Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo. Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) có giải trình cụ thể về ý kiến đại biểu nêu ra liên quan chính sách đột phá về tiền lương, phụ cấp của nhà giáo tại dự luật.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký báo cáo gửi đại biểu quốc hội về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tổ ngày 9.11.
Để thể chế hóa thành các chính sách cụ thể, cơ quan soạn thảo dự kiến quy định: Nhà giáo được xếp lương theo thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng thêm phụ cấp lương cơ bản tương ứng với chức danh từ mức 1 - 1,8.
Bảng lương của nhà giáo được sắp xếp lại để bảo đảm tương quan với công chức và với viên chức các ngành khác.
Phụ cấp ưu đãi của nhà giáo dự kiến điều chỉnh đối với cấp mầm non (tăng thêm 10%) và tiểu học (tăng thêm 5%).
Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; bổ sung đối tượng hưởng phụ cấp lưu động gồm nhà giáo dạy liên trường…
Các nội dung này được thể hiện tại dự thảo nghị định quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, chính sách thu hút, hỗ trợ đối với nhà giáo và đã được đánh giá tác động.
Bộ trưởng Sơn nêu rõ cơ quan soạn thảo không đề xuất bảng lương riêng với nhà giáo mà sử dụng "thang bậc lương hành chính sự nghiệp" chung như hiện nay.
Báo cáo của Bộ trưởng Sơn cho biết quy định về tiền lương và phụ cấp tại dự thảo Luật Nhà giáo phù hợp với tinh thần của các nghị quyết, kết luận và cần thiết phải được cụ thể hóa theo chỉ đạo mới nhất của Bộ Chính trị tại kết luận 91.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc trả lương của nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận giữa nhà giáo và cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà nước không can thiệp vào nguyên tắc này.
Để bảo đảm mức an sinh xã hội của nhà giáo ngoài công lập, ngoài quy định mức lương tối thiểu theo quy định tại Bộ luật Lao động, cơ quan soạn thảo dự kiến quy định: "Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác".
Báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu rõ kể từ khi độ tuổi nghỉ hưu được tăng lên 62 với nam và 60 với nữ theo Bộ luật Lao động, giáo viên mầm non có rất nhiều tâm tư.
Luật Nhà giáo quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Các đối tượng nhà giáo khác sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu và đề xuất nếu có đủ căn cứ.
Theo chương trình, đợt 2 của kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 20 - 30.11 và Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng.
Trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, ngoài việc thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Quốc hội sẽ thảo luận chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đặc biệt, trong đợt 2 này, Quốc hội sẽ thảo luận các báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2024.
Nhiều nghị quyết, luật cũng được Quốc hội xem xét thông qua trong đợt 2 này như Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Phòng không nhân dân; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Công đoàn; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, Nghị quyết thành lập TP.Huế trực thuộc trung ương, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng…