Bộ Công an cho biết vừa xử lý một số trường hợp trên không gian mạng những ngày qua lan truyền nhiều thông tin thất thiệt về bệnh nhân số 21 (trú tại Q.Ba Đình, Hà Nội), bịa đặt bệnh nhân này có “bồ nhí, con riêng”, khai báo y tế không trung thực…
Cùng với việc xác minh, xử lý nghiêm việc tung tin xuyên tạc tình hình về dịch bệnh COVID-19, ngày 13.3, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an đã phối hợp Công an TP.Hà Nội và các đơn vị chức năng nhanh chóng vào cuộc, xác minh, đấu tranh xử lý một số người đã đăng tải, chia sẻ những thông tin thất thiệt về bệnh nhân số 21.
Điển hình như Võ Thị Thanh Thủy (SN 1986, trú tại quận Bắc Từ Liêm), Doãn Thị Kim Phượng (SN 1958, trú tại quận Hoàn Kiếm) và Nguyễn Thị Vân (SN 1994, trú tại H.Đông Anh, TP.Hà Nội)…
Tại cơ quan công an, những người đó khai nhận do thiếu hiểu biết nên đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ những thông tin suy diễn, thất thiệt nêu trên, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của bệnh nhân số 21. Họ thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, xin gỡ bỏ bài viết trên Facebook cá nhân và cam kết không tái phạm.
Các đơn vị chức năng của Bộ Công an căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của người vi phạm để xem xét hình thức xử lý, đồng thời tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ những người tung tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê của lực lượng công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.
Theo Bộ Công an, phương thức, thủ đoạn của người tung tin là: Thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook… để tán phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, kích động về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Bịa đặt các thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, hướng dẫn cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả… từ đó kêu gọi tự chữa bệnh tại nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế; lợi dụng “khoảng trống thông tin” trên các trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc bịa đặt, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã góp nhặt, chia sẻ những thông tin sai sự thật, thậm chí là thông tin của các trang mạng phản động trên trang Facebook cá nhân, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai sự thật trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp đăng tin nhằm câu view, câu like, tăng sự tương tác, thể hiện cái tôi của mình và phục vụ mục đích bán hàng online… Đáng chú ý, thông qua chính sách mua quảng cáo trên nền tảng công nghệ Facebook, nhiều tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài đã chi hàng chục nghìn USD để chạy quảng cáo các nội dung xuyên tạc tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, cố tình đưa tin sai sự thật nhằm công kích Chính phủ Việt Nam “bưng bít thông tin”, yếu kém trong xử lý dịch bệnh…
Trước tình hình trên, lực lượng Công an đã xác minh, làm việc về 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính 146 người. Các trường hợp sai phạm, sau khi được cơ quan công an làm việc, phân tích đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân, tự gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm; trong đó có cả những KOL (người có ảnh hưởng lớn trong xã hội).
Lam Thanh