“Tui nghe nói các tỉnh đã ngưng cấp phép khai thác cát sông, xử phạt nặng đối với dân bơm hút cát lậu. Nhưng đã lỡ bỏ tiền tỉ đóng sà lan, mua máy móc theo nghiệp này thì phải làm liều thôi”, ông Năm T. nói.

Bài 1: ‘Cát tặc’ mỗi tháng kiếm hơn 100 triệu đồng

Hùng Anh | 10/07/2017, 10:59

“Tui nghe nói các tỉnh đã ngưng cấp phép khai thác cát sông, xử phạt nặng đối với dân bơm hút cát lậu. Nhưng đã lỡ bỏ tiền tỉ đóng sà lan, mua máy móc theo nghiệp này thì phải làm liều thôi”, ông Năm T. nói.

Đào bới lòng sông kiếm tiền

Mất nhiều ngày thuyết phục, ông Năm T., chủ 2 chiếc sà lan trọng tải gần 100 tấn/chiếc, chuyên hành nghề bơm hút cát sông ở tỉnh Tiền Giang, mới đồng ý cho PV đi theo1 chuyến khai thác cát. 18 giờ, trời vừa sụp tối thì ông Năm gọi điện chỉ dẫn tôi đến 1 địa điểm bên bờ sông Tiền thuộc khu vực huyện Châu Thành.

Tại đây, 1 chiếc ghe máy nhỏ chở ông Năm và 4 nhân công đậu chờ sẳn dưới sông, tôi vừa bước lên ghe thì ông Năm ra lệnh nổ máy, chạy tà tà dọc bờ sông.

Đến 1 lùm cây bần khá lớn, chiếc ghe máy tấp vào, mọi người lục tục leo lên 1 chiếc sà lan sắt đang ẩn nấp trong rặng bần, trên boong lòng thòng đống dây nhợ, ống nhựa to đùng và 2 chiếc máy bơm công suất lớn. Sau vài phút chuẩn bị, ông Năm chỉ huy chiếc sà lan nổ máy chạy thẳng ra giữa sông Tiền tối om mịt mù sóng nước, trên nóc cabin chỉ lập lòe 2 chiếc đèn hiệu xanh, đỏ.

Ngồi bên cạnh tài công, ông Năm cho biết trước đây khi các địa phương trên lưu vực sông Tiền như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long chưa căng thẳng chuyện khai thác cát thì nghề bơm hút cát sông sống khỏe, thường “đi làm” vào buổi chiều hoặc ngay giữa ban ngày, nếu khách hàng điện thoại yêu cầu cung cấp cát.

“Nhộn nhịp” khai thác cát

“Nhưng mấy tháng qua các tỉnh đều siết chặt quản lý, xử phạt rất nặng chuyện khai thác cát lậu nên tụi tui chuyển sang hành nghề ban đêm. Mình là dân bơm hút cát sông trái phép nên phải luôn cảnh giác, né kiểm tra để kiếm ăn”, ông Năm giải thích.

Dưới sự chỉ huy của ông Năm, chiếc sà lan to đùng rì rì chạy giữa sông Tiền, lâu lâu lại bật đèn pha báo hiệu cho những chiếc ghe, tàu đi ngược chiều. Trong lúc đó, ông Năm cứ 5 - 10 phút lại bấm điện thoại gọi đâu đó, trao đổi ngắn gọn chỉ 1 câu: “Có đoàn nào kiểm tra không?”, gương mặt đầy căng thẳng.

Sà lan chạy khoảng hơn 1 giờ đồng hồ thì bất ngờ ông Năm ra lệnh tắt máy, thả neo giữa dòng sông mênh mông tối mịt, đèn pha được bật lên chớp nhoáng trong vài phút đủ để cho các nhân công thao tác thả các ống nhựa cắm thẳng xuống lòng sông và bật máy bơm, bắt đầu hút cát, rồi tắt ngay.

Trong ánh sáng lờ mờ của 2 bóng đèn hiệu nhỏ xíu, các công nhân người ướt sũng, cật lực điều hành những chiếc vòi bơm khổng lồ đang xối xả tuôn dòng nước lẫn cát đen ngòm vào lòng chiếc sà lan. Chưa đầy 1 giờ bơm hút cật lực, khoảng 60m3 cát từ lòng sông đã được chuyển vào lòng chiếc sà lan thì chuông điện thoại của ông Năm reo vang.

Nghe máy xong, ông Năm nói ngắn gọn: “Có động”, rồi ra lệnh cho sà lan nhổ neo, nổ máy hết tốc lực rút về bờ. Nhìn đống cát đen ngòm trong lòng sà lan, ông Năm nói: “60m3 giao với giá 110.000đ/m3, sau khi trừ chi phí xăng dầu, nhân công, tui bỏ túi được hơn 3 triệu đồng. Vừa rồi mấy sà lan khác báo có đoàn kiểm tra vừa xuất phát, nên bao nhiêu đây cũng được”.

Tôi thắc mắc, giữa dòng sông Tiền mênh mông tối đen như mực, không hiểu vì sao ông Năm biết rõ nơi nào có cát để neo sà lan lại bơm hút? Ông Năm cười xòa, giải thích: “Dân làm nghề này ai cũng phải rành lòng sông như lòng bàn tay.

Sông Tiền, từ khu vực giáp ranh giữa cù lao Tân Long, Thới Sơn (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) và cồn Phụng (Châu Thành, Bến Tre) dài lên đến Kim Sơn, Phú Phong, cù lao Ngũ Hiệp, Tân Phong, vàm Cái Thia, ngã ba sông Tiền - sông Cổ Chiên… của các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, nơi nào có mỏ cát bơm hút được, chỗ nào cát nhiều, cát ít, cát tốt, cát xấu… thì dân trong nghề đều biết rõ.

Thậm chí, tui còn biết rõ vị trí nhiều mỏ cát trên các dòng sông thuộc địa phận tỉnh Bến Tre, để khi nào bên Tiền Giang kiểm tra gắt gao thì mình… chạy qua đó khai thác”.

Theo ông Năm, thời gian gần đây người dân các địa phương phản ứng quyết liệt với hành vi bơm hút cát gây sạt lở bờ sông, nên các sà lan không dám khai thác khu vực gần bờ mà luôn chọn bơm hút cát ở giữa sông vào ban đêm, đặc biệt an toàn khi bơm hút cát tại vùng thủy phận giáp ranh giữa 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre.

Ông Năm giải thích, bơm hút cát giữa sông Tiền ở khu vực giáp ranh 2 tỉnh có nhiều điều lợi, thứ nhất là không bị người dânphản ứng, thứ nhì là dễ tránh né các đoàn tuần tra kiểm soát. “Tui làm nghề này hơn 20 năm nhưng chưa khi nào gặp trường hợp đoàn kiểm tra bơm hút cát của 2 tỉnh cùng phối hợp tuần tra trên sông.

Vì vậy, khi phát hiện tỉnh này kiểm tra thì tui cho sà lan chạy sang thủy phận của tỉnh khác né tránh, vậy là xong. Nếu cả 2 tỉnh mà cùng lúc phối hợp tuần tra, kiểm tra thì dân bơm hút cát lậu hết đường chạy”, ông Năm cho biết.

Cấm thì cấm, khó bỏ nghề

Trên đường cho sà lan về bến, ông Năm cho biết: “Tui nghe nói các tỉnh đã ngưng cấp phép khai thác cát sông, xử phạt nặng đối với dân bơm hút cát lậu. Nhưng đã lỡ bỏ tiền tỉ đóng sà lan, mua máy móc theo nghiệp này thì phải làm liều thôi”.

Theo ông Năm, từ khi các tỉnh siết chặt chuyện bơm hút cát thì giá cát đang lên rất cao, nghề bơm hút cát lậu rất có ăn. Hiện tại, giá thu mua cát sông của các đại lý vật liệu xây dựng ngay tại sà lan trên 100.000 đồng/m3, nhưng họ bán ra thị trường hơn 200.000 đồng/m3, vì nhu cầu cát san lấp xây dựng đang khan hiếm cho nên dân bơm hút cát lậu cứ liều mạng, ai cấm cứ cấm, ai bơm hút cứ bơm hút, khó có thể bỏ nghề.

Sà lan và ghe bơm hút cát trái phép đang bị Công an Tiền Giang tạm giữ chờ xử lý.

Ông Năm kể, chính vì giá cát đang đội lên từng ngày nên hiện nay nhiều người rục rịch thuê đóng sà lan, mua máy móc, ống nhựa hành nghề bơm hút cát lậu. Thuê đóng sà lan bây giờ dễ như ăn gỏi, chỉ cần mang tiền đến các xưởng đóng tàu, sà lan ở các huyện Châu Thành, Tân Phước đặt hàng là sau 3 tháng sẽ có ngay 1 chiếc sà lan mới tinh.

Hiện tại, đóng 1 chiếc sà lan trọng tải 50 - 60m3 có giá từ 550 - 600 triệu đồng. Nếu trang bị động cơ loại tốt thì giá tiền dao động từ 700 triệu đồng đến 800 triệu đồng/chiếc. Còn sà lan trọng tải từ 80 - 100m3 có giá từ 1 tỉ đồng trở lên. Sau khi đem sà lan đăng ký đăng kiểm xong thì chủ phương tiện bỏ ra thêm 300 - 350 triệu đồng trang bị máy bơm hút, giàn ống nhựa là đã có thể ra nghề.

“Nhưng hiện nay do tình hình giá cát leo thang nên nhiều người mới ra nghề không chọn cách đóng mới sà lan vì phải chờ đợi đến 3 tháng. Họ chọn giải pháp lùng mua sà lan cũ nhưng còn hoạt động tốt, đem về trang bị thêm máy bơm, ống nhựa là có thể ra hành nghề ngay. Cách làm này chỉ tốn khoảng 450 - 500 triệu đồng cho 1 chiếc sà lan trọng tải 50 - 60m3, nhưng thu hồi vốn nhanh hơn”, ông Năm kể.

Theo ông trùm bơm hút cát này, với sà lan trọng tải 50 - 60m3, nếu 1 tháng chỉ cần hành nghề trót lọt 20 chuyến, sau khi trừ các chi phí thì coi như cầm chắc 60 triệu đồng tiền lãi, chưa đầy 1 năm là có thể thu hồi vốn.

Bản thân ông Năm với 2 chiếc sà lan trọng tải gần 100 tấn/chiếc, mỗi tháng bỏ túi không dưới 100 triệu đồng nếu không có chiếc nào bị các cơ quan hữu trách bắt giữ, xử phạt.

Thanh Thanh
Bài liên quan
Chìm tàu kéo sà lan trên biển Quảng Ngãi khiến 3 người chết, 2 người mất tích
Lực lượng chức năng đang khẩn trương triển khai biện pháp tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên trên tàu kéo sà lan chở đá bị chìm vào sáng nay (24.4) trên vùng biển Quảng Ngãi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nắng nóng gay gắt khắp cả nước, nhiều nơi trên 41 độ C
25 phút trước Sự kiện
Ngày 28.4, nhiệt độ cả nước tăng nhanh, thời tiết nắng nóng gay gắt khi có nơi trên 41 độ C.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: ‘Cát tặc’ mỗi tháng kiếm hơn 100 triệu đồng