Báo New York Times đã có được những tài liệu của Lầu Năm Góc, được cho là “sự thật đầy đủ” về một trận đấu súng kéo dài 4 giờ, giữa lính đánh thuê Nga với biệt kích Mỹ tại chiến trường Syria, vào ngày 7.2.2018.

Biệt kích Mỹ đấu súng 4 giờ với lính đánh thuê Nga

30/05/2018, 17:48

Báo New York Times đã có được những tài liệu của Lầu Năm Góc, được cho là “sự thật đầy đủ” về một trận đấu súng kéo dài 4 giờ, giữa lính đánh thuê Nga với biệt kích Mỹ tại chiến trường Syria, vào ngày 7.2.2018.

Xe tăng giao chiến ở tỉnh Deir Ezzor - Ảnh: Der Spiegel

Đây là một trong những trận đánh đẫm máu nhất mà quân Mỹ phải đối mặt, từ khi họ giúp Lực lượng dân chủ Syria (SDF) đánh bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Diễn biến trước khi xảy ra trận đánh đẫm máu...

Theo Times, Lầu Năm Góc mô tả trận đánh là một hành động tự vệ, chống lại một đơn vị quân được gọi là “lực lượng thân chế độ” Syria.

Khi trả lời phỏng vấn, các quan chức quân sự Mỹ nói họ rùng mình chứng kiến hàng trăm quân tấn công, xe quân dụng và xe tăng được tập kết một tuần trước khi xảy ra trận đánh khốc liệt này.

Các quan chức quân sự Mỹ đã liên tục cảnh báo việc tập trung đông quân, nhưng các quan chức quân sự Nga nói họ không kiểm soát nhóm quân binh tập trung gần sông Euphrates, dù thiết bị theo dõi sóng radio của Mỹ phát hiện số quân này nói tiếng Nga.

Ngày 7.2 bắt đầu rất bình thường, không có dấu hiệu của một trận đánh sắp xảy ra. Một nhóm 30 lính biệt kích Delta Force và Rangers thuộc Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt đang phối hợp với nhóm quân SDF ở vị trí trú đóng gần nhà máy khí đốt Conoco ở tỉnh Deir Ezzor nhiều dầu mỏ thuộc phía đông Syria giáp giới Iraq.

Cách đó khoảng 20 dặm, tại một căn cứ hậu cần, một tổ lính Mũ Nồi Xanh và một trung đội Thủy quân lục chiến Mỹ (TQLC) chăm chú vào màn hình điện toán, theo dõi các máy bay không người lái (UAV) và chuyển thông tin đến quân Mỹ ở nhà máy Conoco về chuyện “lực lượng thân chế độ” Syria đang tập trung quân.

Đến 15 giờ chiều 7.2, quân Syria bắt đầu hướng tới nhà máy Conoco. Đầu buổi tối, hơn 500 quân và 27 xe bọc thép và xe tăng T-72 đã tập kết.

Tại Căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar và tại Lầu Năm Góc, các nhà phân tích tình báo-quân sự Mỹ sốt ruột theo dõi tình hình. Các chỉ huy ra lệnh báo động cho phi công và thợ máy.

Tại căn cứ hậu cần, lính Mũ Nồi Xanh và TQLC chuẩn bị một tổ phản ứng nhỏ, gồm 16 tay súng và 4 xe chống mìn, sẵn sàng xuất phát để bảo vệ nhà máy Cocono. Họ kiểm tra vũ khí, đưa tên lửa chống tăng Mũi Lao lên xe, ống nhòm phát hiện nhiệt, thức ăn và nước uống.

Lúc 20 giờ 30 tối 7.2, 3 chiếc tăng T-72 do Nga sản xuất-mỗi chiếc nặng 50 tấn, trang bị pháo 125 ly-đến gần nhà máy Conoco. Mũ Nồi Xanh-TQLC liền chuẩn bị triển khai tổ phản ứng.

Ở vị trí trú đóng, lính Mỹ chứng kiến nhóm xe tăng T-72 và xe bọc thép tiến đến gần họ lúc khoảng 22 giờ, sau khi rời khỏi nơi ẩn náu của chúng là khu nhà dân ở vùng ngoại ô.

UAV Chim săn mồi B được cử đến tiếp viện biệt kích Mỹ - Ảnh: Reuters

Lính biệt kích Mỹ "lủi vào hang cáo” để trốn đại bác xe tăng Nga

30 phút sau đó, lính đánh thuê Nga và quân Syria tấn công. Vị trí Conoco bị trúng nhiều đạn pháo xe tăng, không khí quyện mùi thuốc súng.

Times tường thuật: “Trận pháo mãnh liệt đến độ biệt kích Mỹ phải rúc vào những hang cáo để trú ẩn, và bắn trả vào đoàn xe tăng đang tiến tới dưới làn đạn pháo”.

Lính biệt kích Mỹ sau đó phóng tên lửa chống tăng Mũi Lao và nã súng máy vào nhóm xe bọc thép đang xông đến.

Suốt 15 phút đầu, các quan chức quân đội Mỹ gọi cho quân Nga qua đường dây điện thoại nóng (nhằm tránh xung đột ngoài ý muốn) và kêu gọi họ ngừng tấn công.

Khi gọi không thành, quân Mỹ nã đạn cảnh cáo vào nhóm xe quân sự và một xe tăng, nhưng phía tấn công vẫn không lùi bước.

Tiếp đó, UAV Chim săn mồi B, chiến đấu cơ F-22, F-15, máy bay ném bom B-52 và trục thăng Apache bay tới không kích vào quân tấn công.

Các quan chức Mỹ nói trong 3 giờ kế tiếp, các cuộc không kích đánh bầm dập quân thù, trong khi dưới đất, TQLC phóng tên lửa chống tăng.

Tổ phản ứng tăng tốc lao đến trận địa. Theo tài liệu Lầu Năm Góc, đoạn đường hành quân 20 dặm cực gian nan, xe không thể bật đèn nên chỉ có thể dựa vào máy thu hình cảm ứng nhiệt để dò đường.

Khi nhóm Mũ Nồi Xanh và TQLC đến gần nhà máy Conoco khoảng 23 giờ 30 phút đêm 7.2, họ phải dừng lại vì địch nã pháo kịch liệt nên rất nguy hiểm nếu tiếp tục di chuyển. Họ phải chờ các loại máy bay Mỹ “dập tắt” hoả lực pháo và xe tăng của quân địch.

Khoảng 1 giờ sáng 8.2, trận pháo giảm dần, tổ phản ứng này tiếp cận nhà máy Conoco và bắt đầu nã đạn. Khi đó, vài máy bay Mỹ đã trở về căn cứ vì cạn dầu hoặc hết đạn.

40 lính Mỹ dưới đất tăng cường phòng thủ, khi quân đánh thuê rời xe họ và chạy bộ xung phong tấn công nhà máy.

Cuộc đấu súng diễn ra trong lúc Mỹ liên hệ xin máy bay ném bom tiếp viện. Một lính TQLC dùng máy điện toán hướng dẫn tên lửa để tìm vị trí địch, chuyển thông tin cho chỉ huy xin không kích.

Một giờ sau, phe địch bắt đầu rút lui do bị Mỹ không kích ồ ạt, quân Mỹ dưới đất ngưng nã súng. Các chỉ huy Mỹ chứng kiến quân đánh thuê và lính Syria thu hồi xác đồng đội.

UAV chụp ảnh xác một chiếc tăng T-72 bị tiêu diệt - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

“Bên ta không chết ai, bên địch chết vô số”

Số thương vong từ trận đánh 7.2 này vẫn còn gây tranh cãi. Một quan chức Syria nói khoảng 100 lính Syria tử trận.

Tài liệu Lầu Năm Góc ước tính khoảng 200-300 tay súng “lực lượng thân chế độ” Syria bị tiêu diệt. Ngược lại, không một ai trong số 40 lính biệt kích Mỹ bị thương.

Ngày 13.2, Lầu Năm Góc cũng công bố một vidéo chiếu cảnh máy bay không người lái Chim săn mồi B (kiểu MQ-9 Reaper) tiêu diệt một xe tăng T-72 làm chết toàn bộ tổ tăng.

Khi điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 12.4, ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (lúc đó ông còn đang giữ chức Giám đốc CIA) cũng nói lộ ra chuyện Mỹ giết khoảng 200 lính thân Nga.

Vấn đề còn lại là lính đánh thuê Nga là ai, và tại sao họ tấn công. Có thông tin số người chết thuộc Truy diệt bọn IS, tức Tập đoàn quân số 5 của quân đội Syria. Đơn vị này do Nga huấn luyện.

Các quan chức tình báo Mỹ nói đạo quân tư nhân Wagner (Nga) đến Syria để chiếm các mỏ dầu-khí và bảo vệ chúng nhân danh Tổng thống Assad.

Họ cũng nói đạo quân này được hưởng phần chia từ tiền bán được sản phẩm của các mỏ dầu mà họ tái chiếm.

Một nguồn tin thân cận đạo quân Wagner đã nói chuyện với các tay súng, được họ cho biết hơn 80 lính đánh thuê bị giết ngày 7.2. Nguồn tin này giấu tên, nói tổng số 300 lính Nga bị thương hoặc bị chết là chính xác.

Ban đầu, các quan chức Nga nói chỉ có 4 công dân Nga tử trận, nhưng có thể còn nhiều hơn. Tài liệu Lầu Năm Góc mô tả số quân này là “lực lượng thân chế độ”, trung thành với Tổng thống Assad, gồm một số quân binh Syria và quân ủy nhiệm.

Nhưng các quan chức quân sự-tình báo Mỹ nói đa số là nhóm lính đánh thuê Nga thuộc Công ty bảo vệ tư nhân Wagner, mà Điện Kremlin thường giao các nhiệm vụ mà chính phủ Nga không muốn bị dính líu.

Các quan chức Nga phủ nhận việc cử đạo quân tư nhân Wagner đến Syria, nói sự hiện diện quân sự duy nhất của Nga là chiến dịch không kích một căn cứ hải quân, các cố vấn quân sự huấn luyện quân nhân Syria và một số ít lính đặc nhiệm.

Hồi tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis báo cáo các thượng nghị sĩ: “Chỉ huy quân Nga ở Syria bảo đảm với chúng tôi đấy không phải người của họ”. Ông cũng đã chỉ đạo Tướng Joseph F Dunford, Chủ tịch Hội đồng liên quân Mỹ phải tiêu diệt “lực lượng thân chế độ” Syria.

Theo Times, hậu quả trận đánh ngày 7.2 cho thấy lính đánh thuê Nga và đồng minh Syria đã sai lầm khi tính chuyện “tấn công biển người” vào một vị trí quân sự Syria. Lý do vì từ sau lần đánh chiếm Iraq năm 2003, Mỹ đã tính toán kỹ số khí tài, hậu cần, sự điều phối và chiến thuật để phối hợp tấn công từ dưới đất và trên không.

Từ trước đó đã có sự lo sợ cảnh quân Nga-Mỹ đụng độ, khi Mỹ-Nga đều tham gia đánh bọn IS ở Syria, nhưng mỗi nước cũng ủng hộ các lực lượng khác nhau: Mỹ “chống lưng” SDF gồm nhiều người Kurd, trong khi Nga và Iran yểm hộ quân đội chính phủ Syria.

Các quan chức và chuyên gia nói điều nghiêm trọng nhất là nguy cơ Nga-Mỹ sa lầy vào cuộc chiến tranh đẫm máu, đẩy cao căng thẳng do mỗi bên đều muốn mở rộng tầm ảnh hưởng ở Trung Đông.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biệt kích Mỹ đấu súng 4 giờ với lính đánh thuê Nga