Các bệnh viện liên tục kêu thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và... thiếu cả bác sĩ khiến ngành y tế đang đứng trước sự khó khăn lớn sau đợt dịch COVID-19.

Bệnh viện liên tục thiếu vật tư, thuốc men: Bộ Y tế chậm trễ

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 19/09/2022, 16:14

Các bệnh viện liên tục kêu thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và... thiếu cả bác sĩ khiến ngành y tế đang đứng trước sự khó khăn lớn sau đợt dịch COVID-19.

Các bệnh viện gặp khó khăn khi liên tục thiếu vật tư

Mới đây, lãnh đạo Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đã chia sẻ là bệnh viện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 700 bệnh nhân, cao điểm lên đến 1.500 người đến khám, điều trị. Tuy nhiên lượng thuốc tê trong kho dược của bệnh viện giờ chỉ còn 500 ống, đặc biệt là khan hiếm thuốc tê nồng độ Lidocain 2%. Bệnh viện này đang đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động.

Đây không phải là lần đầu tiên, một bệnh viện Trung ương kêu việc hết thuốc, hết vật tư... Trước đó rất nhiều bệnh viện đã chia sẻ họ thiếu từng ống kim tiêm, từng chiếc kim bướm chuyền hay thuốc dành cho người ghép thận, huyết thanh hay dao mổ... cho bệnh nhân. Mặc dù trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu khắc phục vướng mắc trong việc đấu thầu thuốc, không để thiếu thuốc, vật tư y tế do thủ tục hành chính, quy định của pháp luật và do thiếu tinh thần trách nhiệm. “Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài" - Thủ tướng chỉ đạo và nhấn mạnh nếu việc mua sắm “đủng đỉnh” thì không thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân tính bằng giờ, bằng phút. 

Tuy nhiên, việc thiếu thuốc và vật tư y tế vẫn chưa được cải thiện, đặc biệt là các bệnh viện lớn. Tất nhiên, bệnh nhân chính là người chịu thiệt thòi lớn nhất. Đã có 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định: hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trong đấu thầu hay gia hạn thuốc khá phức tạp. Điều này dẫn tới gián đoạn sản xuất, lưu hành và cung ứng thuốc do thuốc hết hạn giấy đăng ký lưu hành. Mặc dù Bộ Y tế cũng đã đề xuất sửa đổi nhưng vẫn cần chờ các đơn vị Bộ ngành khác phê duyệt. 

benh-vien-y-hoc-co-truyen-trung-uong-3.jpg
Thiếu các vật tư y tế trong bệnh viện, người bất lợi nhất chính là bệnh nhân

Đi tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn

Sau khi rất nhiều các bệnh viện đồng loạt cùng kêu thiếu thuốc, thiếu các dụng cụ vật tư y tế thì Bộ Y tế mới chính thức vào cuộc và lập các đoàn thanh tra kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở khám chưa bệnh công lập trên toàn quốc. 

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ bị thanh tra, kiểm tra, nên không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm tại một số địa phương và đơn vị, mặc dù Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn tỏ ra lúng túng hoặc e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Việc mua sắm trong lĩnh vực y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt, trong các năm 2020-2021 là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu rút gọn, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp để phục vụ cho nhu cầu chống dịch...

Tuy nhiên, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đã xảy ra từ đầu năm nhưng đến tháng 8.2022 Bộ Y tế mới thành lập đoàn kiểm tra là quá chậm. Thay vì thành lập đoàn kiểm tra, Bộ Y tế nên thành lập các đoàn khảo sát, đánh giá xem các cơ sở y tế đang gặp khó khăn, vướng mắc gì để hỗ trợ tháo gỡ, khắc phục kịp thời.

Ông Cơ cho rằng, điều hết sức quan trọng hiện nay là sửa nhanh các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Một khi có hành lang pháp lý rõ ràng và dễ làm, tính pháp lý cao, tạo điều kiện cho việc mua sắm, các cơ sở y tế sẽ tự tin làm những bài thầu công khai, minh bạch.

Trái lại, bà Nguyễn Thị Ngọc Bảo, Phó giám đốc Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế) thì cho rằng: việc đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc chậm trễ cũng là một phần nguyên nhân của tình trạng thiếu thuốc. Mặc dù các cơ sở y tế đã được hướng dẫn để có thể chủ động việc mua sắm trong khi chờ đợi kết quả, nhưng nhiều đơn vị vẫn cứng nhắc, chậm trễ tổ chức mua sắm.

Để sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, nhiều lãnh đạo bệnh viện đã kiến nghị Chính phủ nên thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia để giải quyết kịp thời, gỡ nhanh “nút thắt” như: phân cấp rõ trách nhiệm kiểm soát giá, xây dựng dữ liệu liên thông về giá, khung giá trần… để giải quyết gấp cho các bệnh viện. Đồng thời cần đưa ra giải pháp căn cơ lâu dài chính là phát huy hiệu quả mua sắm tập trung thuốc và các vật tư y tế để đơn vị nào thiếu cái gì sẽ đề xuất tạo thành sự chuyên nghiệp hóa hoạt động mua sắm tập trung.

Đưa ra ý kiến về vấn đề này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng nhiệm vụ trong thời gian tới rất nhiều và phải làm đồng thời, bởi sức khỏe của nhân dân là vốn quý, chờ đợi 1 giây sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của rất nhiều người. Quan trọng nhất là sự phân công làm sao để từng đơn vị trong Bộ Y tế hoàn thành vai trò, trách nhiệm của mình. Trước mắt là rà soát lại các văn bản chỉ đạo, xác định rõ vai trò của từng bộ ngành, làm tốt công tác của mình và tăng cường phối hợp để tháo gỡ khúc mắc. Vấn đề gì khó quá thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bài liên quan
Bộ Y tế lên tiếng về phương pháp định giá khám, chữa bệnh theo Thông tư 21
Theo Thông tư 21, các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng hồ sơ phương án giá theo phương pháp chi phí giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành, chỉ điều chỉnh yếu tố mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh viện liên tục thiếu vật tư, thuốc men: Bộ Y tế chậm trễ