Yêu nước không phải là cái gì cao xa. Yêu nước thật ra rất gần gũi, cụ thể. Yêu nước chỉ đòi hỏi một tấm lòng và hành động theo tấm lòng ấy.

Bài học yêu nước từ một doanh nhân

15/04/2016, 10:31

Yêu nước không phải là cái gì cao xa. Yêu nước thật ra rất gần gũi, cụ thể. Yêu nước chỉ đòi hỏi một tấm lòng và hành động theo tấm lòng ấy.

Cuộc đời của ông chủ doanh nghiệp tư nhân Cỏ May Phạm Văn Bên vừa qua đời ở tuổi 67 vì bệnh ung thư hôm 7.4 ở Đồng Tháp khiến nhiều người xúc động, mang lại cho ta bài học ấy.

Ông Phạm Văn Bên, người sáng lập và là giám đốc điều hành doanh nghiệp tư nhân Cỏ May chuyên chế biến gạo thương hiệu cao cấp Nosavina, sản xuất thức ăn thủy sản và bao bì nhựa, đã bỏ ra gần 40 tỉ đồng mồ hôi nước mắt của ông để xây dựng kí túc xá dành cho những sinh viên có chí học, có tình yêu đối với quê hương đất nước, gặp khó khăn về kinh tế.

Khu kí túc xá khang trang dành cho 432 sinh viên ấy chỉ còn vài tháng nữa sẽ hoàn thành tại trường Đại học Nông lâm TP.HCM, thì ông đã ra đi mà chưa kịp nhìn thấy thành quả của mình dành cho thế hệ sau.

Nhà báo Lưu Trọng Văn, người cùng với tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh chạy 150 km về Đồng Tháp viếng tang ông Bên dù hai người chưa từng gặp ông mà chỉ nghe tiếng và khâm phục nghĩa cử của ông, kể lại: “Phạm Minh Thiện, con trai ông nói rằng, trước khi mất ông chỉ dặn dò chuyện về kí túc xá, về việc Thiện thay cha thực hiện tốt di nguyện của ông là giúp đỡ về kinh tế cho các sinh viên sống ở kí túc xá, tổ chức sinh hoạt tinh thần tốt cho sinh viên để họ thấy đây là ngôi nhà của mình và tìm nhiều người giỏi hỗ trợ sinh viên nâng cao kiến thức, có nhiều năng lực đóng góp cho xã hội hơn”.

Và Lưu Trọng Văn nhớ lại bài viết cuối cùng của ông Bên vào xuân Bính Thân 2016 vừa qua, chỉ vài tháng trước khi từ giã cuộc đời, từ giã những con người mà ông vô cùng yêu thương: “Tôi sẽ cố gắng góp phần xây dựng một thế hệ có tài, có tâm, để ngày sau họ chung tay xây dựng đất nước này... Tôi kêu gọi nhiều người giàu có hãy hướng về cộng đồng đầy lòng nhân ái thể hiện trách nhiệm của mình, hiến tặng lại cho xã hội những gì, hay ít nhất một phần quan trọng mình đã nhận được từ xã hội, làm cho xã hội phát triển và tốt đẹp hơn. Có như thế, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta mới phát triển mạnh mẽ, xã hội mới được vững bền, dân tộc mới thêm gắn bó, và đạo đức xã hội mới được nâng cao”.

Những năm cuối đời, ngoài việc bỏ hàng chục tỉ đồng xây kí túc xá cho sinh viên, hằng năm ông còn cấp khoảng 15 tỉ đồng lo chi phí cho sinh viên ở trong kí túc xá này.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA, sau khi đến viếng tang ông Bên, kể: “Thiện (con trai ông Bên) nói buồn hiu, như một thói quen từ nhiều năm nay, mỗi đầu tháng, ba vẫn tự đi ra ngân hàng, tự tay gửi tiền học bổng cho từng sinh viên được ba trợ cấp, rồi về nhà, ngồi tỉ mẩn nhắn tin cho từng cháu, chú Bên vừa gửi học bổng cho cháu rồi. Bao nhiêu lâu nay vẫn vậy”.

Trong lá thư tựa đề “Vĩnh biệt anh Út Bên – Một nhân cách lớn, “người thầy không bục giảng”, ông Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhớ về tháng ngày khi ông vừa ra trường trở về quê Đồng Tháp công tác, cũng là lúc ông Bên từ Thanh Bình về Cao Lãnh để bắt đầu một sự nghiệp mới. Hơn 30 năm, họ có dịp gần gũi, đồng hành trên nhiều chuyến đi, chặng đường tìm kiếm, mở mang thị trường ra nước ngoài nên rất hiểu nhau. “Đi lên từ một người nghèo khó, từ một vùng quê nghèo khó nên Anh luôn đau đáu về quê hương xứ sở, thấu cảm được nỗi nhọc nhằn của những người nông dân một nắng - hai sương” – ông Hoan viết trong thư.

Và tiếp: “Cả cuộc đời làm doanh nhân của mình, tôi đoán rằng Anh không có thời gian nhiều để học bài bản các khóa kinh tế, tiếp cận các lý thuyết quản trị, kinh doanh này nọ. Anh chỉ làm và làm tốt bằng sự tinh tế, nhạy bén của mình, bằng sự thấu cảm của mình. Nhìn Anh ngồi xếp bằng hỏi han từng người công nhân, rồi chăm chút đời sống cho mọi người bằng những quyển sổ tiết kiệm, quỹ học bổng, hỗ trợ xây cất nhà cửa... mới thấy Anh đối nhân - xử thế như thế nào. Anh đối đãi với cộng sự, với những người giúp việc, lao công, bốc xếp của mình như những người thân, những ân nhân đã giúp Anh vượt bao sóng gió thương trường”. “Mấy ai trong đời làm được những chuyện như vậy? Chắc là có, nhưng chắc là hiếm lắm!” – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp viết.

Và kết luận: “Anh yêu nước theo kiểu riêng Anh, thầm lặng nhưng đong đầy nghĩa cử cao đẹp với xã hội, góp từng viên gạch nhỏ cho sự phát triển của đất Sen hồng!”. Nói như Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Tấm lòng yêu con người, yêu đồng bào của mình và mang lại điều tốt đẹp cho đồng bào mình qua những việc làm cụ thể, đó chính là yêu nước, chứ yêu nước chẳng phải là cái gì cao xa, chẳng cần đến những từ ngữ đao to búa lớn.

Bằng việc làm của mình, ông Phạm Văn Bên đã cho mọi người một bài học sinh động và xúc động về thế nào là yêu nước. Tất nhiên, có tấm lòng và hành động cụ thể theo sự thúc đẩy của lòng mình không phải bao giờ cũng dễ dàng, không phải ai cũng làm được. Nó đòi hỏi người ta không chỉ nghĩ đến mình mà còn biết nghĩ đến đồng bào mình.

Tương tự như Cỏ May là câu chuyện của tập đoàn Mỹ Lan ở Trà Vinh và người sáng lập ra nó. Tập đoàn Mỹ Lan được sáng lập bởi doanh nhân - nhà khoa học - tiến sĩ Việt kiều Nguyễn Thanh Mỹ. Chỉ với hơn 10 năm hoạt động, tập đoàn Mỹ Lan đã và đang mở rộng hoạt động trên nhiều lĩnh vực, tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao như nghiên cứu, sản xuất và phát triển dòng sản phẩm máy in phun công nghiệp công nghệ cao LotoJet, VJet 1000 series, VJet 2000 series,… ngay tại quê hương Trà Vinh của ông chủ. Ông Mỹ kể: “Cả tuổi thơ tôi phải sống trong cơ cực ở vùng quê nghèo nhất nước, mưu sinh bằng cách rong ruổi khắp các nẻo đường để bán cà rem và bánh mì, thời gian còn lại thì đi học lóm.

Năm 1978, tôi tốt nghiệp Trường Đại học Phú Thọ (bây giờ là Đại học Bách khoa TP.HCM), nhưng vẫn không thoát được cái nghèo. Năm 1979, tôi tìm cách đi nước ngoài với hy vọng kiếm đủ miếng ăn cho mình, cho mẹ và mấy đứa em nhỏ. Ký ức về sự nghèo khổ của quê hương luôn thôi thúc tôi làm được điều gì đó để giúp những cậu bé, cô bé ở đây không phải bán cà rem kiếm sống vất vả như tôi ngày nào... Có lẽ sự thôi thúc đó lớn hơn đối với một người xa quê hương, xa gia đình đằng đẵng”. Ông Mỹ đã hợp tác với Trường Đại học Trà Vinh để thành lập khoa Hóa học ứng dụng, đào tạo hai chuyên ngành: Hóa học ứng dụng chất dẻo linh hoạt và Vật liệu nano - công nghệ in. Ông nhận tất cả các sinh viên đang học và ra trường về làm tại Mỹ Lan.

Ông nói: “Tôi từng rửa chén để bước vào khoa học thì không có lý do gì những người trẻ có điều kiện ăn học lại không thành công. Hãy tạo môi trường và cơ hội cho những thanh niên ở đây thể hiện khả năng và cùng ước mơ chúng tôi có hàng trăm, hàng ngàn bằng phát minh. Nơi làm việc của tôi và nhân viên đều như nhau. Thậm chí, khu vực nhà vệ sinh dành cho nhân viên cũng phải đạt tiêu chuẩn khách sạn 4 sao. Bữa trưa cho nhân viên được nấu bởi những người có tay nghề nấu nhà hàng. Phòng ăn sạch sẽ và hiện đại như trong một khách sạn lớn...”.

Thế đó, không ồn ào, không làm màu, những doanh nhân gắn chặt với gốc rễ quê hương của mình như ông Bên, ông Mỹ đã mang lại cho mọi người một bài học, một tấm gương về lòng yêu nước. Yêu nước là yêu lấy đồng bào của mình, là làm hết sức để cải thiện cuộc sống của con người sống trên quê hương mình, bằng những việc làm cụ thể. Cần lắm thay những con người, những tấm lòng như thế giữa thời buổi kinh tế hội nhập.

Đoàn Khắc Xuyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
39 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài học yêu nước từ một doanh nhân