Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ TT-TT là 3 đơn vị dẫn đầu với chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019.

Bộ Tài chính dẫn đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT

27/08/2020, 15:39

Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ TT-TT là 3 đơn vị dẫn đầu với chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019.

Ảnh: Internet

Theo “Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2019” của Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) vừa được ban hành, chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT của bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 (số liệu quý 4/2019) cho thấy Bộ Tài chính (là 0,9291), Bộ Công Thương (0,8914) và Bộ TT-TT (0,8642) là 3 đơn vị dẫn đầu; xếp cuối cùng là Bộ Nội vụ (0,7467) và Bộ Xây dựng (0,6885).

Trong khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên-Huế dẫn đầu và là tỉnh duy nhất có chỉ số vượt 0,9, đứng cuối lần lượt là Bạc Liệu, Kon Tum và Cao Bằng.

Theo đánh giá của Cục Tin học hóa, về tổng thể, Chỉ số mức độ ứng dụng CNTT trung bình của khối bộ năm 2019 tăng mạnh so với năm 2018 (năm 2018 là 0,69; năm 2019 là 0,82). Trong đó, Chỉ số về hạ tầng kỹ thuật CNTT và ứng dụng CNTT trong hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 tăng nhiều nhất so với năm 2018. Điều này chứng tỏ rằng năm 2019, các bộ, cơ quan ngang bộ đã chú trọng hơn trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và triển khai nhiều ứng dụng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử.

Ảnh: Cục Tin học hóa

Về xếp hạng, năm 2019 không có sự thay đổi nhiều về vị trí xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT của khối bộ, đặc biệt là các vị trí trong nhóm dẫn đầu. Một số bộ, cơ quan ngang bộ có thay đổi về vị trí xếp hạng, lý do chính là có sự biến động về mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tuy nhiên, Cục Tin học hóa đánh giá tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ triển khai mô hình điện toán đám mây còn thấp. Nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ có chỉ số hạ tầng kỹ thuật CNTT cao nhất năm 2019 gồm Bộ Công Thương, Bộ KH-CN, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong đó, Bộ Công Thương có chỉ số hạ tầng kỹ thuật CNTT tăng mạnh nhất (từ 0,4988 năm 2018 lên 0,9000 năm 2019).

Ảnh: Cục Tin học hóa

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, báo cáo cũng thể hiện rõ năm 2019 tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là 15,88% (tăng 1,1% so với năm 2018). Cụ thể, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 17,90% (tăng khoảng 5% so với năm 2018); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 55,18% (tăng 5,3% so với năm 2018).

Về xếp hạng, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến trung bình của khối bộ năm 2019 tăng so với năm 2018 (năm 2018 là 0,62; năm 2019 là 0,67). Trong đó, nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ có chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến cao, gồm Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đều là những bộ đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử diễn ra chiều 26.8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định hiện nay tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp khoảng 15,9%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước với tỷ lệ đạt khoảng 88,5% (sát với mục tiêu năm 2020 đạt 90% nêu trong Nghị quyết 17).

Về Cổng dịch vụ công quốc gia, Thủ tướng cũng cho biết Văn phòng Chính phủ đã tích cực triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của các bộ, tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp truy cập các dịch vụ công trực tuyến.

Ảnh: Cục Tin học hóa

Cuối tháng 7 vừa qua, Liên Hợp Quốc công bố Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu, ghi nhận kết quả trong giai đoạn từ tháng 8.2017 đến tháng 7.2020. Theo đó, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao.

Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có cải thiện vượt bậc ở Chỉ số hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở Chỉ số nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở Chỉ số dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc). Kết quả xếp hạng của Việt Nam trong 3 chỉ số phụ thể hiện Chỉ số tham gia điện tử: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 70/193 toàn cầu, 23/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Chỉ số dịch vụ trực tuyến của địa phương: TP.HCM là địa phương duy nhất của Việt Nam trong danh sách, xếp thứ 42/100, thuộc nhóm quốc gia ở mức trung bình.

Chỉ số hạ tầng viễn thông của Việt Nam năm 2020 là 0,6694, cao hơn giá trị trung bình của thế giới và khu vực châu Á, khu vực Đông Nam Á, xếp vị trí thứ 69/193 quốc gia/vùng lãnh thổ, tăng 31 bậc so với năm 2018. Về chỉ số hạ tầng viễn thông, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5/11 các quốc gia.

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính dẫn đầu về chỉ số tổng thể mức độ ứng dụng CNTT