Lễ hội Festival Văn hóa truyền thống Việt và giao lưu văn hóa quốc tế 2019 đang diễn ra tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) từ ngày 5.4 đến ngày 9.4 với ý nghĩa gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà sắc dân tộc.
Tuy nhiên trái với những hình ảnh quảng bá một cách lung linh, đầy bản sắc thì thực tế ở nhiều gian hàng được bày bán tại Hoàng Thành lại khiến người dân, du khách không khỏi lắc đầu ngán ngẩm. Nhiều gian hàng bán đồ lót nam nữ, quần áo hàng chợ, đồ chơi trẻ em có xuất xứ không rõ nguồn gốc cũng được bày bán trong festival tại Hoàng Thành.
Theo ghi nhận của phóng viên ngay trong Hoàng Thành Thăng Long, các gian hàng quần áo, đồ gia dụng, đồ chơi... được bày bán la liệt mà không hề có nhãn mác hay sự chỉ dẫn nào.
Được biết lễ hội là nơi hội tụ gần 300 doanh nghiệp, cá nhân của 63 tỉnh, thành trong cả nước với 300 gian hàng tiêu chuẩn và dự tính sẽ thu hút khoảng 80.000 đến 100.000 lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan lễ hội.
Đồ gia dụng, đồ lót được bày bán công khai ở Hoàng Thành
Chia sẻ với báo chí khi được hỏi vì sao cho các gian hàng bày bán đồ lót hay đồ chơi không rõ nguồn gốc vào thì bà Hồ Như Quỳnh - Trưởng ban tổ chức Festival thừa nhận, các gian hàng bày bán sản phẩm không giống với hợp đồng ký kết ban đầu. Ban tổ chức đã yêu cầu chủ một số đơn vị chuyển các gian hàng không phù hợp ra ngoài cổng Hoàng Thành, tránh gây khó chịu cho các du khách tham quan.
Mục đích của chương trình là quảng bá văn hóa, tôn vinh nghi thức hầu đồng, đạo mẫu, còn các gian hàng bày bán đồ không liên quan mà báo chí phản ánh là do họ đã làm sai, không giống như hợp đồng chúng tôi ký kết ban đầu. Đây cũng là lần đầu chúng tôi tổ chức nên cũng mong người dân và các cơ quan báo chí thông cảm", bà Quỳnh thông tin.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết hiện Sở VHTT đã cử đoàn thanh tra xuống xem xét sự việc cụ thể. "Sở VHTT cấp giấy phép theo đúng quy định, từ các tiết mục biểu diễn hay các gian hàng. Nhưng BTC đã để xảy ra tình trạng bày bán gian hàng không đúng với tiêu chí, nội dung cấp phép sẽ do Sở Công Thương xử lý trên tinh thần “sai đến đâu xử lý đến đó”,ông Động thông tin.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội (đơn vị trông coi Hoàng thành Thăng Long) thì cho rằng các gian hàng đã được BTC lễ hội festival cấp phép từ Sở Công thương, khi họ vào bán hàng thì phải tuân theo các quy định. Tuy nhiên, ông Thắng lại không nói rõ những gian hàng nào sẽ được bán những sản phẩm nào, sản phẩm nào bị cấm, sản phẩm nào mang tính thương mại thuần túy. Bên cạnh đấy, lễ hội festival lần này với mục đích là giới thiệu sản phẩm vùng miền thì những sản phẩm thương mại tiêu dùng thông thường như quần áo, đồ chơi, đồ gia dụng có được bán hay không thì cũng là điều đáng bàn tới.
Những đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ - Ảnh: T.P
Festival "Văn hoá truyền thống Việt Nam và giao lưu văn hóaquốc tế 2019" kéo dài trong 5 ngày, được tổ chức bởi câu lạc bộ Bảo tồn và phát triển văn hóa di sản Việt phối hợp cùng doanh nghiệp. Theo ban tổ chức, ngoài bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giá trị truyền thống, lễ hội còn nhằm kết nối văn hóa Việt với bạn bè quốc tế và tưởng nhớ ngày giỗ vua Lý Thái Tổ, vị vua khai sinh ra khu di tích Hoàng thành ngày nay. Một số tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại đây là hát chầu văn, ca Huế, cồng chiêng Tây Nguyên...
Tuy nhiên, ngay ngày đầu diễn ra sự kiện này, Ban tổ chức đã để xảy ra sự việc bán hàng đáng tiếc. Giá vé của chương trình cũng khiến nhiều người dân phản ánh là quá cao, khi ngày đầu tiên Ban tổ chức thu 100.000 đồng một người. Sau khi nhận được nhiều phản ánh, Ban tổ chức điều chỉnh xuống còn 25.000 - 50.000 đồng mỗi người, miễn phí cho trẻ em và sinh viên.
Dạ Thảo