TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm xung quanh câu chuyện hàng trăm phi công Vietnam Airlines vừa đồng loạt xin nghỉ việc vì… lương thấp.

Vụ phi công nghỉ hàng loạt: Đừng thắc mắc vì sao lương giáo sư 8 triệu, ca sĩ hát 1 bài 10 triệu!

14/01/2015, 11:16

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội nêu quan điểm xung quanh câu chuyện hàng trăm phi công Vietnam Airlines vừa đồng loạt xin nghỉ việc vì… lương thấp.

Ông Kiên cho rằng từ câu chuyện của Vietnam Airlines, cần phải nhìn nhận lại những bất cập trong chính sách tiền lương của nước ta hiện nay để có điều chỉnh kịp thời.

- Việc hàng loạt phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc vì lương thấp đang được coi sự việc “bất bình thường”, đặc biệt khi thu nhập của họ đã ở mức hàng trăm triệu, cao gấp vài chục lần thu nhập bình quân của lao động Việt Nam. Ông đánh giá thế nào trước sự việc này?

Trước hết chúng ta phải đặt câu hỏi là tại sao lại có chuyện hàng loạt phi công đình công, lãn công như thế? Đó là vì vấn đề là lương. Rõ ràng, phi công Vietnam Airlines (VNA) muốn bỏ việc hàng loạt và muốn nhảy việc là vì VietjetAir trả lương cao hơn.

Từ trước đến nay chúng ta vẫn nhìn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bằng con mắt của chủ nghĩa xã hội, bằng con mắt bình quân, cho nên chúng ta vẫn cứ tư duy rằng, DNNN là phải lương thấp.

Thế nên trong trường hợp này chúng ta mới không nghĩ đến mô hình trả lương theo sức lao động, trả lương theo đóng góp của người lao động như thế nào cho phù hợp.
Ở đây mọi người chỉ đề cập đến chuyện bình quân lương của người Việt Nam chỉ khoảng 2000 USD/năm, vậy nhưng lại trả tới 217 triệu cho một phi công như thế có cao quá không?

Hãy thử đặt vấn đề thế này, nếu bây giờ các DNNN như Vietnam Airlines trả lương nhân viên thấp như dư luận mong muốn, thì lực lượng lao động có tay nghề cao họ chuyển hết sang các nơi có lương cao hơn, vậy DNNN làm sao phát triển?

Khi đề cập đến một vấn đề gì đó, chúng ta không xác định được rằng Việt Nam đang xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mà vẫn lấy tư duy của thời bao cấp để nhìn nhận sự việc trong một nền kinh tế đầy biến động nên mới có những băn khoăn như thế.

Thực tế, những vấn đề đặt ra về chuyện tiền lương, tiền công hiện nay chưa đúng với Nghị quyết của Đảng. Nghị quyết đã chỉ rõ mình phải xây dựng một nền kinh tế thị trường XHCN, trong đó thể chế thị trường bao gồm cả tiền công và tiền lương. Mình phải nhìn như thế.

- Nhưng hiện nay Vietnam Airlines vẫn là một trong những DNNN có mức lương cao so với mặt bằng chung, thưa ông?

Quá trình cổ phần hóa DNNN mà chúng ta đặt ra ở đây nhằm đạt mục đích gì? Có phải là mục đích trả tiền lương cho người lao động cao lên không?

Bây giờ Vietnam Airlines đã phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO), họ thành công ty cổ phần rồi, vậy thì các chế độ trong đấy phải được nhìn nhận như một doanh nghiệp ngoài.

Ở đây, dù cao hơn một số doanh nghiệp khác song lương của Vietnam Airlines vẫn thấp hơn so với VietjetAir nên mới có chuyện phi công nghỉ việc để chuyển sang đó.

Vậy chúng ta có thể đặt câu hỏi là tại sao VietjetAir có thể trả lương cao hơn hẳn Vietnam Airlines? Vì họ không phải là hãng hàng không Quốc gia, họ không phải thực hiện việc bay chuyên cơ, họ cũng không phải làm các chế độ chính sách khác, họ không thể bị ép giá xuống như Vietnam Airlines…

Tôi cho rằng chúng ta cần phải đặt vấn đề này trong một tổng thể, khi đấy mình phải nhìn nhận nó trong bối cảnh tổng thể. Chứ bây giờ chỉ tách mỗi việc tiền lương của mấy phi công Vietnam Airlines ra rồi thì bình luận là mặt bằng thu nhập của người Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,5 triệu/tháng, trong khi đó lương phi công lại hơn 200 triệu/tháng là bất công…
Vậy nếu không để cho người ta mức ấy thì người ta lại đi sang nơi có thu nhập cao hơn, vậy phải xử lý thế nào?
phi cong

- Vậy theo ông câu chuyện của Vietnam Airlines cần được xem xét như thế nào để thấy được tính “tổng thể, toàn diện” của vấn đề như ông vừa đề cập?

Tôi cho rằng, ở đây không nên nhìn vào vấn đề tiền lương bao nhiêu, mà vấn đề đặt ra ở đây là: Vậy quy định do Bộ LĐTB&XH đặt ra trong những ngành nghề đặc thù như thế đến bây giờ có hợp lý không, có phải sửa đổi không?

Vấn đề nữa là, những người phi công của VNA từ trước đến nay 100% là do nhà nước bỏ tiền đào tạo, vậy phí đào tạo đó phải trả thế nào? Khi anh chuyển sang bên kia, thì phải tính toán là thời gian đóng góp là bao nhiêu, hoàn trả bao nhiêu. Cái đó theo quy chế nội bộ hay theo Luật lao động? Nếu theo Luật lao động thì Bộ LĐTB&XH đã làm gì trong trường hợp này?

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận xem tổ chức công đoàn hoạt động như thế nào trong trường hợp này. Thực tế, 100% phi công của VNA đều là Đảng viên cả, vậy tổ chức Đảng ở đây hoạt động như thế nào? Tại sao lại để cho mọi người hành động như thế….

Tôi muốn nhắc lại, trong vụ việc này, chúng ta cần nhìn nó rộng ra, phải nhìn tổng thể trong một bức tranh của đất nước chứ không chỉ nhìn hiện tượng đó rồi nhảy xổ ra chuyện trả lương cao với lương thấp.

Rõ ràng đây nó là một vấn đề mới nảy sinh của Việt Nam. Trường hợp xảy ra tại Vietnam Airlines là vấn đề đầu tiên đặt ra và chúng ta phải giải quyết.

Nếu chúng ta tiến hành cổ phần hóa DNNN thì chúng ta phải chấp nhận lương theo thị trường, khi đó thì sức lao động như thế nào? Đối với những người được hưởng đào tạo, được hưởng bao cấp từ nhà nước từ trước đến nay thì phải xử lý như thế nào? Những vấn đề đó đang đặt ra một loạt bài toán mà chúng ta chưa giải quyết được.

Bây giờ xảy ra sự việc như thế này, chúng ta phải bình tĩnh để rà soát lại văn bản pháp luật của chúng ta cái nào còn thiếu, cái nào còn yếu, cần bổ sung.
phi cong
Bảng lương mới của phi công Vietnam Airlines

TS. Võ Trí Thành: “Phi công nghỉ hàng loạt là bình thường’

TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng việc hơn 100 phi công Vietnam Airlines nghỉ việc đồng loạt do lương thấp là chuyện bình thường.

Theo ông Thành, cần phải nhìn vấn đề theo cơ chế thị trường, mức lương phụ thuộc vào mức độ khan hiếm lao động ở lĩnh vực nào đó. Mức độ khan hiếm lại liên quan đến nhu cầu ngành nghề và kỹ năng.

Vấn đề bây giờ thị trường hàng không ở châu Á đang phát triển rất nhanh, nên nhu cầu về nhân sự ngành này rất cao. Nếu không lái cho mình, họ sẽ đi lái cho chỗ khác ngay.

Bây giờ nếu nhìn rộng thì thị trường hàng không nó lại liên thông với thế giới. Giả sử một phi công Việt Nam được trả lương 10.000 USD, mà Hàn Quốc trả tới 15.000 USD, trong khi trình độ như nhau, kỹ năng như nhau, thì họ có thể xin sang bay cho hãng khác là chuyện bình thường. Vì thế nên việc phải có mức lương cao đối với phi công là bắt buộc.

Bây giờ mà đem so mức thu nhập bình quân của người Việt là hơn 3 triệu đồng/tháng, với lương của phi công hơn 200 triệu mà bảo bất công thì không thỏa đáng. Bởi nó là nhu cầu thị trường thôi.

Cho nên trước đây, có những giáo sư viết là sao tôi là giáo sư giỏi thế mà lương có 8 triệu tháng, trong khi có cô ca sĩ chỉ lên hát thôi, mà catse đến 10 triệu đồng/bài. Thế là thế nào? Sao xã hội bất công thế? Nhưng đó là thị trường trả giá. Nhu cầu thị trường thôi. Ở trường hợp này cũng vậy.

Theo Lan Uyên thực hiện (VTC News)

Bài liên quan
Cuối năm, dòng tiền đổ về thị trường bất động sản vùng Đông Bắc Hà Nội
Sự xuất hiện của khu đô thị mới được quy hoạch bài bản, hội tụ nhiều chủ đầu tư uy tín tại khu vực Đông Bắc Hà Nội nhanh chóng tạo ra hấp lực mới, xoay hướng dòng tiền đổ vào thị trường địa ốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ phi công nghỉ hàng loạt: Đừng thắc mắc vì sao lương giáo sư 8 triệu, ca sĩ hát 1 bài 10 triệu!