Trong một bài báo của Ronan Farrow xuất bản hôm 16-9 trên tờ The New Yorker, các nữ nhân viên trong hãng Truyền hình CBS, Mỹ đã kể lại một loạt vụ việc và hành vi liên quan đến bê bối tình dục trong hãng này. Những lời kể này được đưa ra chỉ 6 tuần sau khi Ronan Farrow lần đầu tiên viết bài công bố cáo buộc của 6 phụ nữ nhằm vào CEO Leslie Moonves.
Vụ từ chức 100 triệu USD
“Giám đốc điều hành hãng truyền thông mạnh nhất ở Mỹ hiện đã từ chức sau phong trào #MeToo, và ông ấy là ông chủ của tôi", người dẫn chương trình truyền hình Norah O'Donnell đã nói như vậy khi mở đầu chương trình CBS This Morning hôm 9-9. CNN và các hãng tin khác thì cho hay, CEO của CBS đã bị buộc phải từ chức sau khi bị cáo buộc hành hung và quấy rối tình dục các nữ đồng nghiệp và nhân viên dưới quyền.
Trước khi thông báo về việc từ chức được phát ra, ông Leslie Moonves đã đạt được thỏa thuận với Hội đồng quản trị CBS về quyền lợi cho bản thân sau khi từ chức. Một phần của thoả thuận này đã được Hội đồng quản trị CBS phê duyệt là khoản tiền 20 triệu USD mà Leslie Moonves tuyên bố quyên góp cho các tổ chức hỗ trợ phong trào #MeToo và sự bình đẳng cho phụ nữ nơi công sở khi còn là CEO của CBS vẫn được triển khai và được trừ vào khoản tiền bồi thường thôi việc của ông.
CBS cũng công khai khoản tiền bồi thường và hỗ trợ thôi việc của ông Leslie Moonves là 100 triệu USD nhưng hãng cho biết ông "sẽ không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp thôi việc nào vào thời điểm này (trừ những khoản bồi thường và phúc lợi đã được tích luỹ đầy đủ nhất định) cho đến khi nào những cáo buộc đưa ra được điều tra cụ thể và có kết luận cuối cùng".
Ngoài ra, bất kỳ khoản thanh toán nào trong tương lai đối với ông Leslie Moonves cũng sẽ phụ thuộc vào kết quả của một cuộc điều tra độc lập và việc đánh giá tiếp theo của Hội đồng quản trị CBS về các cáo buộc được đưa ra chống lại ông.
Hãng AP thì dẫn nguồn tin từ The New Yorker cho hay, tuần trước, ông Leslie Moonves trong cuộc gặp với Hội đồng quản trị CBS và báo giới, đã thừa nhận có mối quan hệ với 3 trong số 6 phụ nữ đã tố cáo ông lạm dụng tình dục họ nhưng lại khẳng định các mối quan hệ này đều dựa trên sự đồng thuận.
Cựu CEO CBS cũng khẳng định không sử dụng vị trí của mình để gây hại cho sự nghiệp của những vị trí này. "Tôi chưa bao giờ dùng vị trí giám đốc để cản trở sự nghiệp của phụ nữ", Leslie Moonves nói: "Trong 40 năm làm việc, tôi chưa bao giờ bị cáo buộc thực hiện những hành vi đáng ghê tởm như vậy. Tôi đoán rằng đây là một phần trong kế hoạch hủy hoại tên tuổi, uy tín và sự nghiệp của tôi. Bất kỳ ai biết tôi đều biết rằng người được mô tả trong những cáo buộc đó không phải là tôi".
Cựu CEO của CBS Leslie Moonves đã buộc phải từ chức vì bê bối tình dục. Ảnh: Hollywood Reporter. |
Chưa hết, trong một tuyên bố gửi cho tờ USA Today, ông Leslie Moonves còn nhấn mạnh: "Những lời cáo buộc không đúng sự thật từ nhiều thập kỷ trước đây hiện đang được đưa ra chống lại tôi. Tôi vô cùng buồn khi rời khỏi hãng. Tôi không muốn gì ngoài điều tốt nhất cho CBS, Ban giám đốc mới và tất cả các nhân viên. Người được mô tả trong bài viết không phải là tôi".
Hiện CBS đã bổ nhiệm ông Joseph Ianniello, Phó Chủ tịch cấp cao thay thế vị trí CEO của Leslie Moonves. Hôm 10-9, ông Joseph Ianniello đã bắt đầu nhiệm kỳ của mình với tư cách là CEO của CBS bằng cách gửi một bản ghi nhớ nhằm tìm cách trấn an nhân viên của công ty sau sự ra đi của Giám đốc điều hành lâu năm Leslie Moonves.
Lời kể đáng sợ của các nạn nhân
Phóng sự điều tra của phóng viên Ronan Farrow từng đoạt giải Pulitzer của tờ The New Yorker bao gồm các cáo buộc rằng ông Leslie Moonves đã cưỡng bức tình dục bằng miệng, phơi bày bản thân, hành vi bạo lực và lạm dụng tình dục nhân viên từ những năm 1980 đến đầu những năm 2000.
Trong những bài báo mới nhất, những người tố cáo đã công khai tên tuổi của họ và cho biết sẽ theo đuổi đến cùng vụ kiện chống lại cựu CEO của CBS của họ, mô tả một loạt các hành động chết người.
Một trong những phụ nữ có cáo buộc chống lại ông Leslie Moonves là một giám đốc truyền hình kỳ cựu tên Phyllis Golden-Gottlieb. Phyllis Golden-Gottlieb cho biết gửi đơn tố cáo đến cảnh sát Los Angeles hồi năm ngoái nhưng vụ việc không được giải quyết vì quá thời hạn điều tra.
Phyllis Golden-Gottlieb kể rằng khi còn là đồng nghiệp của Leslie Moonves tại studio Lorimar-Telepictures vào những năm 1980, bà liên tục bị Leslie Moonves khống chế và đỉnh điểm là vào năm 1986, cựu CEO của CBS đề nghị đi ăn trưa nhưng thay vào đó lái xe đưa bà đến một khu vực hẻo lánh và buộc bà phải quan hệ với ông ta nhưng bị cự tuyệt. Sau đó, Phyllis Golden-Gottlieb nói rằng Leslie Moonves đã trả thù bà một cách chuyên nghiệp, đưa bà vào các văn phòng làm việc nhỏ hơn.
"Cứ hai ngày một lần, ông ta lại tìm ra lỗi sai của tôi và chuyển tôi sang bộ phận làm việc khác hoặc giao những việc không khả thi. “Ông ấy đã ép buộc tôi phải rời khỏi hãng. Ông ấy hoàn toàn hủy hoại sự nghiệp của tôi", bà Phyllis Golden-Gottlieb trả lời tờ The New Yorker.
Còn Jessica Pallingston, một nhà văn thì cáo buộc Leslie Moonves ép cô quan hệ tình dục khi cô làm trợ lý riêng cho ông tại Hãng sản xuất Warner Bros trong năm 1994. Khi đó Jessica Pallingston mới 34 tuổi và đã tốt nghiệp viết văn trường Oberlin College với hy vọng gây tiếng vang trong làng giải trí. Bà coi việc được làm cùng với Leslie Moonves là một cơ hội lớn.
Vào ngày làm việc đầu tiên, Jessica Pallingston đến phòng của Leslie Moonves tại khách sạn Regency lúc 10 giờ. Leslie Moonves đã mở cửa đón bà khi mặc có mỗi một cái áo choàng tắm.
“Rồi ông ta ngồi xuống chiếc ghế lớn ở phòng khách, bắt tôi ngồi đối diện. Leslie Moonves đã hỏi về tham vọng nghề nghiệp của tôi và rằng liệu cô ấy có độc thân và khuynh hướng tình dục của tôi như thế nào? Sau khi mời rượu tôi, ông ý còn đề nghị thử massage cổ và vai gáy cho tôi. Ngày hôm đó tôi đã rất sợ hãi”, Jessica Pallingston nhớ lại.
Những ngày làm việc sau đó, Leslie Moonves vẫn cố gắng tiếp cận Jessica Pallingston. Đến mùa xuân, khi hai người làm chung một dự án điện ảnh và có chuyến công tác tới New York, Leslie Moonves thậm chí còn tìm cách cưỡng bức Jessica Pallingston…
“Trong nhiều năm, cảm giác xấu hổ đã khiến tôi giảm thiểu chi tiết và độ xấu xa trong câu chuyện về Leslie Moonves khi kể cho bạn bè và đồng nghiệp. Thật là quá xấu hổ khi thành thật về điều đó, bởi vì tôi tin rằng bất cứ ai đặt mình vào tình huống đó đều là kẻ ngốc hay kẻ yếu đuối”.
Leslie Moonves và người vợ Julie Chen. Ảnh: Extra. |
Nhiều phụ nữ khác cũng khẳng định Leslie Moonves đã đụng chạm cơ thể họ một cách không đứng đắn. Deborah Green - một nghệ sĩ trang điểm tự do thường xuyên làm việc cho CBS vào đầu những năm đầu thừa nhận cô đã phải giảm bớt công việc của mình ở hãng sau một cuộc gặp với Leslie Moonves. Chuyện là một lần cô được chỉ định trang điểm và tạo kiểu tóc cho Leslie Moonves cho một cảnh quay video quảng cáo.
Trước đó, Deborah Green đã làm việc với Leslie Moonves mà không có sự cố nào. Khi cô cùng Leslie Moonves quay trở lại phòng trang điểm để tẩy trang, ông này đã yêu cầu được massage và cầm tay cô hỏi về chiếc nhẫn. Câu chuyện dần xoay quanh bạn trai của Deborah Green và đột nhiên Leslie Moonves quay người lại, nắm lấy cô và đòi hôn.
Deborah Green đã đẩy Leslie Moonves ra và vội vã chạy ra khỏi toà nhà. Trong nhiều ngày, Deborah Green nói, bà đã phải đấu tranh với việc có nên báo cáo vụ việc không. "Tôi không muốn sinh kế của mình bị nguy hiểm", bà nói.
Còn Deborah Morris, một Giám đốc điều hành làm việc tại Lorimar thì cho biết Leslie Moonves đã yêu cầu bà đến văn phòng của ông để thảo luận về một số dự án. Hai người nói về vấn đề công việc một thời gian ngắn trước khi Leslie Moonves hỏi những câu hỏi liên quan đến tình dục.
Sau đó vài ngày, trong lần làm việc muộn, Leslie Moonves đã đề nghị được đưa Deborah Morris về rồi định giở trò đồi bại nhưng bị bà phản ứng dữ dội. Ngày hôm sau, Deborah Morris được lệnh không phải tham dự các cuộc họp ở Lorimar. Tức giận, Deborah Morris từ bỏ sự nghiệp trong ngành công nghiệp giải trí và chuyển tới Bay Area, làm việc trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khoẻ…
Những cáo buộc mới chống lại Leslie Moonves liên quan đến những phụ nữ từng là nhân viên massage trị liệu cho ông. Hai cựu thành viên cao cấp của đội ngũ nhân viên tại khách sạn Four Seasons ở Washington, DC kể rằng vào cuối những 1990, các nhân viên trị liệu xoa bóp tại spa liên tục phàn nàn về hành vi sai trái của Leslie Moonves.
"Tôi chỉ nhớ ông ấy luôn phải có một phụ nữ ở trong phòng của ông ấy", Debra Williams, người quản lý spa vào thời điểm đó, cho biết. "Khi có quá nhiều khiếu nại, tôi đã phải báo cáo vụ việc liên quan đến Leslie Moonves cho Giám đốc phòng của khách sạn vì thời điểm đó ông ta là người rất nổi tiếng”.
Deborah Kitay, người trước đây từng làm chuyên gia trị liệu ở Los Angeles thì kể Leslie Moonves đã quấy rối cô khi cô thực hiện dịch vụ massage cho ông tại văn phòng hoặc ở nhà. Deborah Kity nói rằng Leslie Moonves liên tục đề xuất cô phục vụ tới Z và nói rằng ông bị thu hút bởi cô. “Chỉ đến khi tôi bảo ông ý là mình bị les thì ông ý mới thôi”, Deborah Kitay kể.
Chiến dịch thanh lọc CBS
Trong những tuần kể từ khi những cáo buộc chống lại Leslie Moonves được đưa ra, nhiều nhân viên khác đã dũng cảm đứng ra kể lại các câu chuyện mà mình từng gặp hoặc trải qua do các lãnh đạo, cấp trên của họ gây ra. Thậm chí, một số người còn gặp cả luật sư hoặc tìm đến các công ty luật để nhờ tư vấn pháp lý nhằm đưa các hành vi sai trái của một số nhân vật cấp cao trong CBS ra trước công lý.
Chẳng hạn, với nhà sản xuất điều hành chương trình “60 phút” Jeff Fager, 6 cựu nhân viên của CBS tuyên bố sẵn sàng làm chứng về việc ông này đã cưỡng bức họ hay bao che cho các hành vi tương tự của nam đồng nghiệp khác như thế nào.
Nhà sản xuất Habiba Nosheen cho biết, nhiều thành viên nam cao cấp của đội "60 phút" liên tục hỏi cô về cuộc sống tình dục và tán tỉnh mọi lúc, mọi nơi. Trước những thông tin này, Hội đồng quản trị CBS cũng đã quyết định mở một cuộc điều tra riêng rẽ về cách hành xử tại nơi làm việc và khẳng định sẽ có hình thức xử phạt thích hợp với những nhân vật bị cho là tạo nên ảnh hưởng và có hành vi xấu.
Theo The New Yorker, đến nay, Leslie Moonves đã trở thành nhà quản lý truyền thông cao cấp nhất của Mỹ sụp đổ sự nghiệp trước làn sóng #MeToo. Phong trào này đã phát triển mạnh mẽ kể từ sau vụ việc nhà sản xuất phim quyền lực Harvey Weinstein bị cáo buộc lạm dụng tình dục hàng chục phụ nữ, mà nhiều người trong số họ chỉ biết giữ im lặng vì lo ngại bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở nơi làm việc.
Các nhà phân tích cho rằng, đối với trường hợp của Leslie Moonves, dù có ít cáo buộc về hành vi sai trái so với bê bối Weinstein song chuyện này lại gây ảnh hưởng lớn vì tai tiếng của ông còn chi phối vấn đề tài chính của CBS và có thể khiến hãng này rơi vào khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng nếu không xử lý rốt ráo.
Hơn nữa, trong một số vụ bê bối tình dục gần đây ở làng truyền hình Mỹ, các hãng có vẻ xử lý khá mạnh tay. Như ở đài NBC, Matt Lauer – người dân chương trình Today đã bị sa thải vì các cáo buộc quấy rối tình dục nhằm vào ông được đăng tải bởi tờ Variety.
Năm nay 68 tuổi, Leslie Moonves đã gia nhập đài CBS vào năm 1995. Trước đó ông từng làm cho Hãng Warner Bros. Kể từ khi đầu quân cho CBS, ông Leslie Moonves đã góp công lớn trong việc hồi sinh hãng này từ một đài phát thanh cũ kỹ thành đài truyền hình cung cấp các chương trình có nền tảng kỹ thuật số. Các chương trình truyền hình nổi tiếng của CBS như Friends và ER đều là sản phẩm do các nhóm của ông phát triển.
Ông là người có công lớn trong việc hồi sinh CBS từ một đài phát thanh cũ kỹ thành đài truyền hình cung cấp các chương trình có nền tảng kỹ thuật số. Năm 1998, ông Leslie Moonves được bầu làm Chủ tịch tập đoàn kiêm Giám đốc điều hành của CBS. Kể từ năm 2003, ông trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị của hãng.
Châu Anh, ANTG (tổng hợp)