Visa Bhutan bắt buộc tiêu xài tối thiểu 200usd/ngày và phải qua công ty du lịch, ít ai lên kế hoạch du ngoạn Bhutan nếu không đủ 2 điều kiện: khá giả và mê “dịch chuyển”.

Bhutan – Vương quốc kỳ bí

Một Thế Giới | 25/09/2013, 12:57

Visa Bhutan bắt buộc tiêu xài tối thiểu 200usd/ngày và phải qua công ty du lịch, ít ai lên kế hoạch du ngoạn Bhutan nếu không đủ 2 điều kiện: khá giả và mê “dịch chuyển”.

           

dzn_0140

Bên trong Punakha dzong – một trong những pháo đài đẹp nhất Bhutan

Việc quy định số tiền du khách phải chi tiêu tối thiểu tại vương quốc này đi kèm với thủ tục xin visa cho thấy ý thức cao độ của vương triều cũng như các thần dân về vẻ đẹp di sản văn hóa lẫn thiên nhiên thuộc về họ.

Thế giới không nhiều những vùng đất xa xôi nhỏ bé có thể ám ảnh một ai đó chỉ qua những bức chân dung giản dị. Bhutan kì bí là một trong số đó. Những người đàn ông đẹp rạng ngời như bước ra từ phim trường Hollywood, mặc váy, mang vớ cao lịch lãm và nam tính; trong khi những người phụ nữ nhìn hao hao có nét giống nhau, một nét ngây ngô, thuần khiết.

Tôi bị ám ảnh, vì tôi hiểu: vùng đất nào thì con người đó. Những ánh mắt trong veo của thầy tu như không phải ở hạ giới. Những nụ cười tự nhiên như chim bay, như hoa nở. Những đứa trẻ con đáng yêu, hồn hậu như những nắm bông gòn lăn lóc trên đồi, trên núi. Tôi nhẩm cái tên Bhutan nhiều lần trước khi đặt chân đến.

dzn_9360

Tashichho dzong – tòa nhà chính phủ cũng là tu viện chính ở Thimphu

Những “chỉ số hạnh phúc”

Hành trình của chúng tôi kéo dài 1 tuần, chủ yếu là rong ruổi miền Trung Tây, nơi tập trung các thành phố lớn về hành chính, văn hóa, kinh tế của vương quốc. Bắt đầu từ Paro qua Timphu, Wangdue Phrodrang và kết thúc tại Gantey. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng có thể đến Bhutan từ bất cứ đâu, trên bất cứ hãng hàng không yêu thích nào. Hãy quên đi chuyện tích lũy dặm bay hay điểm thưởng, bởi Bhutan chưa “cấp phép” cho Hãng hàng không nào ra vào xứ sở này. Chỉ những chiếc Airbus 319 hiện đại của Druk Air (tên thương mại của Hãng hàng không quốc gia Royal Bhutan Airlines) mới có đặc quyền chuyên chở những vị khách muốn khám phá vẻ đẹp di sản văn hóa lẫn thiên nhiên thuộc về họ.

Từ Sài Gòn, tôi chọn Bangkok để bắt đầu cuộc hành trình. Chuyến bay đưa tôi đến sân bay Paro mất khoảng 3 giờ. Kinh nghiệm tuyệt vời nhất khi bay đến Paro là ta sẽ bay qua một trong 10 đỉnh núi cao nhất thế giới. Khi máy bay hạ độ cao để chuẩn bị tiếp đất, tôi có cảm giác như cánh máy bay có thể chạm vào những cây cao vì hai bên là những đỉnh núi cao sượt qua tầm nhìn từ cửa sổ máy bay. Trong vòng vài phút, một đường băng thẳng tắp mở ra trước mắt, chạy dọc theo con sông kẹp giữa hai dãy núi, tạo thành một thung lũng hẹp và đẹp như trong phim thần thoại hay khoa học giả tưởng.

Paro là thành phố lớn thứ hai của Bhutan với 36 ngàn cư dân, nơi duy nhất có sân bay trong cả vương quốc. Thành phố có nét đẹp dễ chịu và gần gũi, nổi tiếng với một cái chợ truyền thống thật duyên dáng, nơi pha trộn nhiều rau quả nhiệt đới, ôn đới và hàn đới, nơi có một pháo đài cổ kính mà tiếng địa phương gọi là dzong. Những dzong này được xây dựng  ở mỗi thung lũng trong khoảng thế kỷ 14 nhằm mục đích canh gác, bảo vệ từng phần lãnh thổ. Ngày nay, hầu hết các dzong được sử dụng như các công sở và đền thờ Phật giáo.

Để hiểu con người Bhutan và tiếp cận dễ dàng với nền văn hóa còn nguyên vẻ hoang sơ thì việc đầu tiên là làm quen với thuật ngữ “tổng hạnh phúc quốc gia” GNH (gross national happiness). Thuật ngữ này được đặt ra vào năm 1972 bởi vị vua Jigme Singye Wangchuck, người đã chủ trương hiện đại hóa đất nước Bhutan ngay sau sự sụp đổ của cha ông, vua Jigme Dorji Wangchuk. Ông sử dụng cụm từ này để cam kết trọng trách của mình trong việc xây dựng một nền kinh tế phục vụ văn hóa độc đáo của Bhutan dựa trên giá trị tinh thần Phật giáo. Khái niệm này là chỉ số về tình hình sức khỏe đất nước, thay thế cho chỉ số GNP (Gross National Product -Tổng Sản lượng quốc gia).
GNH được đo đạc trên bốn tiêu chí: môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, những thiết chế xã hội cùng sức khỏe và tuổi thọ con người. Chính phủ Bhutan đã sáng chế ra một đồ hình phức tạp về trạng thái bình an hạnh phúc (well-being) theo kiểu Phật giáo. Trong đó 4 cột trụ (Kinh tế – Văn hóa – Môi trường – Chính quyền thân thiện) được lan tỏa vững vàng trong 9 lĩnh vực (tâm thường, an lạc, sinh thái, sức khỏe, văn hóa, tiêu chuẩn chất lượng sống, thời gian sử dụng, sắc thái cộng đồng và chính quyền thân thiện).

dzn_8858

Paro Rimpung dzong (pháo đài châu báu) được xây vào năm 1646

dzn_8902

Hai trong bốn vị thần phương hướng được vẽ ngay cửa vào mỗi dzong

VÙNG ĐẤT CỦA PHÁO ĐÀI, CHÙA VÀ TU VIỆN

Từ Paro tôi di chuyển đến Thimphu – thủ đô của vương quốc, nằm lọt thỏm trong một thung lũng nên thơ. Giao thông và cư dân ở đây đông đúc, tất bật hơn Paro nhưng trên đường chẳng hề có đèn giao thông, chỉ có những cảnh sát điều khiển giao thông rất nhịp nhàng uyển chuyển. Tôi bắt đầu bận rộn với việc rong ruổi những miền khác nhau của đất nước kì bí. Phương tiện di chuyển chính là xe SUV hai cầu.

Điểm kế tiếp là huyện Bumthang nằm trong vùng nông thôn miền trung Bhutan, nổi tiếng với pho mát, các lễ hội và phong cách ẩm thực rất riêng. Bạn sẽ khám phá ra 500 mét đường thẳng dài nhất ở Bhutan ngay tại thị trấn Bumthang, Jakar, nằm trong thung lũng Chokhor. Tôi qua đêm trong một khách sạn nằm trên đỉnh một ngọn núi. Tôi đã từng qua đêm ở nhiều khách sạn có nhiều địa thế khác nhau tại nhiều lãnh thổ nhưng chưa nơi nào tầm nhìn bao quát cảnh thiên nhiên hùng tráng và khoáng đạt như ở đây. Bữa ăn tối thật tuyệt vời với những thực phẩm đặc trưng của địa phương từ gạo, khoai tây, rau và pho mát…

Ở đâu cũng có chùa và tu viện nhưng ấn tượng nhất là ngôi chùa cổ Tamshing Goemba. Băng qua một cái sân rộng là vào khu đền thờ được xây dựng vào năm 1501. Trong sảnh có ba ngai vàng cho ba hóa thân (cơ thể, tâm trí, và lời nói). Một khu bảo tồn phía trong còn lưu giữ bức tượng của Guru Rinpoche (được cho là đã để lại nhiều “kho báu” bí ẩn, văn bản thiêng liêng sẽ được tiết lộ vào một thời điểm khi người dân sẵn sàng để có thể hiểu) nằm giữa các pho tượng Thích Ca Mâu Ni – Đức Phật lịch sử, và Jampa – vị Phật tương lai. Tôi đi bộ xung quanh khu bảo tồn trong nhiều giờ, chiêm ngưỡng các bức bích họa cổ trên tường. Người Bhutan thực hiện nghi thức đi vòng quanh chùa để cầu nguyện như một lối thiền hành. Dù vậy, tôi vẫn muốn đến ngôi chùa cổ nhất ở Bhutan – Jampey Lhakhang được dựng từ năm 659. Nơi thờ bức tượng chính là Jampa, Đức Phật trong tương lai với thế ngồi trên ba bậc đá.

Từ Gantey quay về Paro, tôi may mắn được chiêm ngưỡng những chú bò Tây Tạng và màu sắc mùa thu từ độ cao đèo Pele La (3.420 m). Quay về bằng đường Trongsa, chúng tôi dừng lại ở tháp đồng hồ ta-dzong được phục hồi như một viện bảo tàng. Đó là bảo tàng tốt nhất ở Bhutan. Dấu vết lịch sử Bhutan thông qua nghệ thuật tôn giáo được tìm thấy trong các dzong, bản chính thì được cất giữ trong bảo tàng này…

Một trong những ngày cuối lưu trú ở xứ này, tôi đến Pobjilkha Valley, thung lũng xanh đẹp, rộng khoảng 4km và rất dài. Đáy của thung lũng là đầm lầy đã hình thành từ lâu đời và là nơi chăn thả gia súc. Xa xa là dãy Himalaya màu xanh bạt ngàn, xung quanh là những cánh rừng cây độc cần và linh sam.

Chiếc Airbus 319 bay lên từ Paro mà tôi vẫn nghĩ mình còn lưng chừng một cơn mộng du. Hồn tôi còn lưu luyến những sườn núi xanh trong giữa lưng chừng trời, những tu viện thâm nghiêm và những tâm hồn thánh thiện đơn sơ trong đời thực. Trong một giây, tôi đã nghĩ rằng Bhutan chính là nơi hành hương cho bất kì ai, bất kể tôn giáo nào; nơi người ta sống và hướng tâm hồn mình đến sự bình yên, trong sáng và thánh thiện.

dzn_0080

Punakha dzong

dzn_0303Người dân ở Bhutan

dzn_0607

dzn_0681

dzn_0644

Buổi ăn trưa của các nhà sư tại tu viện Gantey Gompa

Theo Duyên Dáng Việt Nam 

Bài: Eduoard George, Chương Đặng – Ảnh: Nguyễn Thái Dũng

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bhutan – Vương quốc kỳ bí