Tờ The New York Times ngày 16.11 đã nhận định rằng, sau khi Tổng thống Mỹ Obama rời chính trường thì nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trở thành người hộ vệ cuối cùng các giá trị dân chủ truyền thống phương Tây. Nhưng có vẻ như sau 11 năm nắm quyền, bà Merkel đã quá mệt mỏi, không những vậy bà còn đang bị bao vây ở tất cả các hướng.
Trong chuyến thăm tạm biệt châu Âu, Tổng thống Mỹ Obama đã gặp bộ ngũ quyền lực châu lục này: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Ý Mateo Renzi, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, Thủ tướng Anh Theresa May. Ông Obama đã “trao ấn kiếm” cho nữ Thủ tướng Đức để giữ cho “ánh sáng phương Tây không tắt”.
Điều gì khiến bà Merkel lại trở thành nhân vật tối quan trọng như vậy và liệu bà có thể hoàn thành được sứ mệnh hay không?
Angela Merkel – người thay đổi tình thế
Trên bước đường chinh phục quyền lực của mình, Thủ tướng Đức đương nhiệm phải trải qua rất nhiều trận đấu trí khắc nghiệt với cả đồng minh lẫn đối thủ. Bà Merkel đã phải vượt qua rất nhiều rào cản là những tình thế bất lợi để có thể trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử chính trị nước Đức, cả trước và sau cuộc cách mạng tư sản Đức.
Xuất thân từ miền Đông nước Đức, bà Merkel gặp ngay rào cản đầu tiên là sự nghi ngại của cả người dân lẫn chính giới Đức. Bởi lẽ, thực tế sau khi tái thống nhất nước Đức vào năm 1990 thì người dân xứ Đông Đức cũ “bị xem là công dân hạng B” vì chênh lệch giữa tiềm lực và sự phát triển giữa Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức.
Khi bước vào chính trường, bà Merkel được sự dìu dắt của Thủ tướng Helmut Kohl – người mà theo nhận xét của cựu Tổng thống Mỹ George H.W.Bush, là nhà lãnh đạo châu Âu vĩ đại nhất thế kỷ 20. Đó được xem là thuận lợi song cũng chính là rào cản đối với bà Merkel vì cái bóng của ông Kohl quá lớn khiến bà Merkel sẽ tới lúc phải đối mặt với giải quyết tình thế - vượt rào.
Và trong tình thế ngặt nghèo khi ảnh hưởng của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bị giảm sút, khiến mất quyền lực vào tay đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) đối lập, bà Merkel đã phải đối diện với sự lựa chọn khó khăn là trung thành với người thầy đã đưa bà lên vũ đài chính trị hay phải tìm hướng đi mới cho mình. Và bà Merkel đã chọn khác với đường lối của ông Kohl.
Khi được chọn làm người đứng đầu CDU, bà phải đối diện với một tượng đài mới là Thủ tướng Gerhard Schroder – người có 7 năm làm Thủ tướng Đức, đã để dấu ấn rất lớn trong đời sống chính trị và đời sống xã hội Đức lúc bấy giờ. Vì vậy, kết quả cuộc bầu cử năm 2005 đã dẫn đến bất phân thắng bại, đưa bà Merkel vào tình thế khó khăn cho việc nắm giữ quyền lực.
Trong thế giằng co, bà Merkel đã phải thể hiện nghệ thuật đàm phán khôn khéo để cuối cùng là ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng Đức, đưa tượng đài thứ 2 vào dĩ vãng. Trong 11 năm cầm quyền, bà Merkel đã phải bao lần rơi vào tình thế có thể khiến bà phải rời bỏ chiếc ghế quyền lực, song đến nay bà vẫn là người phụ nữ quyền lực nhất hành hành tinh, kể từ năm 2005.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay bà Merkel lại đang phải đối mặt với tình thế hết sức nguy nan khi liên minh cầm quyền của bà bị thất bại trong các cuộc bầu cử vùng thời gian qua, khiến việc bà Merkel theo đuổi một nhiệm kỳ thủ tướng nữa gặp quá nhiều sóng gió. Cho dù đang dẫn điểm, song thất bại thảm hại của bà Hillary Clinton tại Mỹ đã là lời cảnh báo bà Merkel.
Điều đó cho thấy Tổng thống Obama “trao ấn kiếm” cho bà Merkel trong giai đoạn này là một thách thức quá lớn với nữ Thủ tướng Đức. Phải chăng ông Obama quá tin tưởng vào khả năng chiến thắng tình thế của bà Merkel, hay thực sự phương Tây không còn ai có thể đứng ra gánh vác trọng trách nặng nề này?
Bà Merkel nặng gánh trong tình thế bất lợi
Theo The New York Times, “bà Merkel đang chịu sức ép từ sự thay đổi tại nước Mỹ với chiến thắng của Donald Trump, bà Merkel chịu sức ép từ việc nước Anh rời EU – Brexit, bà Merkel chịu sức ép từ các lực lượng cực hữu như đảng của Marine Le Pen tại Pháp và ngay tại nước Đức, bà Merkel phải chịu sức ép từ thất bại của liên minh cầm quyền trong các cuộc bầu cử”.
Không những thế “bà Merkel còn phải chống đỡ với một nước Nga đang hồi sinh, tạo hiệu ứng tốt cho lực lượng phi dân chủ phương Tây trên khắp lục địa già và thổi bùng ngọn lửa của chủ nghĩa dân túy. Trong khi đó ông Trump lại công khai ngưỡng mộ nhà lãnh đạo Nga, khiến cho việc duy trì biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow đã là một thách thức”.
Rõ ràng sức nặng trên đôi vai của bà Merkel quá lớn khiến bà khó có thể đứng vững và hoàn thành trách nhiệm của một người bảo vệ mạnh mẽ nếu như bà không nhanh chóng có được người chia sẻ gánh nặng và cùng góp sức đỡ cho chân trụ của bà. Tuy nhiên, dường như ông Obama lại làm ngược lại điều ấy, còn các đồng minh khác thì còn phải lo cho chính sự nghiệp của mình.
Tổng thống Pháp Francois Hollande thì gần như không còn cơ hội ở lại điện Elysée thêm một nhiệm kỳ nữa. Là Tổng thống Pháp để lại ít dấu ấn nhất trong lịch sử chính trị nước này, ông Hollande đang bị sức ép từ cả liên minh trung hữu đối lập lẫn lực lượng chính trị cực hữu từ đảng của bà Marine Le Pen. Do vậy, ông Hollande khó có thể giúp sức cho bà Merkel.
Thủ tướng Ý Mateo Renzi thì chưa khi nào có được tâm trí tốt nhất để thực hiện nhiệm vụ của mình chứ nói gì đến gánh đỡ cho bà Mekel. Lên nắm quyền khi đất nước Ý bị ảnh hưởng bởi cơn bão từ vỡ nợ của Hy Lạp khiến cho quyền lực của ông Renzi luôn bị thách thức bởi cựu Thủ tướng tham vọng quyền lực Berlusconi, ngay cả khi ông này rơi vào vòng lao lý.
Thủ tướng Tây Ban Nha Rajoy thì luôn phải như đóng vai trò lâm thời trong một chính trường Tây Ban Nha vô định hình bởi hậu quả của việc “độc quyền hai đảng”. Những đảng chính trị trẻ tuổi đã nhanh chóng khai thác sai lầm chiến lược của những đảng chính trị truyền thống, tạo ra cơn bão trên chính trường Tây Ban Nha từ cuối năm 2015 đến nay.
Còn việc tương hỗ giữa hai “bà đầm thép” Theresa May – Angela Merkel ở hai bên bờ biển Manche thời hậu Brexit là điều khó hơn lên trời. Hiệu ứng tiêu cực của Brexit đối với EU đang khiến cho liên minh kinh tế này đối mặt với nguy cơ phân rã, thậm chí tan rã, nếu lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan gây ra “domino Brexit”.
Không những thế, tại Ba Lan - nơi giao thoa giữa EU truyền thống với EU mở rộng, nơi giao thoa giữa nền dân chủ mang tính truyền thống với nền dân chủ mang tính đồng hóa – lực lượng cầm quyền đang có những chính sách đẩy lùi nền dân chủ phương Tây, sau hơn 1/4 thế kỷ thấm nhuần. Điều này khiến cho EU ngày càng rơi vào cảnh “đồng nhưng không thuận”.
Quả thực ông Obama đã đưa nữ Thủ tướng Đức vào một thế quá khó trong giai đoạn giá trị truyền thống phương Tây đang bị thẩm định lại, ông Obama đã trao cho bà Merkel “ấn kiếm” nhưng lại thiếu quan quân. Nguy hại hơn nữa là hiệu ứng tiêu cực từ ngay nước Mỹ khi ông Trump chiến thắng bà Hillary khiến bà Merkel phải đối mặt với “đối thủ ở giữa đồng minh”.
Tại Đức, làn sóng phản đối “chính sách dân nhập cư thân thiện” đã khiến liên minh cầm quyền của Thủ tướng Merkel phải trả giá và hiện nay vẫn đang là thách thức với quyền lực của bà Merkel. Liệu nữ Thủ tướng Đức có vượt qua được thách thức, thay đổi tình thế để chíến thắng và giữ trọng trách “người hộ vệ cuối cùng” các giá trị dân chủ phương Tây?
Điều đó có thể nhận diện qua chương trình hành động của bà Merkel trong quá trình tranh cử cho nhiệm kỳ tiếp theo của bà đang vào giai đoạn quyết liệt. Chúng ta hãy tiếp tục theo dõi những bước đi sắp tới của người đàn bà quyền lực này.
Ngọc Việt