Những cư dân sinh sống trong khu chung cư cũ được tham gia góp vốn, lựa chọn chủ đầu tư để cải tạo, xây mới lại. Đây là điểm mới được Bộ Xây dựng đề xuất trong dự thảo nghị định về cải tạo chung cư cũ.
Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có gần 1.700 chung cư cũ, trong đó có rất nhiều khu chung cư cũ đang xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Nhưng sau 10 năm chương trình cải tạo và xây mới chung cư cũ được khởi động thì con số thực hiện được thấp hơn 2%.
Khi chung cư cũ được cải tạo xây lại, người dân chỉ mong muốn tái định cư tại chỗ. |
Thông tin từ Bộ Xây dựng cũng cho biết phần lớn các dự án cải tạo chung cư cũ trong thời gian qua mới chỉ dừng ở nghiên cứu xã hội học, lập quy hoạch hoặc kiểm định chất lượng, còn trong quá trình thực hiện tái thiết chung cư cũ đã nảy sinh những mâu thuẫn trong việc cân bằng lợi ích giữa các bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Chẳng hạn với người dân thì phương án đền bù ra sao, địa điểm tái định cư thế nào, có đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của họ hay không, tiến độ, thời gian hoàn thành dự án đến đâu?... là những vấn đề họ quan tâm.
Còn với các chủ đầu tư hay doanh nghiệp, vấn đề quan trọng đối với họ là phải làm sao đảm bảo được lợi nhuận khi cải tạo chung cư cũ. Theo tính toán từ doanh nghiệp, những chung cư cũ thường nằm ở vị trí trung tâm nên việc cải tạo không thể nâng cao số tầng như mong muốn nên lợi nhuận không cao.
Trong khi nhà nước gặp khó trong việc bố trí ngân sách để cải tạo chung cư cũ thì hơn 10 năm qua chủ trương tái thiết hàng ngàn khu chung cư cũ của cả nước nói chung, của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nói riêng vẫn ì ạch, khó triển khai cải tạo, xây mới.
Trước thực trạng này, dự thảo nghị định cải tạo chung cư cũ được Bộ Xây dựng đề xuất đã nêu việc cho phép người dân được tham gia góp vốn, thậm chí lựa chọn chủ đầu tư để cải tạo chung cư cũ nơi mình đang sinh sống.
Quang Huy