Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu việc chỉnh sửa Luật Phòng chống rửa tiền... còn các bộ Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Tư pháp thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực mình quản lý...

Ban hành Kế hoạch hành động giải quyết rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố

03/05/2019, 07:08

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu việc chỉnh sửa Luật Phòng chống rửa tiền... còn các bộ Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Tư pháp thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực mình quản lý...

Ảnh minh họa từ Internet

Mục tiêu của Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020 là hoàn thiện cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố ở Việt Nam; kiểm soát, giảm thiểu rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố được xác định từ kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017; đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; đồng thời phục vụ đánh giá đa phương của nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với Việt Nam trong năm 2019.

Nội dung Kế hoạch hành động gồm: 1. Nhóm các biện pháp liên quan đến khuôn khổ pháp luật; 2. Nhóm các biện pháp liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền; 3. Hợp tác trong nước; 4. Các sản phẩm tài chính toàn diện; 5. Hợp tác quốc tế.

Quyết định nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu việc chỉnh sửa Luật Phòng chống rửa tiền đối với các quy định về nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng, phân loại rủi ro khách hàng; nghiên cứu, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến cấp phép hoạt động, mở chi nhánh, thu hồi giấy phép hoạt động nhằm giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương trước hoạt động rửa tiền đối với các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính...

Bộ Công an có nhiệm vụ tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng điều tra tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố cho các lực lượng chuyên trách chống khủng bố.

Các bộ Tài chính, Xây dựng, Công Thương, Tư pháp thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực mình quản lý nhằm xác định rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố của các tổ chức chịu sự quản lý, từ đó sớm nghiên cứu thực hiện thanh tra tại các ngành, lĩnh vực này.

Các bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống rửa tiền về các hành động được giao tại Kế hoạch này; định kỳ trước ngày 10 tháng 3, tháng 9 và tháng 11 hàng năm tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các hành động được giao tại Kế hoạch này.

Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020 được ban hành theo Quyết định số 474/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký.

Rửa tiền và tài trợ khủng bố có mối quan hệ như thế nào?

Rửa tiền là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách tạo ra vẻ bên ngoài hợp pháp cho các khoản tiền hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội. Rửa tiền không chỉ giúp cho tội phạm che giấu được nguồn gốc của những khoản tiền bất hợp pháp mà còn tạo ra cơ sở cho chúng hưởng thụ và sử dụng những đồng tiền đã được tẩy rửa để phục vụ cho những hoạt động tội phạm khác.

Theo Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về chống rửa tiền (FATF), rửa tiền là toàn bộ những hoạt động được tiến hành nhằm cố ý hợp thức hóa những khoản tiền, tài sản có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội.

Còn Công ước Vienna (1988) và Công ước Palermo (2000) của Liên hợp Quốc cho rằng, rửa tiền là các hoạt động chuyển hoán hoặc chuyển nhượng tài sản khi biết tài sản đó có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội, hoặc tham gia vào hành vi nhằm mục đích giấu giếm hoặc che đậy nguồn gốc phi pháp của tài sản hoặc tiếp tay cho bất kỳ cá nhân nào tham gia vào hành vi này, hoặc giấu giếm hoặc che đậy bản chất thực, nguồn gốc, địa điểm, việc định đoạt, sự chuyển dịch, các quyền liên quan đến tài sản hoặc quyền sở hữu tài sản khi biết rằng tài sản đó có được từ hành vi phạm tội, hoặc có được, chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản khi tại thời điểm tiếp nhận nó đã biết rằng tài sản này có được từ hành vi phạm tội.

Còn tài trợ cho khủng bố là sự hỗ trợ tài chính dưới bất kỳ hình thức nào cho khủng bố hoặc cho những kẻ khuyến khích, lập kế hoạch hoặc tham gia thực hiện hành vi khủng bố.

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì rửa tiền và tài trợ cho khủng bố thường thể hiện những đặc tính giao dịch giống nhau, đó là phần lớn phải được thực hiện bằng thủ đoạn che đậy.

Những kẻ rửa tiền, gửi tiền bất hợp pháp qua các kênh hợp pháp để che giấu nguồn g ốc phạm tội của chúng, còn những kẻ tài t ợ cho khủng bố thì chuyển tiền với nguồn gốc có thể là hợp pháp hoặc bất hợp pháp theo cách để che đậy nguồn gốc và mục đích sử dụng cuối cùng của số tiền này - đó là hỗ trợ cho khủng bố.

Các khoản tiền được sử dụng để hỗ trợ cho khủng bố có thể bắt nguồn từ các nguồn hợp pháp, các hoạt động tội phạm, hoặc từ cả hai. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sự che đậy nguồn gốc tiền dùng để tài trợ cho khủng bố, bất kể nguồn gốc của tiền là chính đáng hay phi pháp. Nếu nguồn gốc có thể được che đậy thì nó vẫn có thể được dùng vào các hoạt động tài trợ cho khủng bố trong tương lai.

Tương tự, điều quan trọng đối với mọi kẻ khủng bố là che đậy được mục đích sử dụng các quỹ để hoạt động tài trợ không bị phát giác. Vì những lý do như vậy, FATF đã đề nghị rằng mỗi nước cần hình sự hóa hành vi tài trợ cho khủng bố, hành vi khủng bố, các tổ chức khủng bố và quy định rõ những hành vi phạm tội nào cấu thành tội rửa tiền.

Và chính tổ chức FATF đã tuyên bố rằng 9 khuyến nghị đặc biệt kết hợp với 40 khuyến nghị về chống rửa tiền tạo thành một khuôn khổ cơ bản cho việc ngăn ngừa, phát hiện và chống cả rửa tiền lẫn tài trợ cho khủng bố.

Theo đó, những nỗ lực chống tài trợ cho khủng bố cũng đòi hỏi các nước phải xem xét mở rộng phạm vi của khuôn khổ AML để đưa vào đó cả những tổ chức phi lợi nhuận, đặc biệt là những tổ chức từ thiện, nhằm bảo đảm các tổ chức đó không bị sử dụng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc tài trợ hoặc hỗ trợ cho khủng bố.

Theo Infonet

VGP

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ban hành Kế hoạch hành động giải quyết rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố