Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng xét trên tổng thể, việc xây nhà hát 1.500 tỉ đồng ở khu đô thị Thủ Thiêm không tốn nhiều kinh phí. Tiền xây nhà hát cũng không ảnh hưởng gì đến chuyện đền bù cho người dân Thủ Thiêm.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: ‘Xây nhà hát Thủ Thiêm là điều nên làm’

Phan Diệu | 16/10/2018, 20:54

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng xét trên tổng thể, việc xây nhà hát 1.500 tỉ đồng ở khu đô thị Thủ Thiêm không tốn nhiều kinh phí. Tiền xây nhà hát cũng không ảnh hưởng gì đến chuyện đền bù cho người dân Thủ Thiêm.

          

Chiều 16.10, Hội nghị lần thứ 18 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X đã chính thức bế mạc, với sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.

Xây nhà hát không ảnh hưởng đến tiền đền bù cho dân Thủ Thiêm

Tại hội nghị, đề cập đến dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch mà HĐND TP.HCM vừa thông qua, ông Nhân nói rằng hiện tại đang có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều người băn khoăn tiền đền bù cho người dân Thủ Thiêm chưa có mà thành phố lại lo xây nhà hát 1.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Công tác đền bù cho người dân, thành phố vẫn đang làm nhưng phải theo quy trình.

"Tiền thành phố đền bù cho người dân sẽ lấy từ ngân sách. Còn xây nhà hát là bằng tiền bán đất từ nhiều năm trước, không ảnh hưởng gì đến chuyện đền bù cho người dân Thủ Thiêm", ông Nhân cho biết.

Theo ông Nhân, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiều lần họp bàn, chỉ đạo UBND TP.HCM xây dựng 11 giải pháp để thực hiện theo kết luận. Lúc nào xong, thành phố sẽ trao đổi với người dân Thủ Thiêm, sau đó mới ban hành giải pháp cụ thể.

Xây nhà hát ở Thủ Thiêm là phù hợp

Thông tin thêm về dự án, ông Nhân cho rằng nhà hát nằm trong quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 của TP.HCM và đã được Thủ tướng phê duyệt. Do đó, việc xây dựng nhà hát là làm theo quy hoạch, kế hoạch và đến bây giờ thành phố mới làm là hơi muộn vì kế hoạch đã có từ 25 năm trước.

Nói thêm về việc chọn Thủ Thiêm để xây nhà hát, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thành phố đã tính toán một số vị trí ở quận 1 nhưng đều không phù hợp, bởi nơi đây phải ưu tiên giao thông và công viên phục vụ người dân. Vì thế, quyết định đưa nhà hát về Thủ Thiêm là phù hợp, do nơi này có sự tương thích với nhiều công trình công cộng khác của khu đô thị.

“Việc lựa chọn Thủ Thiêm là sự lựa chọn phù hợp với không gian chung cho sự phát triển tổng hòa quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm và TP.HCM trong tương lai”, ông  Nhân khẳng định.

Tiền xây nhà hát chỉ bằng 4% tiền xây bệnh viện

Cũng theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, xét trên tổng thể, việc xây nhà hát không tốn nhiều kinh phí. Trong nhiệm kỳ này, kinh phí TP.HCM xây trường học, bệnh viện là hơn 34.600 tỉ đồng, trong khi nhà hát chỉ hơn 1.500 tỉ, bằng 4% tiền xây bệnh viện, trường học. Còn so với chi phí thành phố chi trong ba nhiệm kỳ gần đây thì khoảng 57.860 tỉ đồng (gấp 38 lần, chiếm 2,6%).

"Chúng ta phải nhìn được tổng thể mới thấy rằng xây nhà hát là điều nên làm. Nếu so với tổng chi ngân sách thành phố trong 3 khóa gần đây thì xây nhà hát chiếm 0,4%. Đây là số tiền không nhỏ, nhưng chúng ta đã có kế hoạch cho nó chứ không phải không quan tâm xây dựng trường học và bệnh viện", ông Nhân nói.

Nhà hát đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người dân

Thông tin thêm về nhà hát, ông Nhân nói hơn 100 năm trước, người Pháp xây dựng Nhà hát TP.HCM khi dân số ở đây chỉ khoảng 100.000 người. Bây giờ, thành phố có hơn 10 triệu dân, trong đó có 5 triệu lao động, có 30% lao động có trình độ đại học, cao đẳng, 100.000 người nước ngoài đang sinh sống.

Vì vậy, việc xây dựng nhà hát bên cạnh thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật của người dân thì đây còn là nơi đào tạo, dần dần hình thành nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho người dân. Việc xây nhà hát giao hưởng sẽ đáp ứng nhu cầu trực tiếp của người dân và từ từ hình thành nhu cầu cho những người chưa có nhu cầu.

Ngoài ra, công trình này cũng phục vụ nhu cầu giao lưu quốc tế, bởi có rất nhiều đoàn văn nghệ nước ngoài muốn đến giao lưu nhưng TP.HCM không có nhà hát để biểu diễn. Ngoài giao hưởng, múa ba lê... nhà hát còn để tổ chức các hoạt động văn nghệ khác.

"Hiện tại, thành phố có 200 nghệ sĩ nhưng các đoàn đều phải ở trọ. Cụ thể, văn phòng thì dưới nhà hát thành phố, diễn tập thì ở rạp Thanh Vân, còn múa thì ở lầu ba Thư viện Khoa học tổng hợp. Mỗi năm ngân sách phải trả 900 triệu đồng để thuê chỗ. Như vậy, thành phố cần phải có nhà để các nghệ sĩ có nơi biểu diễn và cũng là nơi bồi dưỡng cho thế hệ sau", ông Nhân nhận định.

Phan Diệu

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: ‘Xây nhà hát Thủ Thiêm là điều nên làm’