Tết Tân Sửu đã cận kề, trong khi các sinh viên trong nước nô nức về quê ăn tết, thì các học viên, sinh viên nước ngoài đang học tập tại Trường đại học An Giang lại ôm nỗi niềm riêng cách xa gia đình hàng ngàn cây số.
Năm nay, con đường về quê của các sinh viên quốc tế lại dài thêm, đặc biệt là với những sinh viên nữ, vì dịch COVID-19. Chiếc vali của họ không những được đựng đầy quần áo, đồ đạc mà còn “chất chứa” một niềm mong muốn da diết: “Nhớ nhà và muốn được về nhà”.
Bạn Padsasin (19 tuổi, ngụ TP.Pakse, tỉnh Champasak, Lào) hiện đang là sinh viên năm nhất Trường đại học An Giang, ngành Kinh tế quốc tế cho biết, đôi khi đơn giản: chỉ ngửi thấy mùi hương nhang thắp khi đi qua chùa chiền cũng ứa nước mắt. Kèm theo đó là một chút cô độc, tủi thân. Mặc dù Padsasin cũng có bạn bè bên cạnh, nhưng vẫn không tránh được nỗi buồn khi phải xa cách người thân.
“Lý do tụi em không thể về quê cùng gia đình là do ảnh hưởng dịch COVID-19. Nếu lựa chọn về quê lúc này, chúng em còn phải chịu tiền vé về quê đắt hơn nữa, phải ở tại khu cách ly 21 ngày và xa người thân. Đó cũng chính là lý do tụi em chọn ở lại”, Padsasin nói.
Tương tự là bạn Maren (19 tuổi, ngụ tỉnh Ta Keo, Campuchia) hiện là sinh viên Trường đại học An Giang. Bạn chia sẻ: “Đây là đầu tiên xa nhà nên em thấy buồn, nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Trong lúc gia đình, bạn bè tại An Giang đang đón tết còn mình thì không về nhà mà lại ở ký túc xá của trường cùng hơn 20 người bạn chung cảnh ngộ. Ở Việt Nam, chúng em được thầy cô tổ chức tất niên vẫn có tiền lì xì nên cũng an ủi được phần nào. Nếu năm nay không có dịch thì chắc chắn chúng em đã đi về với gia đình, người thân rồi”.
Cũng theo Maren, đây là lần đầu tiên đón tết với các thầy cô, với những người bạn Việt và được nấu mấy món tết ở Việt Nam như thịt kho hột vịt, gói bánh tét, nấu xôi gấc, làm chả lụa... Ngoài ra, các bạn được thầy cô dắt đi chụp ảnh, tìm hiểu nghệ thuật viết thư pháp tại chợ hoa TP.Long Xuyên rất thú vị.
Bà Phan Thị Kim Ngân - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ Ký túc xá Trường đại học An Giang cho biết, hiện nay tại khu ký túc xá quản lý 27 em trong đó có 5 sinh viên người Campuchia đang học đại học, 5 sinh viên Lào và 17 học viên người Campuchia đang theo học tiếng Việt.
“Năm nay do ảnh hưởng dịch COVID-19, những em này không được về quê nên ký túc xá luôn tạo điều kiện cho các em sinh hoạt ăn tết theo phong tục người Việt. Mới đây, các em được nhận tiền hỗ trợ học bổng và tiền thưởng tết của UBND tỉnh An Giang gần 2,5 triệu đồng để tiêu xài trong các ngày nghỉ tết ở Việt Nam”, bà Ngân nói.
Thạc sĩ Trương Chí Hùng - Giảng viên Khoa Sư phạm, Trường đại học An Giang cho biết hoạt động giảng dạy sinh viên nước ngoài là một hoạt động mang tính chuyên môn và mang tính chính trị. “Sự liên kết phối hợp đào tạo sinh viên quốc tế là một nhiệm vụ được UBND tỉnh An Giang quán triệt sâu sắc và Trường đại học An Giang chịu trách nhiệm đào tạo.
Về góc độ người giảng dạy, đầu tiên nhà trường sẽ dạy cho các em học tốt tiếng Việt và lồng vào những giá trị văn hóa, nét đẹp của con người An Giang nói riêng và Việt Nam nói chung. Thông qua các hoạt động đó, nhà trường nhận thấy các em đang ngày càng yêu quý tiếng Việt, yêu quý văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam đây là điều nhà trường rất phấn khởi”, thạc sĩ Hùng nhận định
Cũng theo thạc sĩ Hùng, một số học viên khi nhà trường đào tạo xong, các em trở về nước để công tác và có sự phản hồi rất tích cực, góp phần giúp mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam, Campuchia, Lào gắn kết nhiều hơn.
Năm nay do tình hình dịch COVID-19, các sinh viên Lào, Campuchia không được về quê tuy rất buồn nhưng nhìn chung các bạn cũng thích thú trải nghiệm văn hóa đón tết của người Việt và nhà trường luôn tạo điều kiện cho các em đón cái tết ở Việt Nam ấm cúng và đỡ tủi thân.