Theo báo Nikkei Asian Review ngày 1.3, sau khi rời khỏi Trùng Khánh cuối năm 2016 để nhận nhiệm vụ mới ở trung ương, đầu năm 2018, ông Hoàng Kỳ Phạm trở về làm lãnh đạo Hội nghị Chính trị hiệp thương Trùng Khánh. Cơ quan này tương đương Mặt trận tổ quốc, còn gọi là Chính Hiệp.

Bí thư Trùng Khánh kiên quyết loại bỏ 'bè lũ' Bạc Hy Lai -Tôn Chính Tài

06/03/2018, 14:34

Theo báo Nikkei Asian Review ngày 1.3, sau khi rời khỏi Trùng Khánh cuối năm 2016 để nhận nhiệm vụ mới ở trung ương, đầu năm 2018, ông Hoàng Kỳ Phạm trở về làm lãnh đạo Hội nghị Chính trị hiệp thương Trùng Khánh. Cơ quan này tương đương Mặt trận tổ quốc, còn gọi là Chính Hiệp.

Ông Hoàng Kỳ Phạm ngồi bên trái, phía sau Bí thư Trần Mẫn Nhĩ - Ảnh: Trùng Khánh nhật báo

Ông Hoàng Kỳ Phạm được cơ cấu để yên dân Trùng Khánh

Báo Nhật ghi nhận ông Hoàng Kỳ Phạm tạo ấn tượng mạnh ở ngày khai mạc hội nghị Đại biểu nhân dân Trùng Khánh hồi cuối tháng 1.2018. Ông ngồi ngay sau Bí thư thành ủy Trần Mẫn Nhĩ, còn ông Vương Hồng Cử, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, ngồi cạnh ông Trần Mẫn Nhĩ.

Đây là kỳ họp đoàn đại biểu của thành phố, trước khi đoàn dự họp Quốc hội Trung Quốc vừa khai mạc ngày 5.3. Sự trở lại của ông Hoàng Kỳ Phạm được cho là có công sức của ông Uông Dương, nhân vật số 4 trong Ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Uông Dương còn được trang báo Nhật nhận định sẽ là Chủ tịch Chính Hiệp sau kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khóa 13. Ông từng là bí thư Trùng Khánh, hiểu rõ nhân viên cấp dưới.

Còn ông Hoàng Kỳ Phạm từng là công chức ở Thượng Hải, trở thành phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trùng Khánh năm 2001. Ở thành phố 30 triệu dân này, ông làm việc dưới quyền 6 Bí thư Hạ Quốc Cường, Hoàng Trấn Đông, Uông Dương, Trương Đức Giang, Bạc Hy Lai, và Tôn Chính Tài.

Ông Hoàng Kỳ Phạm đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế của Trùng Khánh, khi giữ nhiều vai trò ở công trình đường sắt nối Trung Quốc với châu Âu cùng nhiều dự án khác.

Một người biết chuyện nói với báo Nikkei Asian Review: “Sự trở lại của ông Hoàng Kỳ Phạm có thể nhằm ổn định Trùng Khách đang rúng động vì thay đổi bí thư”.

Bí thư kiên quyết loại bỏ "tư tưởng độc hại Bạc - Tôn"

Từ một năm qua, 9 ủy viên thành ủy Trùng Khánh bị thay thế, trong nỗ lực loại bỏ bất kỳ cán bộ nào thân cận hai cựu bí thư tham nhũng Bạc Hy Lai - Tôn Chính Tài.

Hồi tháng 7.2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn ông Trần Mẫn Nhĩ làm Bí thư thành ủy Trùng Khánh thay ông Tôn Chính Tài. Ông Trần Mẫn Nhĩ đã nhiều lần tỏ rõ quyết tâm loại bỏ tầm ảnh hưởng của hai cựu tiền nhiệm Bạc - Tôn, như trong năm 2018, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã 4 lần nhắc lại tuyên bố của ông Trần Mẫn Nhĩ.

Ngày 5.2, ông Trần Mẫn Nhĩ phát biểu tại cuộc họp của ủy ban kiểm tra kỷ luật thành ủy: “Chúng ta kiên quyết loại trừ tầm ảnh hưởng độc hại của Tôn Chính Tài và nọc độc còn lại của tư tưởng Bạc -Vương”.

“Tư tưởng Bạc-Vương” ý chỉ những thủ đoạn tham nhũng của Bạc Hy Lai và trợ lý thân cận Vương Chí Quân, người từng giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố (từ tháng 5.2011 đến năm 2012) và chức Giám đốc Sở công an Trùng Khánh từ năm 2008 đến 2011.

Ông Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư Trùng Khánh - Ảnh: Trùng Khánh nhật báo

Theo báo Nikkei Asian Review, cách hiệu quả nhất để loại bỏ tầm ảnh hưởng của lãnh đạo tiền nhiệm là loại bỏ những người thân cận của họ.

Cuối năm 2017, ngành kiểm sát Trung Quốc cho biết đang bắt đầu thủ tục chính thức truy tố ông Tôn Chính Tài về tội tham nhũng, nhận hối lộ. Nghi phạm đã bị bãi nhiệm khỏi Quốc hội Trung Quốc, bị rút quyền miễn trừ truy tố dành cho đại biểu quốc hội nước này. Bước tiếp theo là sẽ đưa ông Tôn Chính Tài ra tòa, nơi mà chắc chắn ông bị tuyên có tội.

Hồi tháng 7.2017, ông Tôn Chính Tài, 54 tuổi, bị cách chức Bí thư Trùng Khánh, và cuối tháng này, Tôn bị điều tra. Đến tháng 9, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố ông ta sẽ bị truy tố về tội tham nhũng. Ông Tôn Chính Tài còn bị buộc tội tiết lộ bí mật quốc gia, nhận hối lộ và tham nhũng, lạm quyền, theo Tân Hoa Xã.

Nghi phạm này từng thay ông Bạc Hy Lai, người bị bay chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh hồi tháng 9.2013, rồi bị kết án tù chung thân với các tội danh nhận hối lộ, tham nhũng và lạm quyền.

Các nhà quan sát chính trường Trung Quốc nói: ông Tôn Chính Tài bị mất chức bí thư vì bị nghi tiếp tục nuôi dưỡng “tư tưởng Bạc-Vương”, phần nào do ông tiếp tục giao các vị trí quan trọng cho những cán bộ cấp cao được cất nhắc dưới thời Bạc Hy Lai.

Hiện 9 ủy viên Thường vụ thành ủy Trùng Khánh là người từ nơi khác đến. 3 ủy viên hàng đầu là Bí thư Trần Mẫn Nhĩ, Chủ tịch thành phố Đường Lương Tri và ông Trần Dũng, trưởng ban kiểm tra - kỷ luật thành ủy và đang tiến hành chống tham nhũng.

Bí thư Trần Mẫn Nhĩ được đánh giá là người rất trung thành với ông Tập Cận Bình. Ông người Chiết Giang, từng là lãnh đạo cơ quan tuyên giáo khi ông Tập là Bí thư tỉnh ủy Chiết Giang từ năm 2002 đến 2007. Ở vai trò này, ông Trần Mẫn Nhĩ thường cho đăng các bài viết của ông Tập Cận Bình trên báo tỉnh. Đã có hơn 200 bài xã luận được in thành sách, được xem là cội nguồn cho các tư tưởng chính trị của ông Tập.

Năm 2013, ngay sau khi ông Tập Cận Bình, ông Trần Mẫn Nhĩ được bổ nhiệm làm Chủ tịch tỉnh Quý Châu (tây nam Trung Quốc) rồi lên làm bí thư tỉnh ủy Quý Châu từ năm 2015. Ông làm Bí thư Trùng Khánh từ tháng 7.2017.

Ông Đường Lương Tri lập sự nghiệp chính trị ở tỉnh Hà Bắc, rồi làm lãnh đạo Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) và ở tỉnh này, ông có công loại bỏ đàn em của cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, người thân cận Bạc Hy Lai.

Ông Trần Dũng người tỉnh Liêu Ninh, từng làm việc dưới quyền ông Vương Kỳ Sơn, cựu Bí thư Ủy ban kiểm tra-kỷ luật trung ương (CCDI).

Vĩnh Thụy (theo Nikkei Asian Review)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Trùng Khánh kiên quyết loại bỏ 'bè lũ' Bạc Hy Lai -Tôn Chính Tài