiều bạn bè khác cũng vậy. Tôi phải nói những điều không nên nói như thế này để những ai có ác ý không nên nói những gì mình không biết.

Trước đây tôi có viết loạt bài về thiền sư Lê Mạnh Thát đăng trên báo Thanh Niên, là do anh “xúi”. Thầy Thát cùng với thầy Tuệ Sĩ từng bị chế độ mới kết án tử hình, sau đó giảm án xuống còn chung thân và thụ án 14 năm tù. Anh nói, luật pháp hồi đó không kết án tử hình không được, nhưng khi tuyên án rồi thì lãnh đạo cao nhất của Đảng yêu cầu phải tổ chức vận động xin giảm án cho hai thầy.

Thầy Thát sau này được ông Võ Văn Kiệt rất coi trọng, thường cùng nhau đàm đạo nhiều chuyện lớn, tôi thường xuyên đến chỗ ông Võ Văn Kiệt nên biết rõ. Việc tổ chức thành công Đại hội Phật giáo thế giới tại Việt Nam (Vesak) là công lớn của thầy Thát. Anh dắt tôi đến gặp thầy Thát nhiều lần, tôi thấy giữa họ là tri âm tri kỷ. Vị thiền sư này từng là một nhân vật “nhạy cảm” đối với báo chí, anh bảo nhân việc thầy Thát chủ trì tổ chức sự kiện Vesak mà giới thiệu những công trình nghiên cứu của thầy là tốt nhất, nó chỉ có lợi cho đất nước mà thôi.

Anh 3 lần dắt tôi đến gặp Hòa thượng Thích Trí Quang ở chùa Già Lam. Ban đầu tôi rất ngạc nhiên khi thấy thầy Trí Quang dịu dàng coi anh như người thân. Có lần anh và tôi đến sau khi anh mổ tim, thầy Trí Quang đưa anh một gói nghệ, bảo đây là nghệ núi rất tốt cho sức khỏe, rồi hướng dẫn anh chi li về liều lượng và cách dùng. Thầy Trí Quang ẩn trong chùa từ năm 1966. Sau năm 1975 thầy giữ thái độ trung tính với chế độ mới, không ủng hộ cũng không chống đối và không để các đệ tử của mình tham gia chống đối.

Sự kiện 76 ngày năm 1966, thầy Trí Quang là người “kích ngòi nổ” phong trào đấu tranh của Phật giáo. Về phía cách mạng, Phan Duy Nhân là người khai thác “ngòi nổ” này để đẩy thành cao trào. Hai người biết rõ nhau từ hồi đó, lòng họ đủ rộng để có thể dung nạp nhau. Các vị chức sắc các tôn giáo khác, có thể có những khác biệt về chính kiến, nhưng tôi biết hầu hết đối với anh đều trọng thị.

Tôi rất thích thơ anh, anh chép thơ đưa cho tôi rất là nhiều. Có khi tôi đang ngủ, anh dựng dậy tìm kính tròng vào mắt tôi để tôi xem bài thơ anh vừa viết. Anh chưa bao giờ có ý định đi theo nghiệp văn chương thơ phú, có lẽ anh làm thơ để tự cân bằng cuộc sống của mình. Nhiều bạn bè của anh bảo họ chỉ thích anh làm thơ, không thích anh làm chính trị. Tôi thì nghĩ khác. Thơ anh là con người anh, chính trị cũng là con người anh, hai thứ đó cộng lại mới thành cuộc đời anh.

Nghe tim đập ở Nam Hà

Lẻ loi tiếng đục giao hòa tiếng trong

Sau mình gặp lại nhau không

Thương câu mái đẩy mềm trong điệu chèo…

(Bồi hồi qua Huế nhớ quê – PDN)

Thơ anh sau này mượt mà như thế đó. Nhưng thoạt kỳ thủy là thơ buồn: “Con mèo đen bò qua cửa sổ/Nỗi buồn leo lên tương lai”. Khoảng giữa là thơ tình nổi trôi cùng vận nước. Thơ trong tù là khí phách nhưng không giấu khát vọng bình thường của một chàng trai trẻ: “Em ơi chiều đó dầm chân xuống/Dòng nước sông Tranh mát rợi người/Những nụ hôn thầm trong gió núi/Gửi về có tới được xa xôi…”.  Mấy chục năm sau hòa bình là thơ mông lung: “Chưa lau sạch chân em vào áo trận/Để giữa lầm than em hóa được thiên thần”. Đôi lúc còn phảng phất súng gươm xen mùi kinh kệ: “Thuở trước thiền sư làm chính ủy/Câu thơ đến giờ còn mang gươm”. Nói chung, thơ anh sau hòa bình đa tình, đa mang, day dứt, bất định.

Phan Duy Nhân trọn đời không làm điều gì để phải ân hận, để phải sám hối phải phản tỉnh. Anh không để lại tài sản gì cho con cháu ngoài niềm kiêu hãnh làm người. Con gái lớn Phan Dương Triều Tân có gia đình ở riêng, vợ chồng con gái út Phan Dương Hồng Chuyên sống cùng ba mẹ và trực tiếp chăm sóc ba mẹ cho đến ngày cuối cùng.

Khi chị Ngân Hà mất, toàn bộ số tiền phúng điếu được khoảng 100 triệu đồng, cháu Hồng Chuyên đã mang 80 triệu đồng góp vào quỹ học bỗng Nguyễn Thái Bình của báo Thanh Niên, số còn lại giúp cho trẻ em khuyết tật.

Từ lâu nay cháu Hồng Chuyên vẫn cùng các bạn bè của mình thầm lặng giúp đỡ, chia sẻ với những cuộc đời bất hạnh, cháu là niềm tự hào của anh chị. Chị Hà mới mất cách đây mấy tháng, hơn 1 năm trước cô con gái giữa Phan Dương Hải Triều cũng đã ra đi. Vì anh bệnh nặng khi tỉnh khi mê nên không ai cho anh biết hai cái tang quá lớn đó, đến khi biết thì anh không còn gượng dậy được nữa…

HOÀNG HẢI VÂN

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
11 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vĩnh biệt anh Phan Duy Nhân