Áp lực tỷ giá gia tăng, giới chuyên gia cho rằng dư địa giảm lãi suất không còn nhiều, đồng thời vấn đề ổn định tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế.

Áp lực tỷ giá có khiến đảo chiều chính sách giảm lãi suất?

Sơn Lam | 15/09/2023, 14:21

Áp lực tỷ giá gia tăng, giới chuyên gia cho rằng dư địa giảm lãi suất không còn nhiều, đồng thời vấn đề ổn định tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế.

Ngày 15.9, tỷ giá trung tâm thêm 23 đồng, lên 24.036 đồng/USD. Các ngân hàng tăng giá USD thêm 80 đồng và vượt qua mức cao nhất vào cuối tháng 8. So với đầu tháng 9, giá bán USD của các nhà băng chỉ tăng 90 đồng nhưng giá mua tăng mạnh 270 đồng.

Tính từ giữa tháng 6 đến nay, tỷ giá trung tâm USD lại biến động mạnh trong những ngày vừa qua. Thậm chí, tỷ giá trung tâm còn lên trên mốc 24.000 đồng/USD. 

ty-gia-1.jpeg
Tính từ giữa tháng 6 đến nay, tỷ giá trung tâm USC biến động mạnh - Ảnh: Internet

Theo các chuyên gia, ngược với chính sách tiền tệ giữa Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành 4 lần, tổng cộng từ 1,25 điểm% đến 1,5 điểm%. Điều này tạo dư địa để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Đó cũng là lý do khiến đồng Việt Nam bị giảm giá so với USD, gây sức ép lên tỷ giá.

Trong thời gian tới, việc Fed vẫn duy trì lãi suất điều hành ở mức cao, có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa cũng như những diễn biến quốc tế khó lường tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng áp lực tỷ giá tăng có thể khiến đảo chiều chính sách tiền tệ của NHNN, từ nới lỏng chuyển sang chặt chẽ hơn. Trước áp lực tỷ giá, nếu cứ giảm lãi suất thì có thể tạo sự bất ổn trong thị trường ngoại hối.

Do đó, ông Hiếu cho rằng dư địa giảm lãi suất không còn nhiều và NHNN không nên giảm thêm lãi suất.

“Tỷ giá cuối năm có tăng nhưng sẽ không tăng quá mạnh, nhưng cần chú ý có thể thị trường “chợ đen” sẽ trở lại. Hiện tại, NHNN vẫn kiểm soát tỷ giá khá tốt”, ông Hiếu nêu.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng sau 4 lần giảm lãi suất điều hành của NHNN thì chính sách tiền tệ đã bão hòa.

Theo ông Huân, hiện tại, nếu NHNN tiếp tục giảm lãi suất thì cũng sẽ không tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Thậm chí hiện nay, các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, hay nói cách khác là cung - cầu không gặp được nhau. Như vậy, chính sách tiền tệ đã không còn nhiều dư địa để lới lỏng.

ty-gia-2.jpeg
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu

Đối với vấn đề tỷ giá, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, khi xuất khẩu hàng hóa sang các nước phá giá nhiều thì họ được lợi hơn về giá. Tuy nhiên, đối với NHNN thì khi điều hành tỷ giá phải đứng trên cục diện của toàn quốc gia, bao gồm cả doanh nghiệp xuất khẩu và cả doanh nghiệp (DN) nhập khẩu.

Theo bà Hồng, năm 2022, Việt Nam xuất siêu hơn 12 tỉ USD, nhưng của DN FDI xuất siêu lên đến 36 tỉ USD. DN trong nước bị thâm hụt do chi phí sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu nước ngoài.

Thống đốc cho rằng nếu tỷ giá tăng sẽ rất khó khăn cho các DN nhập khẩu nguyên liệu. Chưa kể, khi tỷ giá tăng thì DN đầu tư nước ngoài cũng không yên tâm vì khi hoạt động ở đây có lãi nhưng khi họ chuyển về nước lại thấy không có lãi.

“Do vậy, chúng tôi xin nhắc lại, vấn đề ổn định tỷ giá phải cân nhắc trên cục diện của toàn nền kinh tế chứ không vì DN nào cả”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Trước đó, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, mặc dù tỷ giá trong nước đang chịu áp lực tăng, nhưng diễn biến tăng của đồng USD sẽ chỉ có tính ngắn hạn và không tạo ra áp lực lớn với tỷ giá USD/VND như trong năm 2022. Hiện tại, vẫn có những yếu tố hỗ trợ như: thặng dư thương mại (8 tháng đầu năm đạt 20,19 tỉ USD, trong khi cùng kỳ 2022 chỉ đạt 5,26 tỉ USD) và dòng tiền kiều hối cuối năm.

Với diễn biến thị trường hiện nay, BVSC nhận định, ưu tiên hiện tại của NHNN là hạ mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, có phần ngược lại với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Fed, nên có thể khiến đồng VND ở một số thời điểm có diễn biến giảm nhanh.

ty-gia-3.jpeg
Từ nay đến cuối năm, áp lực tỷ giá sẽ không quá lớn - Ảnh: Internet

“Với áp lực từ đồng USD không lớn như năm 2022, chúng tôi đánh giá rủi ro với tỷ giá sẽ không mạnh như giai đoạn cuối năm ngoái. Việc giảm giá của đồng Việt Nam, theo quan điểm của chúng tôi, có thể còn hỗ trợ cho xuất khẩu hàng hóa trong các tháng còn lại của năm”, BVSC nhận định.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, đại diện NHNN cho biết đã có nhiều giải pháp, điều hành tỷ giá linh hoạt. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối (trên 6 tỉ USD); kết hợp với việc hủy thực hiện bán ngoại tệ theo các giao dịch kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng với tổng giá trị lên đến 2,24 tỉ USD. Từ đó, đã góp phần đưa ra và để lại lưu thông một lượng lớn tiền VND tương ứng.

NHNN nhấn mạnh, việc điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp, can thiệp ngoại tệ linh hoạt, chủ động cùng với các biện pháp khác của NHNN góp phần ổn định tâm lý thị trường, hạn chế áp lực biến động bất thường, quá mức đối với tỷ giá thị trường.

Trong những tháng cuối năm, NHNN cho biết, sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, thực hiện can thiệp thị trường linh hoạt nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực tỷ giá có khiến đảo chiều chính sách giảm lãi suất?