The New York Times vừa có bài viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi ông qua đời. Họ đánh giá ông là một nhà sư có ảnh hưởng tới phong trào hòa bình toàn cầu và là người bạn của Martin Luther King.

Báo Mỹ viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi ông qua đời

Anh Tú (dịch) | 22/01/2022, 07:16

The New York Times vừa có bài viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi ông qua đời. Họ đánh giá ông là một nhà sư có ảnh hưởng tới phong trào hòa bình toàn cầu và là người bạn của Martin Luther King.

Thích Nhất Hạnh, một nhà sư Phật giáo Việt Nam, một trong những thiền sư có ảnh hưởng nhất thế giới, truyền bá thông điệp về chánh niệm, từ bi và bất bạo động, đã qua đời hôm thứ bảy tại chùa Từ Hiếu, Huế, Việt Nam, thọ 95 tuổi. Thông tin trên được Làng Mai, tổ chức tự viện của thiền sư thông báo. Thiền sư bị xuất huyết não nặng vào năm 2014 khiến ông không thể nói được nhưng vẫn có thể giao tiếp thông qua cử chỉ.

Một tác gia, nhà thơ, nhà giáo và nhà hoạt động vì hòa bình, Thích Nhất Hạnh đã phải rời khỏi (miền nam) Việt Nam sau khi phản đối chiến tranh vào những năm 1960 và trở thành tiếng nói hàng đầu trong phong trào mà ông gọi là “Phật giáo dấn thân”, chủ trương áp dụng các nguyên tắc Phật giáo vào cải cách chính trị và xã hội.

Đi phổ đạo khắp Mỹ và châu Âu (ông thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp), Thích Nhất Hạnh là một người có ảnh hưởng lớn đến các thực hành Phật giáo phương Tây, thúc giục việc đề cao chánh niệm, khái niệm được ông mô tả là "năng lượng của nhận thức và tỉnh thức".

Trong cuốn sách “An lạc từng bước chân: Phương pháp thực tập hạnh phúc”, ông viết đại ý: “Nếu chúng ta không hoàn toàn là chính mình, thực sự trong giây phút hiện tại, chúng ta sẽ bỏ lỡ mọi thứ”.

Số người theo dõi ông ngày càng tăng khi ông thành lập hàng chục tu viện và trung tâm tu tập trên khắp thế giới. Làng Mai nguyên thủy, gần Bordeaux, miền tây nam nước Pháp, là tu viện lớn nhất trong số các tu viện của ông và đón hàng ngàn người tới thăm mỗi năm.

Năm 2018, ông trở về Huế, miền trung Việt Nam, sống những ngày cuối cùng tại chùa Từ Hiếu, nơi ông xuất gia lúc thiếu thời.

thich-nhat-hanh.jpg

Thích Nhất Hạnh bác bỏ ý niệm ​​về cái chết. Ông viết trong cuốn sách “Không chết, không sợ hãi”. "Chúng không có thật."

Ông nói thêm: “Đức Phật dạy rằng không sinh; không tử; không đến; không đi; không giống; không khác; không trụ; không diệt. Chúng ta lại chỉ nghĩ đến có”.

Ông viết, sự hiểu biết về “không” đó có thể giải phóng mọi người khỏi nỗi sợ hãi và cho phép họ “tận hưởng cuộc sống và trân trọng cuộc sống theo một cách mới”.

Mối liên kết của ông với nước Mỹ bắt đầu vào đầu những năm 1960, khi ông học tại Đại học Princeton và sau đó giảng dạy tại Cornell và Columbia. Ông có ảnh hưởng đến phong trào hòa bình của Mỹ, thúc giục Mục sư Martin Luther King Jr. phản đối Chiến tranh Việt Nam.

king.jpg
Mục sư Luther King và thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh: AP

Luther King đã đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình năm 1967, nhưng giải thưởng này không được trao cho bất kỳ ai vào năm đó.

Luther King viết cho Viện Nobel ở Na Uy: “Cá nhân tôi không biết có ai xứng đáng hơn vị sư hiền lành đến từ Việt Nam này. Những ý tưởng của ông ấy về hòa bình, nếu được áp dụng, sẽ xây dựng một tượng đài cho chủ nghĩa đại kết, cho tình anh em thế giới, cho nhân loại”.

Thích Nhất Hạnh tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo tại Huế vào ngày 11.10.1926. Ông gia nhập một thiền viện năm 16 tuổi và theo học Phật pháp ở đó với tư cách là một sa di. Khi xuất gia năm 1949, ông lấy pháp danh là Thích Nhất Hạnh.

Vào đầu những năm 1960, ông thành lập Thanh niên vì Dịch vụ Xã hội, một tổ chức cứu trợ ở miền Nam Việt Nam. Tổ chức đã xây dựng lại những ngôi làng bị đánh bom, thiết lập trường học, thành lập trung tâm y tế và đoàn tụ các gia đình bị mất nhà cửa do chiến tranh.

Thích Nhất Hạnh bắt đầu viết và lên tiếng phản đối chiến tranh và vào năm 1964, đã xuất bản bài thơ “Lên án” trên một tuần báo Phật giáo.

Bài thơ khiến ông bị chính quyền Sài Gòn gán cho cái mác "nhà thơ phản chiến" và ông bị coi là một nhà tuyên truyền ủng hộ Cộng sản.

Thích Nhất Hạnh đến cư trú tại Pháp khi chính quyền miền Nam Việt Nam từ chối cho phép ông trở về từ nước ngoài sau khi ký kết Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973.

Ông đã không thể trở về Việt Nam cho đến năm 2005. Hoạt động chống chiến tranh của ông vẫn tiếp tục và trong một cuộc nói chuyện tại Hà Nội năm 2008, ông nói rằng cuộc chiến tranh Iraq là kết quả của sự sợ hãi và hiểu lầm, dẫn đến tự gây ra bạo lực.

Ông nói: “Chúng ta biết rất rõ rằng máy bay, súng và bom không thể xóa bỏ những nhận thức sai lầm. Chỉ có lời nói yêu thương và sự lắng nghe từ bi mới có thể giúp con người sửa chữa những nhận thức sai lầm. Nhưng các nhà lãnh đạo trên thế giới không được hiểu được quy luật đó và họ chỉ dựa vào lực lượng vũ trang để loại trừ chủ nghĩa khủng bố”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi ông qua đời