Bạc Liêu là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển sản phẩm làng nghề hiện nay của tỉnh gặp không ít khó khăn do sản phẩm thủ công, lạc hậu.

Bạc Liêu cần ứng dụng KH-CN để phát triển sản phẩm làng nghề

Trần An | 18/01/2023, 14:38

Bạc Liêu là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển sản phẩm làng nghề hiện nay của tỉnh gặp không ít khó khăn do sản phẩm thủ công, lạc hậu.

z4045959799338_00cd848173c3c5a140fc71f2c531f9ed.jpg
Nghề làm bánh tại thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân - Ảnh: Trần An

Những làng nghề truyền thống như làm muối, rèn, mộc, đan lát, đan lưới, dệt chiếu… từ lâu đã nổi tiếng gắn với nét văn hóa riêng của người dân Bạc Liêu. Hiện nay, toàn tỉnh có 9 làng nghề truyền thống đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở các huyện Hồng Dân, Phước Long, Đông Hải. Làng nghề đã giúp các địa phương giải quyết công ăn việc làm cho số lao động nhàn rỗi ở nông thôn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh. Thế nhưng hiệu quả và doanh thu của các làng nghề vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng, cũng như công sức mà người thợ bỏ ra.

trang-banh.jpg
Nghề làm bánh tráng ở huyện Hồng Dân có từ lâu đời nhưng khá lạc hậu - Ảnh: Trần An

Tại huyện Hồng Dân, địa phương tập trung nhiều làng nghề hoạt động đang có nhiều khó khăn về đầu ra sản phẩm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là phần lớn các cơ sở sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ, thiếu nhân lực có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao. Sản phẩm làm ra chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, lao động trẻ hiện nay tại các địa phương cũng không còn mặn mà với công việc tại làng nghề.

Bà Nguyễn Thị Chín (ngụ ấp Thống Nhất, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân), người có thâm niên làm nghề dệt chiếu cho biết: “Tôi gắn bó với nghề dệt chiếu gần 40 năm. Gia đình chủ yếu dệt chiếu theo hình thức thủ công, làm bằng tay là chính. Mỗi ngày tôi dệt tối đa khoảng từ 3 - 4 chiếc, tiêu thụ chủ yếu tại địa phương, bán trực tiếp tại nhà. Những ngày tết thì nhu cầu bà con mua chiếu cũng tăng đôi chút so với ngày thường”.

Cũng theo bà Chín, hiện nay nhu cầu sử dụng chiếu dệt bằng thủ công đã giảm đi rất nhiều so với thời gian trước. Đa số người dùng ưa chuộng sản phẩm chiếu được dệt bằng máy móc nên chiếu gia đình bà sản xuất ra cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Chị Mai Thị Én, thợ làm nghề bánh tráng tại thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân chia sẻ: “Nghề làm bánh tráng là nghề truyền thống của gia đình. Tôi  biết làm nghề bánh từ 15 tuổi, học nghề này là từ mẹ tôi. Trung bình mỗi ngày cơ sở tôi làm ra từ 800 - 1.000 chiếc bánh, thu nhập trung bình gần 4 triệu đồng/tháng. Dịp gần Tết thì thu nhập có tăng đôi chút”. Chị Én cũng cho biết thêm, do đặc thù nghề làm bánh tráng phải trải qua nhiều công đoạn, phải thức khuya, dậy sớm để chuẩn bị nguyên liệu hơi cực nhọc nên bọn trẻ bây giờ không mặn mà theo nghề nữa.

Không riêng gì nghề dệt chiếu hoặc làm bánh tráng,  nghề đan lát cũng gặp vô vàn thách thức. Những sản phẩm làng nghề những năm gần đây tuy không ngừng được cải tiến về mẫu mã để bắt kịp xu hướng của thị trường nhưng vẫn khó cạnh tranh với sản phẩm được sản xuất công nghiệp.

z4045958417950_e73aa5a41591d368631810c39b0dcd3b.jpg

Nghề dệt chiếu ở huyện Hồng Dân - Ảnh: Trần An

Bà Trần Thị Hồng Xuyên - Chủ nhiệm Hợp tác xã Đan đát Trúc Xanh (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: “Thời gian qua làng nghề đan đát truyền thống thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Không chỉ khó tìm đầu ra mà người thợ lành nghề còn theo nghề ngày càng ít dần, nguồn nguyên liệu cũng ngày một khan hiếm. Mặc khác để đầu tư thiết bị máy móc hiện đại thì đa số hộ còn thiếu vốn, khó tiếp cận”.

Từ thực tế trên, nhu cầu đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất sản phẩm làng nghề là điều kiện tiên quyết hiện nay. Để sản phẩm làng nghề thật sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng thì mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong làng nghề phải làm ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Các làng nghề cũng cần nâng cao trình độ cho người lao động, tiếp thu những công nghệ mới; phát huy thế mạnh của các nghệ nhân, thợ giỏi trong cải tiến mẫu mã, truyền nghề cho lớp trẻ; chủ động cơ cấu lại sản xuất theo hướng liên kết; tập trung xây dựng nhãn hiệu để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, dù các làng nghề truyền thống hiện nay đang giảm sút, nguy cơ xóa sổ nhưng thành công từ chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã phần nào giúp người dân, các chủ sở hữu ý thức được rằng sản phẩm của họ có khả năng tồn tại và phát triển trên thị trường nếu họ cải tiến, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm.

dan.jpg

Nghề đan lát ở huyện Phước Long - Ảnh: Trần An

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương cũng như các hội, đoàn thể đã tổ chức những khóa đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử, hỗ trợ kinh phí xây dựng website thương mại điện tử cho hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề. Cùng với đó, Trung tâm Phát triển công thương tỉnh cũng tích cực hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị, máy móc từ nguồn vốn của chương trình khuyến công; tư vấn xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề. Có như vậy, nghề thủ công, làng nghề truyền thống mới có điều kiện tồn tại và phát triển.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Liên kết vùng để cùng nhau ứng phó hạn mặn tại ĐBSCL
5 giờ trước Theo dòng thời sự
“Từ nửa cuối tháng 12.2023 tới nay, đa phần khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần như không có mưa, chỉ một số nơi có lượng mưa rất thấp. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm ở tất cả mọi nơi với tỉ lệ hụt chuẩn lượng mưa trong thời kỳ này từ 62-94%”, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Nam Bộ cho biết.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạc Liêu cần ứng dụng KH-CN để phát triển sản phẩm làng nghề