Theo chương trình, Luật về Hội sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận ngày 25.10 tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã xin được trình dự thảo luật này ra Quốc hội vào kỳ họp sau.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, lý do của việc này là vìnhiều đại biểu có ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng tình cao về dự luật này. Đặc biệt những vấn đề quan trọng từ điều 4 - 12 do chuẩn bị chưa được chu đáo, đầy đủ, các cơ sở dữ liệu cho đại biểutham khảo nên Cơ quan soạn thảo cho rằng cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo, tạo sự đồng thuận cao thì mới thông qua.
“Trong luật có 33 điều, thì 32 điều các đại biểuđều có ý kiến, duy nhất còn Điều 33 (Hiệu lực thi hành). Ban soạn thảo xin ghi nhận và tiếp thu tất cả các ý kiến”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tổng kết các vấn đề mà các đại biểu còn băn khoăn, làm rõ thêm các vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ quy định như kèm theo các Nghị định Chính phủ mà hiện nay chưa có dịp trình các đại biểu Quốc hội.
“Sau kỳ họp này, Ban soạn thảo xin ghi nhận thêm các ý kiến của các đại biểu chưa có đăng ký phát biểu tại hội trường. Chúng tôi sẽ cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo và trình trong kỳ họp sau”, Bộ trưởng Nội vụ nêu.
Trước đó, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về hàng loạt bất cập của dự thảo Luật về Hội và đề nghị dừng thông qua dự án luật này. Trong phiên thảo luận cũng "nóng" khi các đại biểu lên tiếng về quy định các hội không được liên kết, nhận tài trợ của nước ngoài hoặc quyền lập hội của công dân Việt Nam ở nước ngoài...
Trao đổivới báo điện tử Một Thế Giới, ông Phạm Quang Tú, chuyên gia Oxfam cho biết đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ là đáng mừng, bởi vìdự thảo luật đề ngày 10.10.2016 còn có quá nhiều điểm bất cập, thể hiện đã không tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các ĐBQH cũng như các chuyên gia trong thời gian qua.
Nói cụ thể hơn, ông Tú cho biết, dự thảo luật này không tuân thủ quan điểm về quyền lập hội đã được quy định tại Hiến pháp 2013. Điều 25 của Hiến pháp quy định, công dân Việt Nam có quyền lập hội trong khi dự thảo lại quy định người Việt Nam ở nước ngoài không có quyền lập hội;Dự thảo này chưa tuân thủ cam kết Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam đã tham gia ký kết, bởi vìCông ước này quy định rõ ràng rằngtất cả mọi người đều có quyền được lập hội và tham gia hội.
Ông Tú cho biết, dự thảo ngày 10.10 cũng không bám sát thực tiễn cuộc sống về hội của người dân. Trên thực tế hiện nay, có 2 loại hình hội, đó là các hội có đăng ký tư cách pháp nhân và hội không có đăng ký tư cách pháp nhân đang tồn tại và hoạt động trong xã hội Việt Nam.Theo thống kê, có khoảng trên 300.000 các hội không đăng ký tư cách pháp nhân đang hoạt động. Các dự thảo trước đây, chúng ta đã công nhận các hội này nhưng trong dự thảo mới nhất lại cho rằng tất cả các hội đều phải đăng ký và chỉ hội nào đăng ký mới được công nhận tư cách pháp nhân. Điều đó không phản ánh đúng bản chất của hội cũng như đời sống hiệp hội của người dân hiện nay.
Cùng với đó, chuyên gia này cho rằng,thủ tục thành lập hội vẫn theo cơ chế xin cho, mang nặng tư tưởng quản lý, siết chặt trong thành lập hội, đi ngược lại với xu hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo cơ chế tự chịu trách nhiệm của hội trong hoạt động của họ. Hơn nữa, quy định tạiKhoản 5, Điều 8 trong dự thảo luật quy định: “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do chính phủ quy định”. Điều này đã đi ngược lại với những quy định trước của chúng ta.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, so sánh giữa Khoản 1 Điều 2 việc “Luật này áp dụng đối với hội, công dân Việt Nam” với Khoản 2 Điều 6 quy định trụ sở của Hội đặt tại Việt Nam là chưa phù hợp. Đại biểu cho rằng, trên thực tế nhiều hội của cộng đồng người Việt Nam được phép hoạt động ở nước ngoài hiện vẫn đang hoạt động và vẫn có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
"Chính sách của Đảng và Nhà nước đang coi cộng đồng người Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời, là máu thịt của dân tộc. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này cho phù hợp" - ông Cương nói.
Đồng tình với ý kiến này, Đại biểu quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định, đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì việc thực hiện quyền được lập hội như thế nào thì chưa được quy định trong luật. Đại biểu cho rằng, mặc dù họ làm ăn, công tác định cư ở nước ngoài nhưng vẫn mang quốc tịch Việt Nam, vẫn là công dân Việt Nam, đó vẫn là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam như quan điểm của Đảng ta. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm những quy định về thực hiện quyền lập hội của công dân Việt Nam ở nước ngoài khi tham gia vào quyền lập hội ở Việt Nam.
Hoàng Long