Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của Bộ Tài chính đang được sự quan tâm lớn của dư luận. Trong đó, có nhiều ý kiến lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng "thuế chồng thuế, phí chồng phí"...

Áp lực tăng thu 2019, Bộ Tài chính đề xuất thu thêm phí khí thải?

20/12/2018, 19:30

Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải của Bộ Tài chính đang được sự quan tâm lớn của dư luận. Trong đó, có nhiều ý kiến lo ngại sẽ xảy ra hiện tượng "thuế chồng thuế, phí chồng phí"...

Bộ Tài chính đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải - Ảnh: Internet

Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản đề nghị một số bộ ngành xây dựng khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải bao gồm: đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu, nộp phí, quản lý, sử dụng phí. Những thông tin này sẽ gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền.

Bộ Tài chính cho biết cơ sở để đưa ra vấn đề này là ngày 16.10 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, trong đó có nội dung Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường với khí thải.

Đề xuất thu phí bảo vệ môi trường với khí thải được Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh hiện nay đang gây nhiều tranh cãi bởi sắp tới từ ngày 1.1.2019, thuế bảo vệ với môi trường với xăng dầu sẽ được tăng kịch trần lên mức 4.000 đồng/lít. Trong khi đó, thu nhập của người dân chưa cao mà lại phải "gánh" nhiều loại thuế phí sẽ tạo áp lực rất lớn về việc đồng thuận cũng như vấn đề áp lực tăng lạm phát.

Có thể thấy áp lực thu ngân sách của Bộ Tài chính năm 2019 là rất lớn, hơn 1,4 triệu tỉ đồng, tương đương 23% GDP. Trong số trên, thu nội địa chiếm 83,2% với khoảng 1,173 triệu tỉ đồng. Còn lại, hai khoản thu lớn khác, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu, lần lượt là 44.600 tỉ đồng và 189.200 tỉ đồng. Còn thu từ thuế phí chiếm khoảng 20% GDP.

Cụ thể, thu từ thuế bảo vệ môi trường năm sau dự tính chiếm tới 4,9% tổng thu, tức là khoảng hơn 69.000 tỉ đồng. Con số này tăng đáng kể so với con số trong dự toán năm nay (khoảng hơn 49.000 tỉ đồng).

Thu từ thuế thu nhập cá nhân chiếm 8% trong tổng thu ngân sách, tương ứng khoảng 112.880 tỉ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 8,3% (khoảng 117.113 tỉ đồng); thuế tài nguyên chiếm 2,4% (khoảng 33.864 tỉ đồng); thuế xuất nhập khẩu chiếm 4,6% (khoảng 64.906 tỉ đồng); thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm 19,6% (khoảng 276.556 tỉ đồng); thuế giá trị gia tăng chiếm 26,4% (khoảng 372.504 tỉ đồng).

Thu từ việc bán tài sản bao gồm: tiền sử dụng đất, tiền thoái vốn chiếm 9,9% (tương ứng với khoảng 139.689 tỉ đồng); khoản thu từ các loại thuế, phí khác chiếm 15,8% (tương ứng khoảng 222.938 tỉ đồng).

Trong bối cảnh thu ngân sách từ dầu thô đang có xu hướng giảm (dự toán thu năm 2019 được Kiểm toán Nhà nước cho biết thu từ dầu thô lập dự toán 44,6 nghìn tỉ đồng, giảm 10,4 nghìn tỉ đồng so với ước thực hiện năm 2018, chiếm tỷ trọng 3,2% tổng số thu ngân sách nhà nước) thì áp lực tăng các khoản thu trong nước, đặc biệt là từ thuế phí là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc cân nhắc thu hoàn cảnh và thời điểm như thế nào là điều Bộ Tài chính cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực tăng thu 2019, Bộ Tài chính đề xuất thu thêm phí khí thải?