Nói về y học cổ truyền thì Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển, nhất là có nguồn dược liệu quý hiếm phong phú, có nền y học cổ truyền lâu đời và có tiềm năng lớn, nhưng đến nay y học cổ truyền ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển đúng với khả năng.

Y học cổ truyền có thế mạnh nhưng chưa phát triển, vì sao?

18/07/2019, 15:14

Nói về y học cổ truyền thì Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển, nhất là có nguồn dược liệu quý hiếm phong phú, có nền y học cổ truyền lâu đời và có tiềm năng lớn, nhưng đến nay y học cổ truyền ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển đúng với khả năng.

Y học cổ truyền tại Việt Nam đang có nhiều thế mạnh, nhưng vẫn chưa được phát triển - Ảnh (minh họa)

Danh mục thuốc y học cổ truyền được BHYT thanh toán còn quá ít

Theo các chuyên gia dược học hiện nay, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ gần gũi với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… rất chú trọng sử dụng thuốc y học cổ truyền trong việc chăm lo sức khỏe người dân thông qua hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tại các quốc gia và vùng lãnh thổ ấy, số lượng thuốc, chế phẩm, vị thuốc y học cổ truyền nằm trong danh mục bảo hiểm y tế rất lớn. Ngay cả những dịch vụ y học cổ truyền như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp… cũng được đưa vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế.

PGS-TS Lê Văn Truyền- chuyên gia cao cấp về dược, dẫn chứng tại Trung Quốc số lượng thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền được đưa vào danh mục bảo hiểm y tế chi trả là gần tương đương nhau. Cụ thể hiện nay, thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền nằm trong danh mục bảo hiểm y tế của quốc gia này lần lượt là 1.297 loại và 1.238 loại.

Riêng Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, dù chưa đạt tỷ lệ 50 - 50 giữa thuốc y học cổ truyền và tân dược như Trung Quốc, nhưng thuốc y học cổ truyền có trong danh mục bảo hiểm y tế của họ vẫn chiếm một số lượng rất lớn. Đồng thời những nơi này cũng đã đưa thuốc y học cổ truyền và cả những dịchh vụ y học cổ truyền vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế từ rất sớm.

Trong khi đó, tại Việt Nam, như ông Truyền cho biết, thuốc y học cổ truyền mới được đưa vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế năm 2005. Tuy nhiên đến thời điểm này cũng chỉ mới có 349 vị thuốc và 229 chế phẩm y học cổ truyền được Bộ Y tế đưa vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế.

“Nếu so với số lượng thuốc tân dược được đưa vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế thì con số này của y học cổ truyền là còn quá thấp. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có một nền y học cổ truyền khá mạnh, có từ lâu đời với nhiều bài thuốc quý hiếm, điều trị được nhiều căn bệnh khác nhau mà các nước khác không có được”, ông Truyền nói.

Số tiền bảo hiểm y tế thanh toán cứ giảm dần

Chia sẻ về điều này tại hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu, đánh giá về chính sách chi trả bảo hiểm y tế đối với thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu, vị thuốc cổ truyền của một số nước trên thế giới và Việt Nam” hôm 17.7, ThS-DS Vũ Nữ Anh, chuyên viên Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết hiện nay tỷ lệ thuốc, chế phẩm, vị thuốc y học cổ truyền tại Việt Nam được bảo hiểm y tế chi trả đang ngày càng giảm dần.

Bà Anh cho biết trong 3 năm gần đây, tỷ lệ chi trả bảo hiểm y tế đối với thuốc, chế phẩm, vị thuốc y học cổ truyền giảm dần. Cụ thể, trong năm 2016, tổng chi thuốc bảo hiểm y tế là 29 nghìn tỉ đồng thì chi cho thuốc y học cổ truyền chiếm 22,4%. Năm 2017, tổng chi thuốc bảo hiểm y tế là 35 nghìn tỉ đồng thì chi cho thuốc y học cổ truyền chỉ chiếm 20,2%. Đến năm 2018 vừa qua, tổng chi thuốc bảo hiểm y tế là 39 nghìn tỉ đồng thì chi cho thuốc y học cổ truyền chỉ còn 17,8%.

Các chuyên gia dược học tỏ ra lo lắng về sự sụt giảm này cũng như danh mục thuốc y học cổ truyền được thanh toán bảo hiểm y tế còn quá thấp. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu không đẩy mạnh hơn nữa việc đưa thuốc y học cổ truyền vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế thì không chỉ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của y học cổ truyền mà còn làm giảm đi sự tiếp cận của bệnh nhân đối với những loại thuốc quý hiếm của dân tộc.

Nói về việc sụt giảm trong chi trả bảo hiểm y tế đối với các thuốc y học cổ truyền, bà Vũ Nữ Anh cho biết một phần là do ảnh hưởng của Thông tư 05/2015 về danh mục thuốc, danh mục vị thuốc và hướng dẫn thanh toán bảo hiểm y tế.

Trong thông tư này, quy định tại danh mục thuốc là “tên thuốc ghi theo vị thuốc có trong thành phần thuốc” nhưng trên thực tế nhiều thuốc có cùng một vị thuốc có trong thành phần, nhưng tên các vị thuốc trong các thuốc là khác nhau (cùng là phèn chua nhưng có chỗ ghi là bạch phàn, có chỗ lại ghi là bạch phục linh, thậm chí chỉ ghi là bạch linh).

Bên cạnh đó, quy định tại danh mục thuốc y học cổ truyền của thông tư này có quá nhiều ký tự đặc biệt, khi chuyển lên cổng thông tin điện tử bảo hiểm xã hội rất khó khăn trong thao tác ánh xạ.

“Muốn thúc đẩy y học cổ truyền phát triển cần phải có dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 05/2015; đồng thời phải đưa chế phẩm cốm đơn vị thuốc, cốm đơn vị dược liệu được thanh toán bảo hiểm y tế, bởi đây là xu hướng phát triển của lĩnh vực y học cổ truyền”, ông Truyền kiến nghị.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Y học cổ truyền có thế mạnh nhưng chưa phát triển, vì sao?