Mặc dù nếp trồng bỗng dưng chết lụn rất nóng ruột, nhưng khi biết được nguyên nhân thì người trồng nếp lại không yêu cầu bồi thường. Bởi họ nghĩ đến tình làng nghĩa xóm nên có lối cư xử đẹp.

An Giang: Nước giếng khoan nhiễm mặn, thải ra làm chết trắng lúa nếp

27/04/2020, 09:46

Mặc dù nếp trồng bỗng dưng chết lụn rất nóng ruột, nhưng khi biết được nguyên nhân thì người trồng nếp lại không yêu cầu bồi thường. Bởi họ nghĩ đến tình làng nghĩa xóm nên có lối cư xử đẹp.

18 hộ dân có diện tích nếp bị thiệt hại với hai đợt là 17 héc-ta - Ảnh: Tô Văn

Nước thải nuôi cá nguyên nhân gây lúa nếp chết?

Mấy tuần qua tại ấp Hòa Bình 1, xã Hòa Lạc, H.Phú Tân, tỉnh An Giang, xảy ra tình trạng lúa nếp chết trên diện rộng. Theo thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương thì có đến 18 hộ dân có diện tích nếp bị thiệt hại với 2 đợt là 170 công (1 công là 1.000m2). Có hộ diện tích lúa chết 20% và cũng có hộ là 100%, mất trắng. Nhiều nông dân có diện tích nếp bị chết yêu cầu chính quyền làm rõ nguyên nhân.

Ruộng lúa nếp chung quanh có nơi bị chết nhiều đến trống rỗng mặt ruộng - Ảnh: Tô Văn

Theo trình bày của nhiều nông dân trong cuộc họp ngày 16.3 tại UBND xã Hòa Lạc, thời gian qua, nước thải từ hoạt động nuôi cá ở các ao hầm của các hộ dân lân cận có sử dụng nước giếng khoan đã gây chết nếp trồng trong vụ đông xuân mới đây. Do đó họ yêu cầu các hộ nuôi cá phải trám lấp, đóng giếng khoan và không sử dụng nguồn nước ngầm này nữa. Đồng thời những hộ dân có nếp bị chết yêu cầu chủ ao hầm nuôi cá phải bồi thường thiệt hại theo sản lượng nếp sau khi thu hoạch.

Đối với 2 chủ hầm cá là ông Trần Tiến Vũ và Trần Minh Phụng (là anh em chú bác ruột, nuôi 3 hầm cá tra, nàng hai, sặc rằn - PV) cho biết, 2 ông có sử dụng nước giếng khoan để nuôi cá. Trong quá trình chăn nuôi thì 2 ông có xả nước từ hầm ra con mương dẫn nước ngoài ruộng. Thời gian qua, UBND xã có mời 2 ông làm việc và giải thích nên các ông đã đặt ống dẫn nước thải ra con mương khác, chứ không cho xả ra ruộng của bà con nông dân.

Nơi thì lưa thưa, chỉ vài bông lúa nếp đã chín - Ảnh: Tô Văn

Qua phản ánh của những nông dân có lúa nếp bị chết, cơ quan chức năng đã tiến hành thu mẫu nước ở các giếng khoan của các hộ nuôi cá như ông Vũ, ông Phụng, ông Thiếu và ông Sĩ. Kết quả phân tích các mẫu nước của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật tài nguyên môi trường (Sở TN-MT tỉnh An Giang) cho thấy, nước ở các giếng khoan này đều bị nhiễm mặn.

Cụ thể độ mặn từ 2,732 ‰ đến 5,092 ‰. Trong khi mức cho phép độ mặn trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đối với trồng lúa, nếp là dưới 1‰. Điều này có thể xác định nguyên nhân ban đầu là nếp của 18 hộ dân ở ấp Hòa Bình 1 chết là do bị nhiễm mặn từ nguồn nước ngầm xả thải của một số hộ nuôi cá quanh đó.

Theo ý kiến của nhiều hộ trồng nếp bị thiệt hại cũng như đại diện Phòng TN-MT H.Phú Tân, do nguồn nước ở các giếng khoan bị nhiễm mặn nên chủ hầm nuôi cá có sử dụng nước giếng khoan phải tiến hành lấp giếng. Thay vào đó sử dụng nguồn nước ngọt là nước mặt trên sông dẫn vào hầm nuôi. Qua quan sát xung quanh PV nhận thấy ở đây có 3 hầm nuôi cá. Xung quanh đó là ruộng lúa nếp đa số bị thiệt hại lớn. Ruộng lúa nếp chung quanh có nơi bị chết nhiều đến trống rỗng mặt ruộng. Nơi thì lưa thưa những bông lúa nếp đã chín.

Mạch nước ngầm đã nhiễm mặn?

Ngoài ra, PV còn thấy ở cạnh các hầm nuôi cá còn có những mảnh ruộng nếp bị chết theo dạng loang lỗ. Ở những cây nếp bị thiệt hại thì hầu hết cũng đã chín nhưng bông lép, cháy và chết lụn dần. Số lượng nếp trồng bị chết, lép hạt không đồng đều và mức độ thiệt hại khác nhau. Còn các giếng khoan của ông Vũ và ông Minh thì đều đã đóng bít lại.

Giếng khoan đã đóng - Ảnh: Tô Văn

“Trong khi nơi đây được xem là vùng lõi của nước ngọt, mà chẳng hiểu vì sao lại có nước ngầm bị nhiễm mặn. Khi nào những ruộng lúa nếp bị thiệt hại do nước nhiễm mặn này thu hoạch, thì cán bộ khuyến nông của xã sẽ đến giám sát, nhằm đánh giá mức độ thiệt hại”, 1 cán bộ địa chính xã Hòa Lạc nói.

Ông Trần Minh Phụng (chủ 2 hầm nuôi cá ở ấp Hòa Bình 1, xã Hòa Lạc) chia sẻ: “Từ phản ánh của những hộ dân trồng nếp chung quanh hầm ông, tôi liền đi mua ống để dẫn nước ngọt từ ngoài sông vào hầm nuôi, thay nguồn nước ngầm ở các giếng khoan. Tôi và ông Vũ cũng đã cho đóng các giếng khoan, theo yêu cầu của dân trồng nếp”.

Cũng theo ông Phụng, gia đình ông nuôi cá bằng nguồn nước giếng khoan khoảng 20 năm nay mà chẳng bị gì hết. Không hiểu sao bây giờ lại bị nhiễm mặn. Hầm của anh em ông nuôi nhỏ hơn hầm của các hộ kia nhiều. Các hộ kia mới xả nhiều nước ra ruộng. Đợt nuôi cá tra rồi gia đình ông bị lỗ cả trăm triệu đồng. “Giờ ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, giá cá các loại đều sụt giảm thê thảm. Tui phải đi hỏi nợ để mua ống nước thay thế tốn cả trăm triệu đồng. Nếu bà con đòi bồi thường thì chẳng biết lấy tiền đâu mà bồi thường”, ông Phụng than thở.

Cán bộ xuống hiện trường xác định nguyên nhân - Ảnh: Tô Văn

Ông Nguyễn Văn Đức (56 tuổi, ngụ ấp Hòa Bình 1, xã Hòa Lạc) cho hay, vụ đông xuân này gia đình ông trồng được 8 công nếp nhưng bị thiệt hại ước khoảng 50%. Nguyên nhân do nước xả thải từ việc nuôi cá của hộ ông Minh, ông Vũ. Mấy vụ trồng nếp trước cũng bị thiệt hại. “Vài ngày nữa là thu hoạch, cũng ráng mót máy để trả tiền phân thuốc. Tui chỉ yêu cầu các chủ hầm lấp giếng khoan thôi. Chứ chỗ tình làng nghĩa xóm mà đòi bồi thường gì bây giờ”, ông Đức bày tỏ.

Ông Huỳnh Văn Hoàng, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Hòa Lạc, cho biết, sau khi nắm thông tin từ người dân phản ánh, địa phương đã xuống hiện trường và nhanh chóng báo cáo lên cấp trên.

“Theo quan sát và kinh nghiệm từ làm nông, tôi đoán là nước ngầm ở đó có độ mặn ít, bơm lên sử dụng lâu năm nên tích tụ dần. Chứ vùng này làm sao có xâm nhập mặn. Tuy nhiên phải chờ kết quả cuối cùng. Xã đã vận động và toàn bộ bà con đồng ý không đòi bồi thường. Sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo về trên xin hỗ trợ cho những hộ bị thiệt hại”, ông Hoàng nhận định.

Ông Đức trình bày, gia đình ông trồng được 8 công nếp nhưng bị thiệt hại hơn phân nửa, nguyên nhân do nước xả thải từ việc nuôi cá của 2 hộ gần ruộng lúa nếp của ông - Ảnh: Tô Văn

1 người dân địa phương đánh giá: “Tính ra 1 công nếp bị thiệt hại mất trắng thì thua lỗ khoảng 3 triệu đồng vốn đầu tư. Ngoài ra còn bỏ hết công sức hơn 3 tháng trời chăm sóc. Có người thiệt hại 5-7 công thì lỗ hàng chục triệu đồng. Ấy vậy mà họ không đòi những chủ hầm nuôi cá bồi thường, vì nghĩ đến tình làng nghĩa xóm”.

Tô Văn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
32 phút trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Nước giếng khoan nhiễm mặn, thải ra làm chết trắng lúa nếp