Đây là nhận định của ông Bùi Xuân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng về việc hình thành và xây dựng một bộ quy tắc ứng xử văn hóa của người Đà Nẵng như nhiều đề xuất của đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng. Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Xuân về vấn đề này.

Bộ quy tắc ứng xử văn hóa của người Đà Nẵng: ý tưởng hay và mang tính khả thi

Một Thế Giới | 10/07/2015, 17:23

Đây là nhận định của ông Bùi Xuân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng về việc hình thành và xây dựng một bộ quy tắc ứng xử văn hóa của người Đà Nẵng như nhiều đề xuất của đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng. Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Xuân về vấn đề này.

-Thưa ông, ông nghĩ gì về việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử văn hóa của người Đà Nẵng?

-Ông Bùi Xuân: Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa của người Đà Nẵng là một đề xuất hay và Đà Nẵng cũng nên tiến tới xây dựng một bộ quy tắc như vậy.

Văn hóa, văn minh đô thị là vấn đề được các cấp ủy, đặc biệt là Thành ủy quan tâm.

Vào ngày 25.12.2014, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành chỉ thị số 43 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện năm văn hóa văn minh đô thị năm 2015 và xem đây là một chủ trương lớn của đảng bộ.

Tuy chủ đề thực hiện trong 2015 nhưng nội dung thì triển khai lâu dài và đi vào chiều sâu để đạt được mục đích là xây dựng con người Đà Nẵng văn hóa và văn minh.

Để thực hiện chủ trương của Thành ủy thì Ban Tuyên giáo đã phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an thành phố, các sở Công thương, GD-ĐT, GTVT, Nội vụ, Tư pháp và VH-TT-DL xây dựng một cuốn sổ tay tuyên truyền thực hiện văn hóa văn minh đô thị.

bo quy tac ung xu van hoa cua nguoi Da Nang
 Đà Nẵng đã ban hành một cuốn sổ tay tuyên truyền thực hiện văn hóa văn minh đô thị với nhiều nội dung sâu sát liên quan đến ứng xử văn hóa của người dân thành thị

Cuốn sổ tay này đã được phát hành xuống cơ sở và có sức lan tỏa, đi vào cụ thể 8 lĩnh vực rất thiết thực trong đời sống xã hội.

Ví dụ như nội dung văn hóa trong học đường, thì học sinh phải biết xưng hô lịch sự lễ phép, phải biết chào thưa, xin lỗi, cảm ơn… Đối với nhà giáo, công chức viên chức trong ngành giáo dục phải cư xử như thế nào… Đối với nếp sống văn hóa văn minh công cộng ở khu dân cư thì quy định cụ thể như thế nào…

-Như vậy, 8 nội dung trong sổ tay tuyên truyền thực hiện văn hóa văn minh đô thị có phải là tiền đề của việc xây dựng bộ quy tắc, thưa ông?

-Ông Bùi Xuân: Để những tài liệu như thế này nâng lên thành một bộ quy tắc ứng xử cần phải có thời gian. Vì bộ quy tắc ứng xử mang tính khoa học rất cao và đòi hỏi có sự thảo luận bàn bạc rất kỹ. Vì khi nó đã trở thành những quy tắc rồi thì tính pháp lệnh của nó rất cao.

Trước hết tôi hoan nghênh ý tưởng của thành viên Hội đồng Nhân dân. Đó là ý tưởng hay và mang tính khả thi. Tôi nghĩ về tương lai, Ban Tuyên giáo, hoặc các cơ quan tham mưu của Đảng, của chính quyền về mặt văn hóa có thể đề xuất, tham mưu cho Thường trực Thành ủy tiến tới xây dựng một bộ quy tắc về ứng xử văn hóa văn minh đô thị.

bo quy tac ung xu van hoa cua nguoi Da Nang
 Những quy chuẩn ứng xử cụ thể được quy định trong sổ tay tuyên truyền, tiền đề của một bộ quy tắc ứng xử văn hóa

-Việc xây dựng một bộ quy tắc như vậy cần phải làm những gì, thưa ông?

-Ông Bùi Xuân: Muốn xây dựng bộ quy tắc thì phải có chủ trương của Thành ủy rồi sau đó chính quyền sẽ có phối hợp để xây dựng chứ không phải một sớm một chiều.

Để làm được điều đó, thì cần phải có một hội đồng để xây dựng đề án. Thứ hai là cần phải có những hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhất là các chuyên gia am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, văn minh và quản lý về vấn đề văn hóa đô thị để có những ý kiến rồi sau đó chúng ta xây dựng bộ quy tắc.

Bộ quy tắc này nó phải đảm bảo các tính ngắn gọn, rõ ràng về nội dung và dễ thực hiện cũng như được sự đồng thuận của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, cũng không được vội vàng vì sau này sẽ có nhiều cái trong thực tiễn đẻ ra phong phú, đa dạng hơn mà bộ quy tắc không quán xuyến nổi thì cũng sẽ ảnh hưởng.

Nên trước mắt, theo 8 nội dung tuyên truyền về xây dựng cách ứng xử văn hóa văn minh đô thị rồi từng bước chúng ta nâng nó lên thành bộ quy tắc thì nó khoa học và khả thi hơn. Đà Nẵng sau một thời gian phát triển đô thị mạnh mẽ về kinh tế-xã hội thì nhất định phải chăm lo về đời sống văn hóa. Sắp tới sẽ tổ chức sơ kết 6 tháng thực hiện chỉ thị 43, từ đó các cấp ủy, lãnh đạo thành phố sẽ đề ra nhiệm vụ tiếp theo. Chúng tôi sẽ từng bước suy xét, nếu cần thiết thì sẽ xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa văn minh đô thị.

Trong tương lai, theo suy nghĩ chủ quan của tôi, thì ý tưởng đó là hay. Nó không chỉ là quy tắc mà còn nhiều hình thức đa dạng khác để làm sao cho văn hóa thấm sâu vào đời sống. Con người Đà Nẵng có văn hóa rồi thì phải làm cho nội hàm văn hóa ấy ngày càng phong phú và mang tính nhân văn hơn.

-Theo ông thì văn hóa của người Đà Nẵng như thế nào?

-Ông Bùi Xuân: Người Đà Nẵng có cái tố chất mà các địa phương khác cũng công nhận là hiền hòa, thân thiện và mến khách. Ngay trong văn hóa tham gia giao thông thì cũng dễ thấy ít có xảy ra các trường hợp lạng lách, đi nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ; đua xe càng ngày càng giảm và ít xảy ra. Nó cũng là một nét văn hóa của người Đà Nẵng.

Cũng cần thấy rằng ở Đà Nẵng có sự đồng thuận xã hội cao giữa chính quyền và người dân. Người dân có ý thức trách nhiệm công dân. Còn cán bộ đảng viên, lãnh đạo của thành phố có quyết tâm, có trách nhiệm và khi làm có yếu tố quyết liệt.

Tôi có thể tóm gọn cái bản sắc của Đà Nẵng bằng một câu thơ trong bài Đi chợ chiều nhớ mẹ của nhà thơ Trần Khắc Tám, viết là: "Tiếng đàng ngoài trộn lẫn tiếng đàng trong". 
Đà Nẵng là sự hội tụ giữa đàng ngoài và đàng trong, là đất lành chim đậu nên đặc trưng và đức tính của người Đà Nẵng là sống chan hòa.
Lê Đình Dũng thực hiện
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyên gia nói gì về dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu?
Chuyên gia đồng tình việc ghi nhận sản lượng điện giá 0 đồng khi chưa tính toán được toàn bộ lợi ích-chi phí và những hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời tự sản, tự tiêu bán điện vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, cần tính toán cụ thể về lợi và hại của lượng điện này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ quy tắc ứng xử văn hóa của người Đà Nẵng: ý tưởng hay và mang tính khả thi