“Vắc xin của chúng ta chưa áp dụng được nên sẽ phải mua. Dù có vắc xin vẫn phải thực hiện tốt việc phòng, chống”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Vắc xin chúng ta chưa áp dụng được nên sẽ phải mua

Lam Thanh | 04/01/2021, 11:41

“Vắc xin của chúng ta chưa áp dụng được nên sẽ phải mua. Dù có vắc xin vẫn phải thực hiện tốt việc phòng, chống”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tạo ra 1.200 tỉ USD

Sáng 4.1.2021, tại cuộc họp báo thông tin về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay chặng đường 5 năm giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

mai-tien-dung.png
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Ảnh: Lam Thanh

Cụ thể, tạo ra hơn 1.200 tỉ USD giá trị GDP; riêng năm 2020, duy trì mức tăng trưởng dương dù đối mặt với sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới. Quy mô kinh tế đạt hơn 340 tỉ USD – đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Năng suất lao động vượt mục tiêu đề ra (5%). Bội chi NSNN bình quân giai đoạn ở mức 3,6-3,7% GDP, đạt mục tiêu đề ra (khoảng 4%) và giảm so với giai đoạn trước (khoảng 5,4% GDP theo Luật NSNN 2015).

Bên cạnh đó, hơn 8 triệu việc làm mới đã được tạo ra, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên. Tính cả nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân đã tăng gần 145%. WB đánh giá nếu tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình đầu người của chúng ta đạt tương đương gần 9.000 USD.

Thời gian qua, Việt Nam cũng làm tốt công tác an sinh xã hội. “Chúng ta thấy có lẽ chưa bao giờ tình cảm, tấm lòng của người dân cả hướng về miền Trung bị ảnh hưởng của lũ bão lớn như vừa qua. Trên đường, cứ 3 xe thì có 2 xe chở hàng ủng hộ nhân dân miền Trung, vô cùng ấm áp, cảm động”.

Vai trò của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định là một động lực quan trọng của đất nước. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; Công nghiệp chuyển biến theo chiều sâu với tỷ trọng hàng xuất khẩu qua chế biến tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020.

Cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm; tích hợp, cung cấp hơn 2.700 dịch vụ công trực tuyến trên 6.798 TTHC tại 4 cấp chính quyền (đạt tỷ lệ hơn 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%).

Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh, các kết quả trên chính là những dấu ấn nổi bật của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, góp phần làm cho “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định.

Theo ông Dũng, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh… vừa là thời cơ, vừa là thách thức. Do đó, không được chủ quan với những kết quả đã đạt được mà cần phải tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa trong năm 2021 và thời gian tới.

Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển của Việt Nam trong năm 2021 (WB dự báo 6,8%; ADB dự báo 6,3%; IMF dự báo 6,7%, Standard Chartered dự báo 7,8%; Goldman Sachs dự báo 8,1%...).

Năm 2021 phải tiến bộ hơn 2020

Thông tin về Nghị quyết 01, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ xác định thông điệp của năm 2021 là “tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn”, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội.

“Năm 2021 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2020 như phát biểu chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tháng 12.2020”, ông Dũng nói.

Để thực hiện được những yêu cầu trên, phương châm hành động của năm 2021 được xác định là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”. Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

“Vắc xin của chúng ta chưa áp dụng được nên sẽ phải mua. Dù có vắc xin vẫn phải thực hiện tốt việc phòng chống, đặc biệt quản lý nhập cảnh, truy vết, cách ly tốt, khuyến khích người dân tham gia phát hiện tốt các trường hợp nhập cảnh, cư trú trái phép, trốn tránh cách ly. Tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh”, ông Dũng nhấn mạnh.

mai-tien-dung-2.jpg
Họp báo thông tin về Nghị quyết 01,02

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững; đồng thời tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển, triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật cần thiết, nhất là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước để dành nguồn lực đầu tư cho phát triển. Chủ động bố trí nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhất là trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hàng không.

Mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Chủ động giải quyết hài hòa quan hệ thương mại với các đối tác lớn. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; quyết liệt thực hiện ngay từ đầu năm các giải pháp đẩy mạnh giải ngân gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, xác định thể chế là nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước. Xây dựng hệ thống hành chính Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công. Ban hành chính sách thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh,… đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

“Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ. Xác định đây là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, tập trung nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Biên Hòa - Vũng Tàu, một số công trình trọng điểm, giao thông liên vùng ở phía Bắc, nhất là ở vùng Tây Bắc; đẩy nhanh thực hiện thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng; tập trung đầu tư giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư, mở rộng các cảng hàng không quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng.

Song song với đó là chú trọng phát triển hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm ngành điện, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Rà soát các thủy điện nhỏ và vừa, bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các nguồn điện gắn với bảo vệ môi trường.

Kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế. Khẩn trương triển khai kế hoạch trồng 1 tỉ cây xanh (500.000 ha). Chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cũng yêu cầu TP. Hà Nội và TP.HCM chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để có thể giúp cải thiện điểm số và thứ hạng môi trường kinh doanh Việt Nam do sẽ được WB đánh giá về kết quả cải thiện môi trường kinh doanh thời gian sắp tới.

Bài liên quan
"Khát vọng phát triển", Nghị quyết 01 của Chính phủ: GDP năm 2021 phấn đấu tăng 6,5%
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%); GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Vắc xin chúng ta chưa áp dụng được nên sẽ phải mua