Nhìn bên ngoài, có vẻ như tòa vững chãi với cột kèo nguyên vẹn. Nhưng bên trong, khi đã có bầy mối đục khoét làm cho mục ruỗng, chẳng bao lâu cả tòa nhà sẽ sụp đổ. Và tòa nhà quốc gia nào cũng sẽ sụp đổ nếu như “bầy mối” tham nhũng, tham ô hoành hành mà không có phương cách tiêu diệt, như lịch sử đã từng chứng minh...
Việc so sánh bọn tham nhũng, tham ô với “bầy mối” có lẽ cũng không mấy khập khiễng bởi cả hai “loài” đều ẩn thân rất kín, gặm nhấm đêm ngày, làm cho những kết cấu tưởng chừng chắc chắn bỗng có ngày sụp đổ. Chỉ có điểm khác biệt là với bầy mối thì đặc tính gặm nhấm là do trời định, không thể trách, khác với lòng tham bất lương “nhân tạo” của bầy tham nhũng, tham ô.
Tình trạng tham nhũng hiện này của đất nước ta quả là đang đến mức báo động đỏ. Năm ngoái, Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CIP) của Việt Nam là 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 quốc gia trên toàn cầu. Tham nhũng tràn lan, đến mức Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải kêu lên: “Người ta ăn của dân không từ thứ gì”.
Tham nhũng nhiều nơi đã thành “hệ thống”, từ tham nhũng vặt cho tới tham nhũng “cá mập”. Đến như các quan “nhất phẩm triều đình” cỡ các bộ trưởng, thứ trưởng, nhiều kẻ đang phải ngồi tù vì tham ô, tham nhũng thì chúng ta phải thấy là tình trạng tham nhũng của đất nước đã ở mức nào. Và đó chắc hẳn cũng chỉ là phần nổi của tảng băng tham nhũng mà thôi.
Tác hại của tham nhũng bao giờ cũng ở mức kinh hoàng. Đơn cử chỉ lấy vụ đại án Mobifone mua AVG, theo lời khai, các quan chức như ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Nam Trà, Cao Duy Hải nhận hối lộ tổng cộng khoảng hơn 100 tỉ đồng, nhưng đã có khả năng làm thất thoát của nhà nước đến gần 6.500 tỉ đồng nếu không bị phát hiện. Quả là một “thương vụ bán nước”, đánh đổi 100 tỉ đồng lợi cho bản thân để làm hại dân hại nước đến 6.500 tỉ. Mà đâu chỉ có vụ đại án nghìn tỉ Mobifone – AVG?
Một đất nước khi nạn tham nhũng tràn lan lấy đâu cơ hội để phát triển? Các quốc gia đang phát triển mà Việt Nam đang muốn noi gương là Singapore và Hàn Quốc, ngay trong những ngày đầu của kế hoạch tái thiết đất nước, quốc sách hàng đầu của họ là triệt để chống tham nhũng. Tất nhiên, có nhiều chính sách khôn ngoan khác, nhưng quốc sách hàng đầu vẫn là chống tham nhũng.
Park Chung Hee, vị tổng thống mở ra kỷ nguyên cất cánh cho đất nước Hàn Quốc, vẫn còn nổi tiếng với tuyên bố đanh thép: “Tôi sẽ đem bắn kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng”. Ông biết chỉ có chống tham nhũng triệt để thì các nguồn lực của đất nước sẽ không chảy vào túi của bọn tham nhũng, thì đạo đức xã hội không bị băng hoại, nhân tài mới có cơ cống hiến cho đất nước. Một đất nước với một nền chính trị lành mạnh, trong sạch mới có thể trở thành một đất nước giàu có và đó là cơ sở cho một quân đội hùng mạnh, có khả năng chống chọi với bất cứ kẻ ngoại xâm nào (tầm nhìn “Nước giàu, quân mạnh” của Park Chung Hee).
Giải pháp nào để chống tham nhũng đây? Tạm gác lại các cảm xúc phẫn nộ, ghê tởm về lũ “kẻ cắp trong hàng ngũ”, chúng ta hãy nghiên cứu các giải pháp chống tham nhũng một cách khoa học như Singapore và Hàn Quốc đã làm. Không chỉ thiên về kêu gọi và trừng phạt, Singapore còn tăng lương rất cao cho các quan chức nhà nước để “dưỡng liêm” cho họ. Họ lãnh lương không thua kém các nhà quản lý các doanh nghiệp tư nhân.
Liệu chúng ta có nguồn tài lực cho việc này? Thực ra, nếu tính những thiệt hại có thể chiếm nhiều phần trăm GDP của nạn tham nhũng như hiện nay, chúng ta có thể dùng khoản này cho việc tăng lương cho các quan chức, có khi việc ấy còn ở mức thấp hơn nhiều so với tác hại của tham nhũng.
Năm 1952, trong một phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi tham nhũng là “giặc nội xâm” và Người bảo nếu chúng ta không chống được loại giặc này thì không thể có khả năng chống được giặc ngoại xâm. Giặc ngoại xâm vẫm đang lăm le rình rập ngoài biên ải. Chống “giặc nội xâm”, giữ yên lòng người, cũng là quốc sách chống ngoại xâm như bài học của Người...
Đoàn Đạt