Điện Hòn Chén nằm trên vực nước sâu nhất của dòng sông Hương, ở một vị trí khá đặc biệt về địa cuộc phong thủy, nơi tương truyền có một nữ thần hiển linh thường hiện về đó hằng năm khi mùa thu tới…

Bài 17: Điện Hòn Chén – Những ngày vang bóng

Một Thế Giới | 20/10/2013, 22:47

Điện Hòn Chén nằm trên vực nước sâu nhất của dòng sông Hương, ở một vị trí khá đặc biệt về địa cuộc phong thủy, nơi tương truyền có một nữ thần hiển linh thường hiện về đó hằng năm khi mùa thu tới…

Một ngọn núi xuất thần

Núi Hòn Chén được tạo hóa sinh ra giữa cảnh sắc mơ màng của sông Hương – nơi dừng chân của một dãy non ngàn xuất phát từ hướng tây bắc của Trường Sơn chạy lại. Đại Nam nhất thống chí mô tả “dãy non ngàn” ấy có dáng dấp “trùng trùng điệp điệp như rồng đi hổ phục” về phía kinh thành Huế, đến tả ngạn sông Hương thuộc làng Hải Cát, huyện Hương Trà đột ngột “nhô cao lên thành một ngọn núi đẹp và tròn như hình cái chén (Hòn Chén) gọi là núi Ngọc Trản (núi Chén Ngọc)”.

Đối chiếu sách địa lý toàn thư của cụ Tả Ao, chúng ta sẽ có những liên tưởng gần gũi với sơn thủy quanh vùng đó. Chẳng hạn cụ Tả Ao chỉ rõ: nếu long mạch chạy từ dãy núi lớn ra, nhấp nhô mềm mại suốt đường đi của mình thì khi kết lại nơi đâu, ở đó sẽ xuất hiện những con người thanh lịch tuấn tú (mạch lai duyên giang duyên khê, ủy đà khuất khúc, tử tôn thanh tú); Cao Trung giải: “Nếu nhìn chung long mạch đi uyển chuyển ven sông, ven suối với dáng thướt tha, khuất khúc (dịu dàng đẹp mắt) cho ta biết nếu có đất kết thì sẽ sinh người thanh tú, không thô kệch”.

Ngược lại, long mạch đi thẳng tuột như con lươn nằm chết, như que củi cứng đơ, hoặc như con cá khô phơi dưới nắng bất động, nếu kết ở đâu ắt nơi đó sẽ thiếu sinh khí (tử thiện tử ngư tối hung). Vậy long mạch phải sống động như “rồng đang uốn lượn, rắn đang phóng mình tới trước” tựa thế trườn đi của dãy Uyển Sơn khi ẩn khi hiện, về tới bờ bắc sông Hương vọt lên thành ngọn Hòn Chén một cách xuất thần hiếm thấy.

Dien Hon Chen

Núi Hòn Chén

 Ngọn núi cũng tiềm ẩn ý nghĩa “âm dương hợp nhất”, viên mãn vẹn tròn (nhất thể) và không hai (bất nhị) ngay trong hai tên gọi về mình. Được gọi Ngọc Trản (theo Quốc sử quán triều Nguyễn) vì trên đỉnh có sẵn khoảng đất trũng xuống trông như hình một cái chén ngửa ra giữa trời, với miệng rộng chừng vài mét đường kính, vào những ngày mưa lớn nước đọng lại trong xanh như ngọc. Được gọi Hòn Chén (theo dân gian) vì thấy xa xa “ngọn núi đẹp và tròn” hiện lên như cái chén úp lưng trời.

Hai cách gọi trên gợi hình ảnh về một cái “chén úp” (đỉnh tròn) và một cái “chén ngửa” (trũng nước trong) của cùng một địa cuộc. Tuy là hai (tên gọi) nhưng dùng để chỉ một thực thể (núi) với tướng trạng hiện hình theo thế “úp” và “ngửa” khác nhau, dẫn đến suy ngẫm về sự tương tác của những cặp đôi khác như: âm và dương, sơn và thủy, sáng và tối, hữu và vô – vốn là những thuộc tính của một “vùng đất sống”: Hòn Chén. Ở đó, ngoài cảnh vật nên thơ còn bao phủ vẻ huyền bí bởi các truyền thuyết và bởi ngôi đền cổ dựng bên sườn núi cheo leo để thờ vị thần tối cao của người Chăm mà Dương Văn An nhắc đến trong Ô châu cận lục giữa thế kỷ 16. Đến đầu thế kỷ 19, vua Gia Long sắc phong nữ thần thờ ở đền là: “Hồng Nhân Phổ Tế linh ứng thượng đẳng thần”. Vua Minh Mạng tu sửa đền khang trang thêm. Vua Tự Đức phong “Thượng đẳng tối linh thần” và thượng thư bộ Lễ đương thời là Phan Thanh Giản ghi lại nguồn gốc, quê quán và hành trạng của nữ thần Thiên Y A Na (thờ ở Hòn Chén) bằng chữ Hán trên tấm bia đá khắc năm 1856 (hiện còn dựng ở tháp Bà – Nha Trang):

Thiên Y tiên nữ ban đầu giáng linh ở núi Đại An, nay là xã Đại An tỉnh Khánh Hòa. Đất này gần thì giáp với cù lao Huân, ngoài xa thông với biển cả, bao bọc núi non, biển biếc, động thiên, đúng là chốn di tích của các bậc tiên linh xưa vậy (…) Có hai vợ chồng ông lão không con, dựng nhà bên triền núi. Hễ ruộng dưa trái vừa chín là bị người hái trộm. Ông lấy làm lạ rình xem thì thấy một bé gái độ mươi mười tuổi ôm dưa chơi ở dưới ánh trăng, bèn đến gần hỏi tới ngọn nguồn. Vì thương bé ít tuổi mà sớm côi cút nên mang về nuôi nấng như con ruột… Một hôm lũ núi, mưa nguồn ập tới, nàng chợt nhớ cảnh cũ Bồng Lai…” (Lý Việt Dũng dịch, Thông tin Khoa học và công nghệ, số 2, Huế 2000).

Nhớ Bồng Lai vì cô gái ấy là tiên nữ giáng trần, đã từ núi Đại An nhập vào khúc gỗ kỳ nam trôi ngược ra Bắc. Ngày kia, một hoàng tử vớt được đem về, thấy có cô gái đẹp bước ra từ thân gỗ kỳ nam với những nét buồn bí ẩn. Hoàng tử không hề biết trước mặt mình là một tiên nữ mà thức ăn hằng ngày thích nhất của nàng là âm nhạc và hương thơm của các loài hoa mới nở.

Thế nhưng nay xuống làm người, nên tiên cũng đồng ý ngồi vào tiệc cưới, kết hôn với hoàng tử theo lời đã ngõ. Ăn ở với nhau có hai mặt con, tiên nữ nhớ nhà về lại phương Nam, đến cù lao Huân tìm cha mẹ nuôi nhưng hai cụ đều qua đời. Tiên nữ ở lại dạy dân làm nghề, khai khẩn ruộng vườn rồi “giữa ban ngày cưỡi chim loan bay lên cõi tiên”.

Hoàng tử nhớ vợ, dẫn đội thủy binh vượt biển đi tìm, khi đến nơi binh lính phía Bắc của hoàng tử tỏ ra hung bạo ngược đãi dân làng, không tôn kính tượng nữ thần để lại, nên đã bị trừng phạt “từ đó bà hết sức hiển linh, thường qua lại nơi đảo Yến, đỉnh Cù cứu nhân độ thế. Ai cầu gì ứng nấy, dân chúng tôn bà là thần, gần xa nhất nhất lập thần chủ cầu cúng… Người xưa gọi bà là Thiên Y A Na Diễn Phi, Chúa Ngọc Thánh Phi” (tài liệu đã dẫn).

Dien Hon Chen

Đường lên điện Hòn Chén

Sau văn bia trên của Phan Thanh Giản, nhiều tác giả khác như các vị Thái Văn Kiểm, Bửu Kế, Trần Văn Toàn, Nguyễn Thế Anh, Quách Tấn, Hoàng Trọng Miên… bàn đến sự tích Thiên Y A Na phần đông cho đó là dị bản của dạng hình truyền thuyết về nữ thần Poh Nagar – vị thần Sáng tạo, bà Mẹ xứ sở của người Chăm – được tiếp nhận vào hệ thống các thần của người Việt để “hóa thân” thành nữ thần Thiên Y A Na.

Bà thường đứng trên đám mây trắng nõn như lụa hiện lên giữa nền trời cuối thu, hoặc theo bóng cầu vồng ngũ sắc xuống lưng chừng núi, hoặc ngồi trên lưng con bạch tượng mang theo hương thơm của kỳ nam từ rừng sâu đi ra. Không chỉ dân chúng thờ kính, mà cả loài vật cũng vậy, cứ hàng năm vào một ngày đặc biệt bỗng có “nhiều loài thú rừng kéo đến, cùng các loài cá ngoài khơi bơi vào, tất cả nằm chầu yên lặng trước đền thờ của nữ thần như chừng chúng rủ nhau đến dự ngày kỵ giỗ bà theo cách của chúng” (Đào Thái Hanh – BAVH 1914).

Một trong những nơi bà xuất hiện là làng Hải Cát với đền thờ dựng trên núi Ngọc Trản, phía trước có “một cái vực sâu hoắm, dưới đáy vực ấy tương truyền là hang của thủy tộc, và có một con rùa to lớn cỡ bằng chiếc tấm chiếu, mỗi lần nó trồi lên mặt nước là gây nên sóng to gió lớn mà người ta cho đó là sứ giả của Hà Bá phái lên” (ĐNNTC).

Dien Hon Chen

Chánh điện

Vua Đồng Khánh với âm vang  của cuộc đất thiêng

Theo chỉ dẫn của khoa địa lý gia truyền ở Việt Nam, có thể xét hình thế những ngọn núi hoặc điệu chảy các dòng sông để rút ra nhận định về một cuộc đất tốt hay xấu dưới góc độ phong thủy. Như nhìn ngọn núi có đầu tròn như cái hốt mà các vị quan thường cầm khi đứng chầu vua, hoặc thấy một dãy đồi nhấp nhô kết liền nhau như một xâu chuỗi bằng đá quý, hoặc ngọn núi có hình như nửa mặt trăng với thanh khí sáng sủa bao quanh, thì biết nơi ấy sẽ sinh nên những người con gái đẹp vào hạng cung phi (châm hốt hoặc liên châu, bán nguyệt, nữ xuất cung phi).

Hoặc trong ngọn núi giống như đầu một con người có cái búi tó đằng sau, tức là đỉnh có hai gò, một gò cao lên tựa đỉnh đầu, một gò thấp hơn nằm kề bên, trông xa như người có búi tóc kết lại, thì nơi ấy sẽ sinh nên trạng nguyên, phò mã (hoặc như cáo trục, trạng nguyên, phò mã)… Những điều cụ Tả Ao nêu trên giúp chúng tôi một cách nhìn về Hòn Chén với vùng phụ cận trải dài đến gò Hà Khê (nơi chùa Thiên Mụ tọa lạc) để bắt gặp trong ký ức những hình ảnh vàng son của dinh trấn Phú Xuân, những phủ đệ oai nghiêm với các nhà vườn đặc trưng, cùng những mỹ nhân Kim Long đã đi vào giai thoại.

Nhưng giờ đây, hãy trở về với điện Hòn Chén, nơi nhà Nguyễn sửa sang tôn kính kế tiếp nhau suốt hơn trăm năm, như thời vua Duy Tân đầu thế kỷ 20 sắc phong: “Thiên Y A Na Ngọc Diễn Phi tối cao đẳng thần”.

Dien Hon Chen

Vua Đồng Khánh (1886-1889)

Song, qua các vua đời Nguyễn, vận hội mới huy hoàng nhất đến với núi Ngọc Trản và điện Hòn Chén là vào thời vua Đồng Khánh (1886 – 1889). Vua đã nghe kể về một số linh ứng của nữ thần, như chuyện hoàng phi của vua Thiệu Trị vô ý đánh rơi chiếc ống nhổ bằng vàng xuống vực sâu trước điện Hòn Chén bèn van vái thánh mẫu Thiên Y A Na giúp mình. Ngay đó điều kỳ diệu xảy đến: chiếc ống nhổ bằng vàng bị chìm dưới đáy sông đã trồi lên mặt nước. Nhưng tác động mạnh nhất vào niềm tin của vua Đồng Khánh đối với nữ thần là việc mẹ ông (bà Kiên Thái Vương) đến cầu đảo xin mách bảo việc con bà có được lên ngôi vua hay không và nữ thần cho biết ông sẽ làm vua nay mai.

Sự việc xảy đến đúng như thế nên sau ngày lên ngôi (năm 1886), Đồng Khánh đã nâng “đền Hòn Chén” lên thành “điện Huệ Nam” (ân huệ cho nước Nam), cho xây cả chục công trình với Đệ nhất cung Minh Kính cao đài để thờ thánh mẫu Thiên Y A Na (sau năm 1954 thờ thêm thánh mẫu Vân Hương tức Liễu Hạnh công chúa), mỗi năm tế lễ hai kỳ vào mùa xuân và mùa thu. Có nhận định cho rằng nữ thần Thiên Y A Na được đồng hóa với sơn thần Ngọc Trản (vốn có trước đó trong thần tích địa phương) như:

Sự xuất hiện của nữ thần Thiên Y A Na trong hệ thần ở điện Huệ Nam (Hòn Chén) có liên hệ đến sự ra đời của ngôi làng Hải Cát bên cạnh. Theo truyền thuyết, Thiên Y A Na là thần đỡ đầu của làng Hải Cát. Chính vì muốn có một ngôi đền lớn trên núi Ngọc Trản nằm ở bìa làng, cho nên nữ thần quyết định mỗi năm trở về một lần vào mùa thu với những đám rước nhộn nhịp bằng đường bộ và đường thủy” (Nguyễn Hữu Thông – Thông tin Khoa học và công nghệ số 4, Huế 1995).

Những kỳ tế lễ như thế được vua Đồng Khánh nâng lên hàng quốc lễ do đại diện của triều đình làm chủ lễ. Về cuộc rước Nghinh thần vào mùa thu những tác giả trong và ngoài nước như ông H. Délétie cùng ông Nguyễn Đình Hòe đều có bài tường thuật khá sinh động trên BAVH 1915, đại ý ghi nhận những đêm trăng lên đồng ở điện Hòn Chén đã “tỏa sáng một góc trời tâm linh để chúng ta có thể nhìn thấy một chút gì bí ẩn vẫn giữ kín lâu nay ở cõi xa vời vợi”.

Sau ngày tôn tạo  “đền” (Hòn Chén) thành “điện” (Huệ Nam) khoảng hơn hai năm, vua Đồng Khánh qua đời vào 27 tháng chạp Mậu Tý (28.1.1889) lúc mới 25 tuổi, ở ngôi 3 năm. Con của vua có 6 hoàng nam và 4 hoàng nữ, trong đó con trai trưởng sau này lên ngôi là vua Khải Định (1916 – 1925). Ảnh của vua thờ ở Đệ nhất cung Minh Kính cao đài. Tên của vua lấy đặt cho một trường nữ trung học ở Huế và trường này trở nên nổi danh khắp miền Nam giữa thế kỷ 20.

Nhất là những năm của thập niên 1960 – 1970, nữ sinh Đồng Khánh nổi bật trong phong trào đấu tranh yêu nước ở đô thị với những đêm không ngủ vì quê hương, những cuộc bãi khóa, xuống đường nóng bỏng, mà khói lửa và bạo lực không đốt cháy được hình ảnh của những chiếc nón nghiêng, của tà áo trắng để vẫn dịu dàng đi vào thơ Trần Quang Long: “sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón” và cả trong âm nhạc nữa, với câu hát lãng mạn nhẹ nhàng một thuở về “cô nữ sinh Đồng Khánh kia ơi – cô đi về đâu sau buổi học này”

Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam – Bài: Giao Hưởng – Ảnh: Trương Vững, Gia Tiến, Tư liệu

>> Xem thêm sự kiện Phong Thủy
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 17: Điện Hòn Chén – Những ngày vang bóng