Bill Gates cho biết thế giới chưa chuẩn bị cho một đại dịch khác dù đã trải qua COVID-19.
Trong một cuộc phỏng vấn video gần đây với Emma Tucker - Tổng biên tập tờ The Wall Street Journal, nhà đồng sáng lập Microsoft bày tỏ mối lo ngại của mình về viễn cảnh xảy ra một đại dịch khác.
"Khả năng xảy ra một đại dịch tự nhiên trong 4 năm tới là khoảng 10 đến 15%. Và thật tuyệt khi nghĩ rằng chúng ta thực sự đã sẵn sàng cho điều đó hơn lần trước. Song cho đến nay thì không phải vậy. Chúng ta vẫn chưa sẵn sàng", ông nói thêm.
Bill Gates từ lâu đã là người ủng hộ mạnh mẽ cho việc chuẩn bị ứng phó với đại dịch và tiêm chủng.
Trong bài phát biểu trên TED Talk năm 2015, tỷ phú người Mỹ sinh năm 1955 đã cảnh báo rằng thế giới "chưa sẵn sàng" cho một đợt bùng phát dịch gây chết người.
7 năm sau, vào 2022, Bill Gates là tác giả cuốn sách How to Prevent the Next Pandemic (Cách ngăn ngừa đại dịch tiếp theo), dựa trên những bài học kinh nghiệm rút ra từ COVID-19. Năm đó, Quỹ Bill & Melinda Gates cũng cam kết tài trợ tới 125 triệu USD tại Mỹ để "giúp chấm dứt giai đoạn cấp tính của đại dịch COVID-19 và chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai".
TED Talk là một chuỗi các bài thuyết trình ngắn gọn, truyền cảm hứng được tổ chức bởi tổ chức phi lợi nhuận TED (Technology, Entertainment, Design). Các bài TED Talk tập trung vào việc chia sẻ ý tưởng có giá trị trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học, công nghệ, giáo dục, nghệ thuật, sức khỏe, kinh doanh và nhiều lĩnh vực khác.
Bill Gates nói với The Wall Street Journal rằng thế giới vẫn chưa chuẩn bị cho đợt bùng phát dịch tiếp theo do "nhiều người, thay vì thống nhất về những công cụ còn thiếu, chủ yếu vẫn đang lặp lại những sai lầm khác nhau từng mắc phải".
"Vì vậy, tôi không thể nói rằng chúng ta đạt được tiến bộ như mong đợi sau khi hàng nghìn tỉ USD và hàng triệu sinh mạng đã mất đi", ông cho hay.
Không rõ Mỹ sẽ đầu tư bao nhiêu vào công tác chuẩn bị ứng phó với đại dịch dưới thời chính quyền Trump thứ hai.
Các cơ quan y tế liên bang Mỹ, bao gồm Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), gần đây được khuyến cáo ngừng mọi hoạt động truyền thông với công chúng, gồm cả thông cáo báo chí, cho đến khi có thông báo mới, trang NBC News đưa tin.
Tổng thống Donald Trump đã đề cử Robert F. Kennedy Jr. làm người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ. Điểm đáng chú ý là ông Robert F. Kennedy Jr. từng phản đối mạnh mẽ các lệnh tiêm vắc xin và đưa ra những tuyên bố sai sự thật hoặc chưa được chứng minh về tác động của vắc xin.
Hôm 25.1, Tổng thống Trump cho biết ông có thể cân nhắc việc Mỹ tái gia nhập Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuyên bố được đưa ra vài ngày sau khi ông Trump ký lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi tổ chức này.
"Có lẽ chúng ta sẽ cân nhắc làm lại. Có lẽ chúng ta sẽ làm. Nhưng họ phải dọn dẹp WHO", ông Trump phát biểu trong cuộc mít tinh tại thành phố Las Vegas (Mỹ) ngày 25.1.
Dự kiến Mỹ sẽ rời WHO vào ngày 22.1.2026. Ông Trump ký lệnh hành pháp về việc này ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20.1 vừa qua, cáo buộc WHO xử lý không tốt đại dịch COVID-19 và nhiều cuộc khủng hoảng y tế khác.
Trong lệnh, ông Trump chỉ đạo các cơ quan dừng chuyển bất kỳ khoản tiền, hỗ trợ hoặc nguồn lực nào của chính phủ Mỹ cho WHO, đồng thời "xác định các đối tác đáng tin cậy và minh bạch của Mỹ cùng quốc tế để đảm nhận các hoạt động cần thiết mà WHO thực hiện trước đây".
Mỹ hiện là quốc gia tài trợ cho WHO nhiều nhất, đóng góp khoảng 18% kinh phí của tổ chức này. Ngân sách WHO thời kỳ 2024 - 2025 là 6,8 tỉ USD. Ông Trump nói rõ bản thân không hài lòng khi Mỹ phải đóng góp nhiều hơn Trung Quốc dù dân số ít hơn nhiều.
Tổng thống Trump đã đưa ra ý tưởng trên trong khi than thở về việc Mỹ chi trả nhiều hơn mức cần thiết cho tổ chức gồm 194 quốc gia này. Ông so sánh số tiền 500 triệu USD mà Mỹ đã đóng góp, so với 39 triệu USD của Trung Quốc, quốc gia có hơn 1,4 tỉ dân.
Từ lâu, Trump đã chỉ trích WHO vì điều mà ông gọi là "thất bại trong việc áp dụng các cải cách cấp thiết" và mô tả đóng góp tài chính của Mỹ là "gánh nặng".
Vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump bắt đầu thực hiện các bước để rút Mỹ khỏi WHO. Song sau khi ông Trump thất cử, ông Biden đã chặn nỗ lực này ngay trong ngày đầu nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46.
Lawrence Gostin, Giám đốc Trung tâm Hợp tác về luật y tế quốc gia và thế giới của WHO, cho rằng quyết định của Mỹ sẽ gây tác động vô cùng lớn, khiến tổ chức này mất lượng lớn ngân sách lẫn nhân sự nên không thể thực hiện nỗ lực xác định và phòng chống bất cứ dịch bệnh nào trong tương lai. Khi đó, phía Mỹ cũng thiếu sự hợp tác quốc tế nên phải tự mình hành động, không có đủ dữ liệu cần thiết về các loại vi rút đang lưu hành, theo Lawrence Gostin.
Trước viễn cảnh Mỹ không còn tham gia WHO, nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove (Mỹ) vào ngày 23.1 đã chia sẻ lại thông điệp trên mạng xã hội X kêu gọi mỗi người bỏ ra 1 USD để quyên góp tổng cộng 1 tỉ USD cho WHO. Đến nay, số tiền quyên góp được chỉ khoảng 41.937 USD, kém xa mục tiêu 1 tỉ USD.
Bill Gates ấn tượng với ông Trump
Theo The Wall Street Journal, Bill Gates bày tỏ sự ấn tượng với ông Trump sau cuộc gặp gỡ gần đây.
Bill Gates tiết lộ đã có một buổi ăn tối dài 3 giờ với ông Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida (Mỹ) ngày 27.12.2024. Đây không phải lần đầu tiên họ gặp nhau. Trước đó, Bill Gates từng công khai nghi ngờ khả năng của ông Trump, nhưng lần này nhà đồng sáng lập Microsoft thừa nhận "ấn tượng" với sự quan tâm của Tổng thống Mỹ về các sáng kiến sức khỏe toàn cầu.
"Trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, ông ấy đã thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến đổi mới về vắc xin. Vì vậy, tôi hỏi liệu chúng ta có thể áp dụng cách tiếp cận tương tự vào việc phát triển thuốc chữa HIV hay không. Cả hai chúng tôi đều rất hào hứng với điều này", Bill Gates kể lại.
Bill Gates cũng rất bất ngờ khi Trump tỏ ra rất hứng thú với chiến dịch chống bại liệt. Căn bệnh này gần như đã được xóa sổ trên toàn cầu nhưng vẫn còn xuất hiện ở một số khu vực như Pakistan, Afghanistan, Gaza và châu Phi. "Ông ấy rất tò mò về những gì mình có thể làm để tối đa hóa cơ hội đạt được cột mốc quan trọng này trong nhiệm kỳ tới", Bill Gates nói.
Bill Gates nói rằng ông có ấn tượng tích cực về Tổng thống Mỹ sau cuộc thảo luận. "Tôi cảm thấy ông ấy tràn đầy năng lượng và nhiệt tình mong muốn thúc đẩy đổi mới. Thành thật mà nói, tôi rất ấn tượng với cách ông thể hiện sự quan tâm đến những vấn đề tôi đưa ra", nhà sáng lập Microsoft nhận xét.
Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ và nhận được sự ủng hộ từ nhiều lãnh đạo công nghệ. Bill Gates là một trong số những tỷ phú đã chủ động tiếp cận Trump sau chiến thắng của ông.
Bill Gates bác tin cấy vi mạch vào nhiều người trong đại dịch COVID-19 vì mục đích theo dõi
Bill Gates cố gắng làm sáng tỏ một số thuyết âm mưu về ông.
Phát biểu trên chương trình The Life Scientific thuộc BBC Radio 4 hồi năm ngoái, nhà đồng sáng lập Microsoft từng đề cập đến một thuyết âm mưu lan truyền rằng ông đứng sau kế hoạch cấy vi mạch có thể theo dõi vào nhiều người trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
"Bạn phải có khiếu hài hước. Nhiều người nói rằng tôi muốn theo dõi họ, nhưng tại sao tôi lại phải làm vậy?", Bill Gates nói về các thuyết âm mưu.
Tỷ phú này cho biết có người từng đối mặt với ông trên phố, hét lên và đưa ra lời buộc tội. "Khi đó, tôi kiểu như: Ôi trời, tôi thực sự không muốn biết vị trí của anh", ông kể.
Các thuyết âm mưu liên kết Bill Gates với COVID-19 bắt đầu lan truyền vào đầu đại dịch và cựu giám đốc điều hành Microsoft đã đề cập đến vấn đề này nhiều hơn một lần.
Vào năm 2022, Bill Gates cho biết ông không bao giờ mong đợi mình sẽ trở thành đối tượng của thông tin sai lệch lan truyền.
"Một số thông tin như việc tôi cấy chip vào cánh tay người khác không hợp lý. Tại sao tôi lại muốn làm điều đó?", ông đã đăng trên mạng xã hội X.
Bill Gates nói trên The Life Scientific rằng nhiều người vẫn đang phải trả giá cho cách thế giới xử lý đại dịch COVID-19.
"Về số ca tử vong, sức khỏe tâm thần, mất mát kiến thức và những người thân yêu đã qua đời, chúng ta vẫn đang phải trả giá vì không xử lý tốt", tỷ phú người Mỹ nhấn mạnh.
The Life Scientific là chương trình phát thanh của BBC Radio 4, nơi mà các nhà khoa học nổi tiếng chia sẻ về sự nghiệp, cuộc sống và những khám phá khoa học của họ. Chương trình được dẫn dắt bởi Jim Al-Khalili, nhà vật lý người Anh và là giáo sư về vật lý lý thuyết.
Mỗi tập The Life Scientific thường là một cuộc phỏng vấn chuyên sâu, trong đó khách mời là các nhà khoa học đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như vật lý, hóa học, sinh học, y học... Họ chia sẻ về hành trình khoa học của mình, những thách thức từng đối mặt và thành tựu đáng chú ý trong sự nghiệp.
Chương trình được đánh giá cao vì cách tiếp cận gần gũi, giúp khán giả hiểu rõ hơn về công việc của các nhà khoa học và những đóng góp của họ cho nhân loại.
Bill Gates hiện là người giàu thứ 8 thế giới với khối tài sản ròng trị giá 166 tỉ USD, theo Bloomberg Billionaires Index, dù đã quyên góp một phần tài sản của mình cho Quỹ Bill & Melinda Gates được thành lập vào năm 2000.