Từ đầu tháng 2.2016 đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum không mưa, dòng chảy trên các sông suối giảm nhanh và thiếu hụt nước nghiêm trọng.

Bắc Tây Nguyên thiếu nước nghiêm trọng

Một Thế Giới | 26/02/2016, 11:53

 Từ đầu tháng 2.2016 đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum không mưa, dòng chảy trên các sông suối giảm nhanh và thiếu hụt nước nghiêm trọng.


Tỉnh Gia Lai xảy ra hạn gay gắt
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành vừa có công điện khẩn gửi các cơ quan ban ngành về việc tập trung triển khai quyết liệt và cấp bách các biện pháp phòng chống hạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tác động của hiện tượng El Nino, hạn hán trong mùa khô năm 2016 trên địa bàn.
Theo đó, từ đầu tháng 2.2016 đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh không mưa, dòng chảy trên các sông suối giảm nhanh và thiếu hụt nghiêm trọng. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến nay chỉ còn từ 30-50% dung tích thiết kế và một số đập thủy lợi nhỏ đã cạn kiệt nguồn nước. Một số địa phương có nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng như huyện Đak Đoa, huyện Chư Pưh, huyện Chư Prông, huyện Kbang, huyện Chư Sê...
Bac Tay Nguyen thieu nuoc nghiem trong-hinh-anh-1
 Sản xuất nông nghiệp đang bị đe dọa do thiếu nước tưới.
Tính đến nay, toàn tỉnh này có 3.026 ha cây trồng bị hạn, trong đó lúa nước là 844 ha, cây cà phê là 1769 ha, hồ tiêu là 413 ha... Ngoài ra, một số địa phương như Chư Sê, Krông Pa còn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tập trung chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tăng cường phối hợp với các đơn vị quản lý thủy nông xác định khả năng cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi, từ đó có phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước.
Kon Tum: Nước sông Đăk Bla xuống thấp lịch sử
Báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh này tính đến ngày 18.2, tại một số khu vực của huyện Đăk Hà, Sa Thầy và thành phố Kon Tum đã có 80,2 ha (63,2 ha lúa và 17 ha cà phê) đang bị khô hạn, thiếu nước.
Địa phương có diện tích cây trồng bị khô hạn, thiếu nước nhiều nhất là huyện Đăk Hà với 42,5 ha lúa bị khô hạn, thiếu nước (ở khu vực thôn Đăk Lố, Đăk Trú, Đăk Ni của xã Đăk La 12,5 ha; khu vực cánh đồng 1A, xã Đăk La 30 ha).
Các huyện còn lại hiện chưa có diện tích cây trồng bị hạn nhưng với tình hình nắng nóng, khô hạn kéo dài, mực nước trên các sông, suối ở mức thấp, một số giếng nước, sông suối đã khô hạn nên nhiều hộ đã thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất.
Bac Tay Nguyen thieu nuoc nghiem trong-hinh-anh-2
 Hạn hán đang dự báo xảy ra nghiêm trọng tại Tây Nguyên.
Theo dự báo, tình hình nắng nóng, khô hạn có thể kéo dài đến khoảng tháng 3, tháng 4 tới và xảy ra trên diện rộng, gây thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt nghiêm trọng và nguy cơ cháy rừng cao, do nguồn nước đến các sông, suối bị cạn kiệt.
Hiện tình hình nắng nóng kéo dài, không mưa làm mực nước trên các sông suối đang giảm dần, lượng dòng chảy cùng kỳ đạt thấp hơn trung bình nhiều năm từ 45-65%. Sông Đăk Bla, tại thành phố Kon Tum mực nước đã xuống mức thấp nhất lịch sử.
Theo số liệu quan trắc tính đến ngày 17.2, các hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1,5m đến 5,8m. Đa số các hồ chứa dung tích trữ còn từ 1/3 đến 2/3 so với dung tích thiết kế nên hiện cơ bản vẫn đảm bảo nước tưới theo như kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, có một số hồ đã thiếu nước và có khả năng không đủ nước để duy trì tưới đến cuối vụ như hồ Cà Tiên, Tân Điền, Đăk Rơ Wa của thành phố Kon Tum. Ngoài ra, hầu hết các đập dâng và trên các sông, suối mực nước cạn kiệt so với trung bình nhiều năm nên khả năng đến cuối vụ Đông Xuân 2015 – 2016 diện tích bị hạn sẽ xảy ra trên diện rộng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, mùa khô sẽ tiếp tục đến hết tháng 4.2016. Hiện tại, các hồ chứa thủy lợi đang có dung tích trữ thấp hơn thiết kế, đạt từ 50-60%, nhiều hồ thấp hơn cùng kỳ năm 2015.
Chỉ tính riêng các tỉnh Tây Nguyên, diện tích được tưới từ công trình thủy lợi chỉ được 30% diện tích canh tác (cây trồng cạn được 21-25%, tùy theo địa phương và điều kiện nguồn nước của từng năm).
Đến thời điểm này, diện tích phải dừng sản xuất là 2.865 ha, gồm: 2.650 ha ở Gia Lai, 215 ha ở Đắk Nông. Dự kiến, trong thời gian tới (giữa tháng 3.2016), diện tích bị hạn hán, thiếu nước khoảng 180.000 ha (Đắk Lắk 70.000ha, Đắk Nông 22.000 ha, Kon Tum 5.000ha, Lâm Đồng 45.000 ha, Bình Phước 36.000ha...v.v.).
Bac Tay Nguyen thieu nuoc nghiem trong-hinh-anh-3
 Người dân Tây Nguyên đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt vào đỉnh điểm mùa khô hạn.
Đối với cây công nghiệp lâu năm, cà phê là cây bị ảnh hưởng của khô hạn nhiều nhất, hiện nay có 1.121 ha cà phê (Đắk Nông 238 ha, Gia Lai 883 ha) thiếu nước tưới đợt 2 và trên 11.253 ha tiếp tục thiếu nước tưới (Đắk Nông 7.148 ha, Gia Lai 3.005 ha, Kon Tum 1.100 ha), dự báo đến cuối vụ có trên 100.000 ha cà phê bị ảnh hưởng do hạn hán.
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt khả năng xảy ra ở một số địa phương, nặng nhất là Đắk Lắk, có khoảng 25.000 hộ bị ảnh hưởng.
Thạch Châu-Lâm Vi
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Tây Nguyên thiếu nước nghiêm trọng