Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ biển, đê biển ở Bạc Liêu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng xấu đến sản xuất mà còn gây khó khăn cho đời sống, sinh kế của người dân vùng ven biển
Sạt lở nghiêm trọng
Những ngày qua, tuyến đê Biển Đông (đoạn thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu) tiếp giáp với tỉnh Sóc Trăng xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Kết quả thống kê ban đầu của ngành chức năng cho thấy có 2 đoạn sạt lở kéo dài hơn 100m, có đoạn ăn sâu vào chân đê. Trong đó, đoạn giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng hướng về cầu Chiên Túp 1 dài 50m, rộng 5m, sâu 1,5m; đoạn từ cầu Chiên Túp 1 hướng về tỉnh Sóc Trăng dài 50m, rộng 10m, sâu 1,5m.
Khu vực bờ biển Đông thuộc ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu là một trong những nơi sạt lở diễn ra nhanh, phức tạp nhất của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua. Những ngày qua, mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao, sóng dữ như muốn nuốt chửng đê bao bảo vệ đất sản xuất của dân.
Ông Trần Văn Kiên (50 tuổi, ngụ ở xã Vĩnh Trạch Đông) cho biết từ nhiều năm nay sạt lở bờ biển ăn sâu vào đất liền ngày càng nghiêm trọng. Giờ đây, không chỉ có ông mà rất nhiều hộ dân làm ăn, sinh sống chỗ này rất lo lắng mỗi khi biển động, sóng dữ.
Ông Nguyễn Văn Năm (60 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trạch Đông) cho hay: “Trước đây những cánh rừng mắm chạy dài từ đê kè ra ngoài biển tới hàng trăm mét, nhưng giờ đất rừng bị sạt lở rất nhiều. Mấy năm gần đây, cứ vào lúc triều cường lên, sóng dữ liên tục ập vào, cuốn phăng những khu rừng, khoảnh đất, làm bào mòn chân đê ngày càng sâu. Mỗi khi thấy triều cường, dông gió lớn là người dân ở đây thấy lo sợ”.
Giải pháp khắc phục
Ông Trần Minh Hải, Chủ tịch UBND TP.Bạc Liêu chỉ ra rằng, thời gian gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nước biển dâng cao nên bờ biển sạt lở sâu vào đất liền đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống và tính mạng của người dân.
Theo ông Hải, rừng phòng hộ phía trước đoạn đê biển Đông bị sạt lở nghiêm trọng, không còn rừng để ngăn những cơn sóng dữ để bảo vệ chân đê. UBND TP.Bạc Liêu đã đề xuất tỉnh có giải pháp tái tạo rừng phòng hộ ven biển để phát huy khả năng chắn sóng, chắn gió, góp phần bảo vệ tuyến đê biển Đông được hiệu quả.
Đồng thời, người đứng đầu chính quyền TP.Bạc Liêu cũng đề xuất Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (BCH PCTT-TKCN) cho công bố tình trạng khẩn cấp khu vực sạt lở đoạn đê biển, nơi giáp ranh của 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng (thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu) nhằm xây dựng công trình khắc phục sạt lở trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Lai Thanh Ẩn, Chánh văn phòng BCH PCTT-TKCN tỉnh Bạc Liêu, khu vực sạt lở không còn nhiều rừng phòng hộ nên khi triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, nguy cơ gió mạnh sẽ tiếp tục đánh trực tiếp vào thân đê, gây ra sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, vào mùa gió chướng, khi triều cường dâng cao kết hợp gió mạnh tạo thành các con sóng lớn làm cho nước biển tràn qua đê, chảy vào khu vực sản xuất và nhà dân. Dự báo tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, tình hình sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản của dân. Về lâu dài, cần có những công trình và phi công trình để bảo vệ đê biển Đông bền vững.
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh khẩn trương triển khai đắp đất hoàn thiện mái đê, sau đó trải lớp cát rọ đá hộc kết hợp khối chắn sóng Tetrapod sắp xếp liên kết với nhau để ngăn chặn triều cường và phá sóng, với tổng chiều dài 100m tại khu vực giáp ranh với tỉnh Sóc Trăng từ nguồn kinh phí dự phòng của tỉnh.
Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả của tình trạng sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu giao Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan có trách nhiệm huy động nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Đồng thời, người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu BCH PCTT-TKCN tỉnh phối hợp với các địa phương tiến hành thống kê, rà soát lại toàn tuyến đê biển những đoạn đê nào bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở (từ khu vực giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến Gành Hào, huyện Đông Hải) để có giải pháp ứng phó kịp thời.