Năm 2017, HĐND TP.Hà Nội đã đặt ra nghị quyết hạn chế phương tiện giao thông ở một số khu vực ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các mục tiêu lớn trong nghị quyết chưa được triển khai, hoặc triển khai chưa có lộ trình cụ thể.
Góc bình luận

Xe gắn máy và bài toán giao thông đô thị

Nguyễn Văn Mỹ 14/12/2024 13:56

Năm 2017, HĐND TP.Hà Nội đã đặt ra nghị quyết hạn chế phương tiện giao thông ở một số khu vực ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các mục tiêu lớn trong nghị quyết chưa được triển khai, hoặc triển khai chưa có lộ trình cụ thể.

Mấy tuần nay, chuyện cũ bỗng râm ran trên mạng xã hội và lúc "trà dư tửu hậu". Quận Hoàn Kiếm sẽ thí điểm hạn chế xe gây ô nhiễm, thay dần các xe dùng xăng dầu bằng xe điện. Việc hạn chế tiến đến việc loại bỏ các xe gây ô nhiễm, không riêng gì xe gắn máy. Nội dung rõ ràng nhưng một số người nghĩ là chuẩn bị cấm xe gắn máy. Các cuộc tranh luận đã nổ ra. Phe ô tô bảo, xe gắn máy ngập đường là nguyên nhân kẹt xe và gây tai nạn. Bên đi xe gắn máy nói, ô tô mới là nguyên nhân kẹt xe vì chiếm diện tích nơi đậu và tham gia giao thông nhiều hơn.

Xe máy là phương tiện đi lại mưu sinh của hàng chục triệu người Việt. Khi các phương tiện giao thông công cộng chưa đảm bảo, vừa kém vừa thiếu; xe gắn máy vẫn là lựa chọn tối ưu của dân các nước chưa giàu, không riêng gì Việt Nam.

Có chuyên gia viết: “Một thành phố hiện đại không thể là thành phố của xe máy. Hạn chế xe máy là cần thiết nhưng cần chia theo từng khu vực và lộ trình. Phải tiến lên ô tô, xe điện và sử dụng giao thông công cộng (TTO 18.11.24). Đành vậy, nhưng bao giờ thành phố hiện đại như mơ ước? Thay xe dùng xăng dầu bằng xe điện nhưng đến khi nào mới có đủ trạm sạc điện cho hàng triệu xe, bởi mỗi xe sạc trong thời gian lâu, chứ không vài phút như đổ xăng?

Theo Tổng cục thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 7.000.000 xe gắn máy; hơn 1 triệu ô tô; dân số 8.600.000 người. Chưa kể, ô tô Hà Nội nhưng biển số tỉnh. TP.HCM có 8.300.000 xe gắn máy, 935.000 ô tô; dân số 9.000.000 người. Hà Nội và TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức và giao thông đô thị là "trọng điểm của trọng điểm".

Kẹt xe thường xuyên và ô nhiễm môi trường là nỗi ám ảnh của cả cư dân thành phố lẫn du khách, ảnh hưởng nghiêm trọng mục tiêu phát triển bền vững đô thị. Mỗi xe ô tô nhỏ (chở bình quân 2 – 3 người) nhưng chiếm diện tích dừng đậu và giao thông gấp 8 – 10 lần xe gắn máy. Hiện nay, nếu thay toàn bộ xe gắn máy bằng ô tô; giao thông Hà Nội và TP.HCM chỉ còn cách... đi bộ trên nóc xe.

Gốc của vấn đề là thừa xe, thiếu đường.

Rất ít đường có thể mở rộng, chưa kể phí đền bù rất cao. Cách tốt nhất như các nước phát triển là họ làm đường tầng và giãn dân. Đường 5 tầng như TP.Quảng Châu (Trung Quốc), không cấm nhưng xe gắn máy, xe cũ rất khó lưu thông, tự động nhường chỗ. Ngoài chuyện ưu tiên xe điện, cần làm ngay việc kiểm soát phát thải các xe cũ, không đảm bảo an toàn giao thông.

Giao thông công cộng phát triển đến mấy cũng khó có thể thay thế xe cá nhân. Các nước quản lý bằng các chính sách thuế và điều kiện sở hữu. Không nước nào cấm xe gắn máy. Các nước chỉ kẹt xe vào giờ cao điểm như ở Thái Lan. Các đô thị lớn ở Việt Nam, giờ nào cũng kẹt, trừ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Dù sau dịch COVID-19, làm việc online trở nên phổ biến hơn nhưng người Việt vẫn đổ ra đường như... trẩy hội.

Nạn kẹt xe không chỉ là do xe nhiều, đường chật mà còn do người dân không tuân thủ luật giao thông. Nếu mọi người tôn trong luật giao thông, nạn kẹt xe và tai nạn giao thông sẽ giảm. Giao thông không chỉ có lòng đường mà có cả lề đường (vỉa hè). Hơn 80% diện tích vỉa hè bị lấn chiếm phi pháp. Đừng trách người Việt lười đi bộ vì toàn bộ vỉa hè bị chiếm dụng, chẳng lẽ đi bộ lòng đường như xe cộ?

Một thành phố bình thường, chưa nói hiện đại; không thể để vỉa hè bị chiếm dụng, buôn bán "thập cẩm", rác ném tứ tung. Việc cho thuê vỉa hè, chủ trương đúng nhưng coi chừng nạn đầu nậu, gom vỉa hè, cho thuê lại. Làm gì cũng phải chừa ít nhất 1,5m bề ngang vỉa hè cho người đi bộ. Chủ nhà mặt tiền và người buôn bán vỉa hè có trách nhiệm giữ vệ sinh và đảm bảo môi trường; có biện pháp chế tài nghiêm, nếu vi phạm.

Vận dụng cách làm vỉa hè ở châu Âu và Đài Loan. Nhà mặt tiền, được xây tầng lấn ra vỉa hè nhưng tầng trệt để trống dành làm đường đi bộ, ba bên cùng lợi. Chủ nhà có thêm diện tích sử dụng. Người đi bộ không sợ nắng mưa. Nhà nước tiết kiệm ngân sách xử lý tai nạn, sức khỏe cộng đồng. Những loại vỉa hè này không thể cho thuê buôn bán.

Hà Nội bàn chuyện hạn chế xe dùng xăng dầu để giảm phát thải, tiến tới cấm xe mấy hoàn toàn vào năm 2030 (còn 5 năm nữa) rất đáng hoan nghênh. Quan trọng hơn là tập trung vào ba việc cốt lõi: Một là mở rộng diện tích giao thông bằng đường tầng, hai là tuân thủ luật giao thông, ba là giãn dân hợp lý theo qui hoạch.

Trước khi hạn chế xe cá nhân bằng các chính sách thuế, điều kiện sở hữu; phải phát triển mạng lưới giao thông công cộng tiện lợi. Khuyến khích dùng chung xe, cả gắn máy và ô tô; sắp xếp lệch giờ làm việc, học tập, vui chơi, giải trí...

Tại kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP.Hà Nội khóa 16, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố. Nghị quyết có hiệu lực từ 1.1.2025. Theo đó, thành phố dự kiến hỗ trợ chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe chạy điện cho người dân tại nơi thí điểm khu vực phát thải thấp ở quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Thành phố sẽ hỗ trợ tài chính cho việc đổi xe cũ lấy xe mới, thân thiện với môi trường. Việc áp dụng phí và lệ phí đối với phương tiện gây ô nhiễm cũng sẽ được xem xét để giảm lượng khí thải.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ kéo dài tới Cà Mau
2 giờ trước Sự kiện
Sáng 15.12, khi tiếp xúc cử tri TP.Cần Thơ, Thủ tướng Phạm minh chính cho biết, cùng với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ Hà Nội vào TP.HCM, Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và kéo dài xuống tận Cà Mau.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xe gắn máy và bài toán giao thông đô thị