Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 3.11, trả lời câu hỏi của phóng viên về thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, thời gian thực hiện chương trình mới chậm nhất vào 2020-2021 đối với cấp đầu tiên là tiểu học.
Riêngvới cấp THCS là 2021-2022 và vào năm 2022-2023 sẽ thực hiện đối với cấp đầu tiên của THPT.Về kỳ thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, chính phủ yêu cầu bộ khắc phục những khó khăn, hạn chế, tồn tại của kỳ thi 2018 để thực hiện tốt cho năm 2019.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã trình phương án lên chính phủ để duyệt phương án cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 và giảm thiểumọi áp lực cho các thí sinh tham gia tại kỳ thi này nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, có độ phân hóa nhất định để có cơ sở để xét tuyển đai học, trên tinh thần là tự chủ.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Chính phủ nghe Bộ GD-ĐTbáo cáo chứ Thủ tướng không kết luận hay quyết định việc này. Việc tổ chức kỳ thi, thực hiện lộ trình triển khai sách giáo khoa mới, chương trình phổ thông mới là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tránh việc đùn đẩy lên Chính phủ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói thêm, về kỳ thi, Chính phủ chỉ đạo thực hiện đúng Nghị quyết 29;về sách giáo khoa, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐTthực hiện đúng Nghị quyết 51. Về đề xuất của TP.HCM miễn học phí bậc THCS, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: Đây chính là sự quan tâm của thành ủy, UBND TP.HCM đến công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là cấp THCS. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đang đề xuất Quốc hội để sửa Luật Giáo dục hiện hành. Trong dự thảo luật cũng có điều, khoản liên quan đến học phí cho nên cần cân nhắc vấn đề này và TP.HCM nên lui lại đến khi có Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ thực hiện theo Luật.
Dạ Thảo