"Tuyển lực lượng vào ngành công an phải có lý lịch trong sạch để làm những nhiệm vụ quan trọng không thể tuyển bừa bãi được", thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị (Bộ Công an) cho biết
Thí sinh trúng tuyển, công an địa phương mới thẩm tra lý lịch
Trong những ngày qua, sau khi Bộ công an đồng ý cho em Bùi Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà vào các trường thuộc khối công an, đã có nhiều thí sinh làm đơn kêu cứu về việc trúng tuyển vào trường Công an nhưng không được nhập học vì lý lịch không đạt. Trong đó có những trường hợp do những lỗi lầm của người thân hoặc vi phạm của chính mình do bồng bột tuổi trẻ.
Báo Dân Trí kể ra một số trường hợp như em Bùi Văn Thông (Hòa Bình) có giấy báo nhập học vào trường ĐH Phòng cháy Chữa cháy nhưng không được nhập học với lý do năm em 14 tuổi có lấy 1 chiếc xe đạp của người khác và bị công an xử phạt hành chính.
Rồi em Hồng Văn Minh (Trà Vinh) được 27,25 điểm khối C trong kì thi THPT quốc gia (trong đó Văn:7,75; Sử: 9,0; Địa: 9,0 và ưu tiên khu vực:1,5 điểm) chia sẻ: Với số điểm đạt được, em đã trúng vào trường ĐH Cảnh sát Nhân dân, nhưng đến ngày 15/9 vẫn không thấy có giấy báo nhập học nên em điện lên Công an tỉnh thì họ bảo điện xuống Công an huyện hỏi, khi em hỏi Công an huyện thì họ nói hồ sơ lí lịch của em có vấn đề mà không có một lời giải thích cặn kẽ cho em. Theo em được biết thì những người thân của em đều chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, trong đó có một số người hiện là Đảng viên. Riêng chỉ có ông ngoại em trước năm 1975 có bị giặc bắt đi nhưng sau đó ông ngoại em trở về làm một công dân tốt, chăm chỉ lao động và ông đã mất vào năm 2010 do bệnh.
Thí sinh Lê Thị Bình (sinh ngày 2/9/1997, trú tại xóm 9, xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết vừa qua trong kỳ thi THPT quốc gia em được 24,75 điểm với Địa lí: 10 điểm, Lịch sử 7,75 và Ngữ văn 7 điểm. Bình được cộng thêm 1,5 điểm ưu tiên nên có tổng là 26,25 điểm. Nhận giấy báo nhập học của Học viện Cảnh sát Nhân dân nhưng khi hoàn thiện hồ sơ thì công an Nghệ An không đồng ý xác nhận vì lý lịch của bố em hơn 20 năm trước.
Ông Lê Thành Chung (SN 1961) bố đẻ em Bình cho biết, năm 1993, ông bị TAND huyện Quỳnh Lưu tuyên phạt 12 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản công dân.
Hay em Tẩn A Ngọc (Lào Cai) có đăng kí thi THPT quốc gia, xét tuyển vào Học viện Cảnh sát Nhân dân và đã đỗ với số điểm là 22,0 điểm và cộng cả ưu tiên đối tượng dân tộc khu vực 1 là 3,5 điểm thì tổng điểm là 25,5 điểm. Nhưng khi xét lý lịch thì mới biết là ông nội em (qua đời năm 2012) đã từng đi tù khoảng 5, 6 năm vào năm 1987 về tội bao che, không tố giác tội phạm. Khi đó, bố em mới được 8, 9 tuổi nên không nhớ rõ để sau này khai lí lịch...
Lý giải về việc năm nay có nhiều thí sinh kêu cứu bị trượt vào trường công an do lý lịch bố mẹ, người thân trong gia đình, Thiếu tướng, PGS-TS Đỗ Ngọc Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND cho biết trên VNN rằng những năm trước đây số dự thi vào các trường khối công an không nhiều, việc thẩm tra lý lịch, điều kiện đăng ký dự thi của thí sinh được công an địa phương làm trước nên không xảy ra những vấn đề như vừa qua.
Còn năm nay do số dự tuyển quá đông, toàn quốc có gần 100.000 thí sinh. Khối lượng công việc lớn, công an địa phương không có người làm nên đề nghị để thí sinh tự khai, cam kết tờ khai là đúng, nếu có gì sai thì chịu toàn bộ trách nhiệm. Khi trúng tuyển công an địa phương mới thẩm tra lý lịch thí sinh. Từ đây dẫn đến một số thí sinh khai thiếu, không đầy đủ, vướng tiêu chuẩn chính trị.
Có ý kiến cho rằng việc xét tiêu chuẩn chính trị, gia cảnh làm mất đi cơ hội của nhiều thanh niên trong khi quy định "cha làm con chịu" dường như đã lỗi thời, tướng Đỗ Ngọc Cẩn cho biết nỗi ngành nghề có đặc trưng, đặc thù. Tuyển vào công an để bảo vệ Đảng, Nhà nước, chính quyền. Tuyển sinh cũng đồng thời là tuyển dụng nên phải có tiêu chí riêng, xuất phát từ tính chất công việc. Ông bà nội ngoại, anh chị em thậm chí cô, dì, chú, bác ruột nếu có vấn đề về tư tưởng chính trị thì vẫn phải xử lý. Ví dụ họ có vi phạm nghiêm trọng như tội phản cánh mạng, làm tay sai cho địch, buôn bán ma túy, giết người... phải xem xét.
"Bộ Công an có tiêu chuẩn riêng. Không thể đánh đồng tất cả mọi ngành nghề như nhau được. Đây là quy định chúng tôi cho là rất đúng, phải chú ý đến. Tuyển lực lượng vào ngành công an phải có lý lịch trong sạch để làm những nhiệm vụ quan trọng không thể tuyển bừa bãi được", thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn cho biết đồng thời cung cấp thông tin rằng Bộ Công an đã có Thông tư số 53 ngày 15.8.2012, quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, kể cả tuyển mới. Tổng cục Chính trị cũng đã có Hướng dẫn số 9443 ngày 15.10, hướng dẫn đơn vị địa phương thực hiện thông tư 53 này.
Theo đó, đối với các trường hợp có thân nhân bị tòa tuyên phạt dưới 3 năm tù hoặc cho hưởng án treo và đã được xóa án tích, trừ trường hợp phạm các tội như: xâm phạm an ninh quốc gia, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, các tội xâm phạm sở hữu, tội phạm ma túy... đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, nếu hiện thân nhân chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của nhà nước thì công an các địa phương báo cáo về Tổng cục Chính trị để xem xét, kết luận.
Thiếu tướng cũng khẳng định Bộ công an không duy ý chí, trong từng thời điểm, có thể khi xã hội phát triển ở góc độ khác thì quy định có thể sẽ được điều chỉnh. Nhưng ở thời điểm hiện tại thì chưa thể bỏ quy định này được.
"Tuyển sinh vào các trường công an nhưng thực chất là chúng tôi đang tuyển dụng. Khi vào học, học viên đã được phát quần áo và coi như được biên chế trong lực lượng công an nhân dân, học xong ra trường sẽ được sắp xếp việc làm. Vì vậy, mọi tiêu chí phải chặt chẽ, đảm bảo lựa chọn được đúng người để phát triển lực lượng, bảo vệ đất nước", Thiếu tướng cho biết đồng thời khẳng định tới đây trong tổng kết công tác tuyển sinh 2015 ngành công an sẽ xem xét rút kinh nghiệm để năm tới hạn chế những đơn thư kêu cứu của thí sinh.