Cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt, dự báo khoảng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Qua đó, tỷ giá sẽ chịu sức ép tăng do nhập siêu dẫn đến cầu ngoại tệ tăng.

Áp lực từ nhập siêu khiến tỷ giá tăng

Phan Diệu | 11/06/2017, 08:25

Cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt, dự báo khoảng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Qua đó, tỷ giá sẽ chịu sức ép tăng do nhập siêu dẫn đến cầu ngoại tệ tăng.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong 5 tháng đầu năm 2017, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do tiếp tục có xu hướng giảm so với tháng trước cũng như so với đầu năm.

Nguyên nhân là do nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ nguồn vốn FII (mua bán sáp nhập) và nguồn vốn FDI tăng mạnh. Bên cạnh đó, chỉ số Bloomberg Dollar Index nhiều phiên giảm liên tiếp làm giảm áp lực đáng kể lên tỷ giá VND/USD. Tính đến cuối tháng 5.2017, chỉ số này đã giảm 5,36% so với đầu năm.

Ngoài ra, việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong ngắn hạn với những bước điều chỉnh nhỏ chưa gây áp lực đối với tỷ giá. Hiện tại, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn nghiêng về việc giữ VND.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước nói rằng thị trường ngoại tệ trong 5 tháng đầu năm về cơ bản ổn định, tỷ giá diễn biến phù hợp với mục tiêu điều hành của cơ quan này.

“Qua đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Thanh khoản thị trường tốt, các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Khi có điều kiện thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước đã mua ngoại tệ từ tổ chức tín dụng để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục mua được ngoại tệ từ khách hàng. Nếu so với cuối năm 2016, tỷ giá tương đối ổn định, trong đó tỷ giá trung tâm tăng 1,02%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,24%, tỷ giá của Vietcombank giảm 0,15% so với cuối năm trước”, Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phối hợp đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá. Đặc biệt, cơ quan này sẽ cân nhắc thận trọng việc bán để can thiệp thị trường ngoại tệ trong trường hợp cung cầu ngoại tệ mất cân đối.

Việc này nhằm đảm bảo tỷ giá không biến động quá mức, gây tâm lý bất ổn trên thị trường, hạn chế các yếu tố đầu cơ, găm giữ ngoại tệ làm ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền và kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng thời gian còn lại của năm 2017, tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao. Cụ thể, cán cân thương mại có thể đảo chiều từ mức thặng dư trong năm 2016 sang thâm hụt, dự báo khoảng 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Qua đó, tỷ giá sẽ chịu sức ép tăng do nhập siêu dẫn đến cầu ngoại tệ tăng.

Trong dài hạn, lộ trình tăng lãi suất của Fed trong những năm tiếp theo cũng gây áp lực lên tỷ giá. Thêm vào đó là xu hướng biến động khó lường của Nhân dân tệ và yên Nhật cũng sẽ tác động không nhỏ đến VND.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL: Nhiều kênh rạch cạn kiệt nước, giao thông thủy gặp khó khăn
12 giờ trước Bảo vệ môi trường
Vào cuối năm 2023, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã dự báo mực nước sông Cửu Long xuống thấp do mưa mùa kết thúc sớm và mùa mưa năm 2024 đến muộn hơn. ĐBSCL không chỉ bị hạn mặn, nắng nóng, thiếu nước canh tác nông nghiệp… mà giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn do mực nước kênh rạch xuống rất thấp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực từ nhập siêu khiến tỷ giá tăng