Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế tỉnh An Giang yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường phòng chống dịch bệnh.
Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (tỉnh An Giang), việc lưu thông giữa Việt Nam - Campuchia vẫn tấp nập với hàng trăm lượt người/ngày qua lại biên giới. Chính vì thế, việc giám sát nhập cảnh tại cửa khẩu luôn được lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ.
Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới vào sáng 15.3, tại cửa khẩu này, các xe tải chở hàng hóa (lúa gạo, mỹ phẩm...) qua lại thường xuyên. Tuy nhiên, các loại gia cầm hay động vật đều không được qua.
Do đó, lực lượng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên chỉ kiểm tra thân nhiệt người nhập cảnh từ Campuchia về thông qua máy đo thân nhiệt ở khu vực làm hồ sơ nhập cảnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, người phụ trách kiểm dịch y tế Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ, lực lượng kiểm dịch luôn tuyên truyền cho người dân về cách nhận biết, biện pháp phòng chống theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
“Chúng tôi giám sát tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo. Trường hợp phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì chuyển đến nơi cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ và khám sơ bộ”, bà Trúc nói.
Theo thiếu tá Nguyễn Văn Phát Anh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang), lực lượng bộ đội biên phòng luôn tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối tắt qua lại biên giới; phối hợp chặt chẽ các lực lượng công an xã, dân quân, hải quan, lực lượng kiểm dịch để kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện qua lại khu vực biên giới nhằm đảm bảo việc phòng chống dịch đạt hiệu quả cao, không để lây lan vào nội địa.
“Chúng tôi cũng trao đổi với các lực lượng chức năng Campuchia để kịp thời thông báo tình hình, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Đơn vị vẫn duy trì các chốt biên giới.
Ngoài ra, đơn vị cũng khuyến cáo người dân không nên tham gia, tiếp tay cho các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, trao đổi hàng hóa không rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện sự việc trên, người dân có thể tố giác để kịp thời ngăn chặn, xử lý”, thiếu tá Phát Anh nói.
Trước đó, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang đã ký kế hoạch số 2861 về việc phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ. Nội dung trong kế hoạch có nêu, từ tháng 5.2022 đến nay dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới gia tăng liên tục cả về số ca mắc và cả về quốc gia, vùng lãnh thổ. Chính vì thế, ngày 23.7.2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Nhằm chủ động giám sát các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại khu vực biên giới, Sở Y tế An Giang yêu cầu lực lượng chức năng giám sát nhập cảnh tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo.
Trường hợp phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh thì chuyển nơi cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ (trong vòng 21 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng, có tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc/và quan hệ tình dục với nhiều bạn tình) và khám sơ bộ.
Căn cứ theo kết quả khám/khai thác dịch tễ để quyết định chuyển hành khách về cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị hoặc đề nghị hành khách tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Người nhập cảnh từ quốc gia/khu vực có dịch lưu hành thì cần tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Khi có triệu chứng phát ban, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi và nổi hạch cần hạn chế tiếp xúc người khác, và tới cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chẩn đoán, điều trị và phòng chống lây nhiễm.