Để có thể ung dung trộm cát dưới sông hằng đêm, các chủ hầm phải tận dụng mối quan hệ thân thế, hoặc liên kết thành đường dây chung chi, mới có thể yên thân hành nghề quanh năm - giới “cát tặc” cho biết.

Bài 3: Đột nhập hầm cát khủng rộng hàng ngàn mét vuông bên sông Hàm Luông

Thanh Huy | 28/09/2019, 07:52

Để có thể ung dung trộm cát dưới sông hằng đêm, các chủ hầm phải tận dụng mối quan hệ thân thế, hoặc liên kết thành đường dây chung chi, mới có thể yên thân hành nghề quanh năm - giới “cát tặc” cho biết.

Báo điện tử Một Thế Giới từng thông tin về hầm cát “khủng” của chi nhánh Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và xây dựng Sông Lam (gọi tắt là Công ty Sông Lam). Hầm cát này hoạt động trái phép cạnh cầu Hàm Luông, địa phận xã Thanh Tân, H.Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre… Dọc theo tuyến sông Hàm Luông (xuôi về phía hạ lưu), trên địa bàn H.Giồng Trôm (Bến Tre), thời gian gần đây xuất hiện hơn chục hầm cát dã chiến khác.

Chủ hầm thuê kobe khoét các thửa đất sản xuất nông nghiệp thành những hố sâu (rộng 500 - 700m2), nhằm tích trữ lượng cát hút trộm dưới sông mỗi đêm. Khi cát được bơm lên hầm, ngay sáng hôm sau họ có thể công khai bơm xuống bán lại cho các chủ ghe, tàu… thu lợi rất cao, mà không hề bị ai xử lý.

Trữ hàng chục nghìn mét khối cát, tiếp tục mở rộng hầm…

Đâu là hầm cát quy mô lớn đứng hàng thứ 2 ở tỉnh Bến Tre (sau hầm cát “khủng” của Công ty Sông Lam)? Chúng tôi được người dân hướng dẫn tiếp cận, đó là hầm cát của ông Nguyễn Vũ P., nằm trên cồn Ốc (thuộc ấp 1, xã Hưng Phong, H.Giồng Trôm). Đến hầm cát, PV phải chạy xe máy từ cù lao Long Thành, sang cồn Ốc, lòng vòng trong vườn rồi gửi xe lội bộ hơn 500 mét ra tới bờ sông, bám víu đu người qua con mương ranh dày đặc những cây bập dừa nước…

Một hố cát sâu gần 2 mét (tại hầm cát của ông Nguyễn Vũ P.) vừa được bơm bán đi, đã có lượng cát mới ăn cắp ngoài sông bơm trám vào - Ảnh: Huy Phương

Chờ đến cuối buổi chiều, khi khu vực hầm cát không còn bóng ai lai vãng, PV mới đột nhập vào để ghi hình. Thật bất ngờ, hầm cát rộng và cao ngùn ngụn của ông Nguyễn Vũ P., hình thành trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 5.000m2, đang trữ hàng chục nghìn mét khối cát. Được biết, ông chủ “cát tặc” này là cậu ruột của một vịhiện đương chức Phó trưởng Công an xã Hưng Phong.

2 anh em ông Nguyễn Vũ P. và Nguyễn Thanh P., cậy nhờ thân thế vàmối quan hệ , nên mặc sức tung hoành trên sông. Theo người dân địa phương: “Ông Vũ P., luôn huênh hoang tuyên bố: đã trữ được lượng cát trị giá bạc tỉ tại đây”.

Hầm cát mới hình thành rộng 2.000m2 cạnh bên, người dân cho rằng của em ruột ông Nguyễn VũP.) - Ảnh: Huy Phương

Gọi hầm cát, vì lượng cát được tích trữ ở độ sâu âm khoảng 2 mét, tính từ mặt đất hiện hữu. Còn trên bề mặt hầm cát này trông như 1 ngọn đồi. Có nơi lượng cát được trữ, tính từ đáy hầm đến đỉnh cao trên 4 mét. Để “che mắt” mọi người, ông Nguyễn VũP. trồng trên đỉnh hầm cát những cây dừa con...

Rất dễ nhận biết cả chục nghìn mét khối cát lậu nằm bên dưới hầm, thông qua 1 hố cát được khoét sâu 2 mét vừa bơm bán đi, bằng những phương tiện bơm hút hiện diện ngay cạnh hố. Bơm bán xong, chủ hầm tiếp tục trộm cát ngoài sông phủ đầy trở lại. Liền kề với hầm cát của ông Vũ P., khoảng 2.000m2 đất trồng dừa khác đang được phá bỏ, khoét sâu để thiết kế mở rộng thêm 1 hầm cát nữa. Đó là hầm cát mới hình thành của ông Thanh P. (em ruột ông Nguyễn VũP.).

Nhiều năm qua, cử tri các xã: Hưng Phong, Thạnh Phú Đông, Phước Long… H.Giồng Trôm, phản ánh rất gay gắt về vấn nạn “cát tặc”. Nhưng đến nay vẫn không nhận được câu trả lời và sự chuyển biến nào thỏa đáng! Bà con đặt vấn đề: “Hiện tại, toàn bộ các mỏ cát trên địa bàn tỉnh đều đã ngưng hoạt động. UBND tỉnh Bến Tre chưa cấp phép cho bất cứ mỏ cát nào. Trong khi các cơ quan chức năng báo cáo, khâu tuần tra, bắt xử phạt, lúc nào cũng được triển khai rất quyết liệt. Nếu thật sự quyết liệt, thử hỏi “cát tặc” lấy đâu lượng cát mang đi bán và đưa lên hầm trữ tới mức “khủng” như vậy?”.

“Những hầm cát hình thành và tồn tại bất chấp quy định pháp luật, vẫn không bị kiểm tra xử phạt. Vì sao chính quyền địa phương và các cơ quan có trách nhiệm lạiđể “cát tặc” tha hồ càn quét, khoét sâu các nhánh sông như vậy?”... Và những câu hỏi của dân được đáp lại bằng sự im lặng!

Bị phạt 85 triệu đồng… liệu hầm cát “khủng” của Công ty Sông Lam cạnh cầu Hàm Luông có bị xóa sổ?

Còn hầm cát rộng khoảng 7.000m2 của Công ty Sông Lam, hoạt động bất chấp các quy định pháp luật từ cuối năm 2018. Theo phản ánh của cư dân địa phương, 1 đội tàu hút cát công suất lớn (cả trăm mét khối/chiếc) luôn thường trực trước mặt hầm. Số lao động làm thuê trên tàu chuyên ngủ ngày, đợi đêm đến tràn ra đoạn sông cạnh cầu Hàm Luông, vô tư hút cát bơm lên hầm tích trữ, hoặc chở đi tiêu thụ trực tiếp tại các công trình (báo điện tử Một Thế Giới đã phản ánh trong tháng 6 vừa qua).

Hầm của Công ty Sông Lam trước khi báo đăng đầy ắp cát. Khi bị kiểm tra, toàn bộ lượng cát tích trữ đã được chủ doanh nghiệp tẩu tán - Ảnh: Huy Phương

Hầm cát của Công ty Sông Lam thuộc hàng “khủng” nhất ở tỉnh Bến Tre. Ông chủ hầm cho vây tường rào bao chiếm luôn phần đất công, đã được đền bù giải tỏa để xây dựng 2 trụ điện vượt sông 110KVA và 220KVA .

Doanh nghiệp ngoài tỉnh này, xuất hiện và đầu tư kinh doanh lĩnh vực khai thác nguồn tài nguyên sa khoáng (cát sông) tại Bến Tre, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, đã tạo ra rất nhiều tai tiếng, gây xung đột gay gắt với cộng đồng dân cư.

Mặc dù các tàu sắt “khủng” của công ty trên từng bị hàng trăm người dân huyện Giồng Trôm vây bắt, làm áp lực khi đang khai thác cát, thậm chí bị Công an H.Bình Đại (Bến Tre) bắt quả tang đang ăn cắp cát trên sông cửa Đại, nhưng nhờ biết xoay chuyển… nên chỉ bị phạt hành chính và vẫn tiếp tục hoạt động.

Sau khi báo điện tử Một Thế Giới phản ánh về hầm cát và đội tàu sắt chuyên “mật phục” ăn cắp cát này, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã chỉ đạo các ngành kiểm tra hầm cát và hoạt động kinh doanh của chi nhánh Công ty Sông Lam. Nguồn tin, cho biết chỉ trong vòng 10 ngày kể từ khi báo đăng, cơ quan chức năng vào cuộc, ông chủ Công ty Sông Lam đã cho đội tàu tập kết trước hầm, móc hết tất cả lượng cát đang tích trữ chuyển đi nơi khác.

Trở lại hầm cát trên, hình ảnh chúng tôi ghi được về lượng cát “khủng” trước đó, giờ chỉ còn là những cái ao to đầy nước. Nhờ vậy, chủ hầm đối phó được với đoàn kiểm tra về các chứng từ nhập xuất (đầu ra đầu vào). Kể cả lượng cát ông Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Bến Tre gửi tạm, để làm “chứng cứ” xử lý hình sự các đối tượng khai thác cát trái phép (tổng cộng 250m3), cũng bị xáo trộn bơm hút chở đi…

Qua kiểm tra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre phát hiện Công ty Sông Lam đưa vào hoạt động hầm cát khi chưa có báo cáo đánh giá tác động về môi trường được UBND tỉnh phê duyệt. Việc tự ý neo đậu tàu để hành nghề, chưa được cơ quan quản lý về đường thủy cấp phép hoạt động bến thủy nội địa.

Hiện trường chỉ còn lại những ao sâu đầy nước… - Ảnh: Huy Phương

Với 2 sai phạm trên, UBND tỉnh Bến Tre chỉ ban hành quyết định phạt Công ty Sông Lam 85 triệu đồng và quy định trong vòng 45 ngày công ty này phải hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường để tỉnh thẩm định xem xét phê duyệt. Câu hỏi đặt ra từ động thái trênlà liệu chính quyền có xóa sổ hầm cát bất hợp pháp của Công ty Sông Lam hay nósẽ được cho phép tồn tại cạnh cầu Hàm Luông?

Tâm Phúc -Huy Phương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 3: Đột nhập hầm cát khủng rộng hàng ngàn mét vuông bên sông Hàm Luông