Sự tan băng trên vùng nước biển gần đất liền đã gây tử vong cho hàng nghìn con chim non chưa đủ trưởng thành để đối phó với mặt nước biển lạnh giá.

Biến đổi khí hậu khiến chim cánh cụt hoàng đế bỏ mạng, bên bờ tuyệt chủng

Anh Tú | 25/08/2023, 11:15

Sự tan băng trên vùng nước biển gần đất liền đã gây tử vong cho hàng nghìn con chim non chưa đủ trưởng thành để đối phó với mặt nước biển lạnh giá.

Các nhà khoa học cho biết những con chim cánh cụt hoàng đế non đã chết hàng loạt tại nhiều nơi ở Nam Cực vào cuối năm ngoái. Chúng bị chết đuối hoặc chết cóng khi băng biển tan chảy do hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Trên tạp chí Communications Earth & Environment hôm thứ năm 24.8, các nhà nghiên cứu đã báo rằng trong số 5 địa điểm được theo dõi ở vùng biển Bellingshausen, 4 địa điểm bị mất 100% chim non trong vụ được họ gọi là “thảm họa”.

Tác giả chính Peter Fretwell, nhà nghiên cứu tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh nhận định: “Đây là thảm họa lớn đầu tiên trong quá trình sinh sản của chim cánh cụt hoàng đế ở một số địa điểm do mất băng trên biển và có lẽ là dấu hiệu của những điều khủng khiếp hơn sắp xảy ra”. Fretwell chua chát thừa nhận: “Chúng tôi đã dự đoán điều đó từ lâu nhưng chứng kiến nó xảy ra trong thực tế thật là nghiệt ngã”.

Mùa xuân ở nam bán cầu năm ngoái - từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 12 - chứng kiến băng biển thấp kỷ lục ở Nam Đại Dương, đặc biệt dọc theo bờ biển phía tây của vùng Nam Cực vốn là nơi sinh sản chính của loài chim cánh cụt lớn nhất thế giới.

Sự tan băng trên vùng nước biển gần đất liền đã gây tử vong cho hàng nghìn con non chưa đủ trưởng thành để đối phó với mặt nước biển lạnh giá.

Một chim cánh cụt hoàng đế non mới chui ra từ trứng được chim bố giữ ấm giữa hai chân trong suốt mùa đông, trong khi chim mẹ bắt đầu hành trình ra biển kiếm ăn kéo dài 2 tháng. Khi trở về nhà, chim mẹ cho chim non ăn bằng cách nôn cá trong bụng ra.

Để tự sinh tồn, chim non phải phát triển bộ lông không thấm nước, một quá trình thường bắt đầu vào giữa tháng 12 và kéo dài vài tuần. Nhưng băng ở vùng biển Bellingshausen năm ngoái đã bắt đầu tan vào cuối tháng 11.

Fretwell giải thích: “Băng khi vỡ sẽ tan ra hoặc vỡ thành những tảng băng trôi đi. Chim non mà bước xuống nước có thể sẽ chết đuối, nhưng ngay cả khi chúng tìm cách thoát ra ngoài, chúng có thể sẽ chết cóng”.

Fretwell cũng nói: “Nếu cố gắng ở lại trên tảng băng trôi, hầu hết chúng sẽ trôi theo dòng nước và chết đói vì chim bố mẹ sẽ không thể tìm thấy chúng”.

Chim cánh cụt hoàng đế được biết là có thể di chuyển đến các địa điểm thích hợp khác để ứng phó với tình trạng băng biển không ổn định, nhưng tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu ở Nam Cực có nguy cơ vượt xa khả năng thích ứng của chúng. Đã có ghi nhận những con trưởng thành có thể di chuyển đến một đàn khác cách đó chưa đầy 100km để trải qua mùa sinh sản. Nhưng khi một khu vực có chiều dài 1.500km đã mất gần như toàn bộ băng biển, chúng ta thực sự không biết điều gì sẽ xảy ra.

Cũng như loài gấu ở Bắc Cực, hiện tượng nóng lên toàn cầu chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch là yếu tố duy nhất đe dọa khả năng sinh tồn của loài chim cánh cụt hoàng đế ở Nam Cực.

Nhìn chung, các loài động vật lớn đều đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng chủ yếu bị đe dọa do mất môi trường sống và bị khai thác quá mức nhưng chúng ta có thể thấy rõ nhất từ các loài sống ở 2 cực của Trái đất.

Theo một nghiên cứu năm 2020, chim cánh cụt hoàng đế, hay còn gọi là Aptenodytes forsteri, tất cả đều ở Nam Cực. Khoảng 30% trong số 62 đàn chim cánh cụt hoàng đế được biết đến ở Nam Cực đã bị ảnh hưởng do mất một phần hoặc toàn bộ băng biển kể từ năm 2018.

Fretwell cho biết: “Khoảng 30% đàn chim bị ảnh hưởng do mất băng biển, vì vậy sẽ có thêm nhiều chim non không thể sống sót”.

Vào giữa tháng 2 năm nay, diện tích biển đóng băng ở Nam Cực đã giảm xuống còn 2 triệu cây số vuông, ít hơn khoảng 30% so với mức trung bình giai đoạn 1981-2010.

Sự nóng lên toàn cầu được coi là mối đe dọa lâu dài chính của chim cánh cụt, với dự đoán rằng đến năm 2100, khoảng 90% quần thể có thể nhỏ đến mức gần như tuyệt chủng.

Tiến sĩ Jeremy Wilkinson, nhà vật lý băng biển tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, cho biết nghiên cứu “cho thấy rõ ràng mối liên hệ giữa mất băng biển và sự hủy diệt hệ sinh thái”.

Fretwell nói: “Điều khiến tôi đau lòng nhất là sự bất lực khi biết điều này sẽ còn tồi tệ thêm nữa trước khi nó có thể khá hơn. Đây là con đường mà chúng ta đang đi. Chỉ có cách thay đổi hành vi của chúng ta và giảm tiêu thụ lượng nhiên liệu hóa thạch, chúng ta mới có thể đảo ngược số phận của những chú chim cánh cụt hoàng đế và nhiều loài khác".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nâng cao năng lực quản trị an ninh phi truyền thống trong 'kỷ nguyên vươn mình'
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Theo các chuyên gia, đối với an ninh phi truyền thống (ANPTT), một sự cố nhỏ nếu không được xử lý kịp thời có thể bùng phát, trở thành vấn đề nghiêm trọng đe dọa an ninh quốc gia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biến đổi khí hậu khiến chim cánh cụt hoàng đế bỏ mạng, bên bờ tuyệt chủng