Bộ binh Mỹ lại phải lăn trườn bò toài tập luyện chiến đấu để đề phòng Nga ở Đông Âu, sau khi một tướng Mỹ nói ông Putin là "chuyên gia lật đổ chính quyền".

Bộ binh Mỹ học lại kỹ năng thời Chiến tranh Lạnh

10/08/2017, 11:23

Bộ binh Mỹ lại phải lăn trườn bò toài tập luyện chiến đấu để đề phòng Nga ở Đông Âu, sau khi một tướng Mỹ nói ông Putin là "chuyên gia lật đổ chính quyền".

Ảnh: Lính dù Mỹ tập nhảy dù đêm - Ảnh: New York Times

Sau hơn 10 năm chống khủng bố Al-Qeada và Taliban ở Iraq và Afghanistan, lính Mỹ đang phải đề phòng Nga ở Đông Âu, vùng đất mà Hồng quân Liên Xô từng bảo vệ.

Không có nguy cơ chiến tranh với Nga, Mỹ vẫn đề phòng

Các quan chức quân đội Mỹ nói việc Nga đang có quân ở Syria và Đông Âu, đang xây dựng sức mạnh chiến tranh mạng và vũ khí hạt nhân, cùng việc đang chuyển quân và khí tài quân sự để tiến hành tập trận lớn Zapad (Phương Tây) từ giữa tháng 9 tới, là những dấu chỉ chứng minh sức mạnh quân sự, sau nhiều năm kinh tế Nga suy yếu.

Mối đe dọa quân sự Nga đã thay đổi đáng kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, khi Tổng thống Vladimir Putin mạnh tay đầu tư vào việc hiện đại hóa các binh chủng bộ binh, xe tăng và pháo binh.

Moscow cũng tăng số máy bay do thám không người lái trinh sát, để có thể phát hiện mục tiêu và điều phối tấn công với các loại vũ khí khác.

Theo báo New York Times (NYT) ngày 6.8, Nga cũng có học thuyết chiến tranh ủy nhiệm, phối hợp sức mạnh quân sự quy ước với khả năng lũng đoạn các sự kiện, bằng cách sử dụng chiến tranh thông tin, tấn công mạng...

Ví dụ đầu năm nay, ngành công tố Litva mở cuộc điều tra hình sự, về những tin vịt phao rằng lính Đức trú đóng ở Litva (trong chương trình NATO phòng chống Nga) đã cưỡng hiếp một bé gái.

Nga bác bỏ mọi cáo buộc họ tiến hành chiến dịch phao tin đồn nhảm để bôi bác quân đồng minh NATO.

Để phòng chống Nga, Lầu Năm Góc tăng cường hoạt động trú đóng luân phiên và tập luyện chiến đấu, trên lãnh thổ của những thành viên NATO ở Đông Âu, ví dụ như ở một căn cứ thuộc Bulgaria.

Mỹ cùng các đồng minh cũng tăng cường tuần tra trên không, trên biển và dưới biển, từ Biển Baltic đến Biển Đen, nhằm đối phó sự tăng quân Nga gần các nước thành viên NATO.

Gần đây, Mỹ và các đồng minh NATO đã hoàn tất việc triển khai 4.500 quân đến 3 nước vùng Biển Baltic (Estonia, Latvia, Litva) và Ba Lan, và đang chuẩn bị giữ hàng ngàn xe bọc thép ở châu Âu để đề phòng Nga tấn công.

Trung tướng Bộ binh Frederick B. Hodges, vị chỉ huy quân Mỹ châu Âu sẽ về hưu trong tháng 9 tới sau 37 năm binh nghiệp, đã bác bỏ nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa phương Tây với Nga. Nhưng ông nói Tổng thống Nga có thể vẫn duy trì nỗ lực làm sôi sục tình hình, để các chính phủ và quân đội phương Tây phải luôn cảnh giác.

Tướng Mỹ khen Tổng thống Putin: “Ông ấy là dân có nghề lật đổ chính quyền, và ông ấy sẽ vẫn như thế suốt một thời gian dài”.

Ý thức được điều này, các nhà vạch kế hoạch và quan chức tình báo Mỹ theo dõi rất kỹ hoạt động của Nga ở Crimea, đông Ukraine, Syria... là những nơi mà Nga đang thể hiện các chiến thuật và vũ khí mới.

Quân Gruzia tham gia cuộc tập trận Kiếm Bùa

Hành quân không còn được tự do như ở Iraq, Afghanistan

Tướng Hodges cho biết, sự hiện diện của Bộ binh Mỹ ở châu Âu chả là gì so với thời Chiến tranh Lạnh lên đỉnh điểm: ngày xưa là 300.000 quân, chứ nay chỉ có 30.000 lính.

Vì lý do đó, vị tướng nhấn mạnh “tốc độ lắp ráp”: quân đội và phương tiện phải hành quân nhanh hàng trăm dặm và sẵn sàng chiến đấu.

Tại Bulgaria, Bộ binh Mỹ và quân đồng minh đang có Kiếm Bùa, cuộc tập trận lớn nhất ở châu Âu trong năm 2017 (tốn 40 triệu USD) gồm hơn 1.000 quân Mỹ và hàng trăm xe hành quân 1.200 dặm trên khắp châu Âu.

Hàng trăm quân đồng minh - gồm lính Mỹ ngụy trang bằng cách sơn hai màu xanh và đen lên mặt - cùng các xe tăng 60 tấn phải vượt sông Danube trên những cầu dã chiến, dẹp tan các cuộc tấn công giả từ phía bên kia.

Đối với nhiều quân đội Đông Âu còn sử dụng các khí tài do Nga sản xuất, những cuộc tập trận với quân Mỹ và Tây Âu giúp cải thiện khả năng điều phối và tin tưởng lẫn nhau, cùng sự trấn an cụ thể rằng các đồng minh cam kết bảo vệ họ.

Tướng không quân Theo Toader của Romania, người chỉ huy một phần cuộc tập trận từ một căn cứ không quân gần Biển Đen, nói: “Chúng tôi tự tin vì không cô độc ở sườn phía đông NATO”.

Dù vậy, tướng Hodges vẫn phải phàn nàn, từ việc quân của ông bị chậm trễ trên đường hành quân diễn tập: “Chúng tôi cần được tự do di chuyển”.

Vì quân Mỹ không còn được tự do bay, tiếp cận mặt đất như khi họ hành quân đến các vùng thung lũng sông ở Iraq hoặc vùng núi Afghanistan.

Tại châu Âu vẫn kiểm soát lực lượng quân sự đến vùng biên giới. Ví dụ mới đây, một đoàn xe Bộ binh Mỹ chở đạn từ Đức qua Romania đã bị chặn lại ở biên giới Áo đến ngày 7.8 mới được đi tiếp, vì có quy định hạn chế đoàn xe quân sự vào thời kỳ nghỉ hè của dân địa phương.

Lính dù Mỹ đang sơn mặt để ngụy trang

Bộ binh Mỹ học lại kỹ năng thời Chiến tranh Lạnh

Theo NYT, bộ binh Mỹ đang nỗ lực học lại kỹ năng chiến đấu thời Chiến tranh Lạnh để đối đầu với những mối đe dọa từ Nga.

Một cuộc tập trận 10 ngày hồi tháng trước của 25.000 quân Mỹ và quân đồng minh diễn ra ở Hungary, Romania và Bulgaria là dịp cho thấy nhiều chỉ huy Bộ binh Mỹ đang cập nhật những chiến thuật - chiến lược từng được sử dụng trong Chiến tranh Lạnh để phòng chống lính Hồng quân Liên Xô, xe tăng và pháo Liên Xô, gồm các đợt tấn công ban đêm của hàng trăm lính dù.

Đối diện những mối đe dọa mới từ phía Nga, hàng trăm xe tăng và xe bọc thép sơn màu sa mạc phải sơn lại thành màu xanh đen để phù hợp địa hình châu Âu.

Bộ binh Mỹ đã làm quen với việc hoạt động cách xa những căn cứ lớn và an toàn ở Iraq và Afghanistan, nay phải tập ngụy trang để giấu vị trí, và tản ra thành những nhóm hành quân nhỏ, để tránh máy bay do thám không người lái Nga có thể phóng tên lửa tấn công.

Các sĩ quan trẻ được dạy học sử dụng các loại thẻ flash, để nghiên cứu cấu trúc và khả năng của các đơn vị quân Nga, hệt như lính Mỹ thời 1970 - 1980 của Chiến tranh Lạnh đã phải tìm hiểu vũ khí và quân đội Liên Xô.

Các quân trường Mỹ ở các bang California, Louisiana và Đức nay có nhiều kịch bản sao chép quân đội Nga, dù các nhà vạch kế hoạch ở đó và ở Đông Âu đều cẩn thận dùng tên giả để đặt tên cho các lực lượng “của địch”, để tránh gây thêm căng thẳng giữa Mỹ và Nga.

Bộ binh Mỹ dùng xe chiến đấu Stryker

“Mỗi sáng thức giấc đều biết ai là mối đe dọa”

Các chỉ huy cũng đang huấn luyện một thế hệ sĩ quan trẻ hơn, từng đối mặt với khủng bố ở Trung Đông và Tây Nam Á từ sau khi Al-Qaeda tấn công nước Mỹ ngày 11.9.2001.

Nhiều đại tá nổi lên - sẽ là các vị tướng Mỹ tương lai - đều quyết tâm chống mối đe dọa từ Nga, nhưng họ từng trải qua nhiều năm chiến đấu chống Al-Qaeda và bọn khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Đại tá Clair A. Gill, 45 tuổi, từng tốt nghiệp trường võ bị West Point năm 1994, hiện chỉ huy một đơn vị không quân Mỹ lái các loại trực thăng Apache, Ó Đen (Black Hawk) và Chinook, nói: “Chúng tôi phải đoán cách thích ứng với môi trường mới. Và tôi cho rằng chúng tôi đã có thể thích ứng”.

Sau khi tốt nghiệp West Point, Đại tá Gill được đưa đến Sư đoàn Khinh kỵ 101, khi Nga vẫn còn là một mối đe dọa.

Nhưng sau vụ 11.9.2001, ông là một trong những phi công lái Ó Đen xuất sắc nhất, tham gia nhiều chiến dịch đặc biệt ở quy mô nhỏ để đánh bọn khủng bố.

Nay chỉ huy 2.000 quân Mỹ và hơn 80 trực thăng, Đại tá Gill nói thách thức lớn nhất là duy trì tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao độ, kể cả khi lính cũ mãn hạn và lúc đón lính mới: ”Chúng tôi phải sẵn sàng để lên đường mọi lúc, mọi nơi”.

Đại tá Patrick Ellis là bạn học ở Đại tá Gill ở trường võ bị West Point. Lúc đó, ông nghĩ cần học tiếng Nga. Sau vụ 11.9, ông Ellis cùng nhiều đơn vị sơn cước đến Afghanistan.

Nay, Đại tá Ellis chỉ huy 4.800 quân và 330 xe chiến đấu Stryker. Quân của ông thường hành quân từ Đức đến Bulgaria, đôi khi dừng lại để giao lưu với dân địa phương, cho phép trẻ em leo lên xe Stryker và giải thích vì sao họ phải đến Bulgaria.

Ông Ellis nói: “Khi mỗi sáng thức dậy, chúng tôi biết ai là mối đe dọa. Chúng tôi luôn chú ý mối đe dọa từ Nga”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
một giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ binh Mỹ học lại kỹ năng thời Chiến tranh Lạnh