Ngày 6.4, ông Trần Việt Tuấn - Quyền giám đốc Bệnh viện Mắt Tiền Giang cho biết, bệnh viện đã có thủy tinh thể nhân tạo để chữa bệnh mắt cho bệnh nhân.
Cũng theo BS.Trần Việt Tuấn, đục thủy tinh thể chính là nguyên nhân gây ra tình trạng mù lòa trên phạm vi toàn cầu, tập trung chủ yếu ở người cao tuổi. Cách điều trị bệnh đục thủy tinh thể (các chứng cườm khô, cườm đá, cườm hạt) có hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật.
Tuy nhiên, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Mắt Tiền Giang không có kính (thủy tinh thể nhân tạo) cho phẫu thuật đục thủy tinh thể của bệnh nhân. Có nhiều bệnh nhân là người cao tuổi ở vùng quê không đủ điều kiện kinh tế khi đi phẫu thuật tuyến trên, phẫu thuật muộn, dễ dẫn tới nhiều biến chứng.
Nguyên nhân do bệnh viện có chức năng tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế nhưng thời gian qua do thiếu nguồn nhân lực trong việc tổ chức đấu thầu nên phải chờ đơn vị khác làm hộ rất mất thời gian.
Bệnh viện Mắt Tiền Giang rất nỗ lực thực hiện quy trình mua kính. Đến đầu tháng 4.2023, bệnh viện mua được 2.500 kính để đặt cho bệnh nhân trong phẫu thuật đục thủy tinh thể. Ngoài ra, bênh viện cũng đang tiếp tục các quy trình mua kính để đảm bảo phục vụ cho người bệnh liên tục.
Từ khi có kính để đặt cho bệnh nhân trong phẫu thuật đục thủy tinh thể, từ ngày 3.4, đến nay Bệnh viện Mắt Tiền Giang bắt đầu làm phẫu thuật đục thủy tinh thể trở lại. Rất nhiều người dân ở các địa phương trong tỉnh vui mừng đến bệnh viện đăng ký để được các bác sĩ thăm khám theo quy trình và phẫu thuật đặt kính.
Cũng theo ông Tuấn, trung bình mỗi năm bệnh viện phẫu thuật từ 7.000 – 8.000 bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. Mỗi ngày bệnh viện phẫu thuật hơn 20 ca bệnh. Sau 3 ngày đưa vào hoạt động bệnh viện đã phẫu thuật trên 80 ca bị đục thủy tinh thể.