Bộ Tư pháp dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội đưa dự án Luật Công chứng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Bộ Tư pháp muốn thay đổi những bất cập trong Luật Công chứng

H.Đ | 02/02/2023, 19:28

Bộ Tư pháp dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội đưa dự án Luật Công chứng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo đó, Quốc hội cho ý kiến với dự án luật này tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024).

Luật Công chứng 2014 đã có những bước tiến đáng kể, nâng cao điều kiện đối với đối tượng được miễn đào tạo nghề, quy định về nghĩa vụ bồi dưỡng nghề và tập sự hành nghề với tất cả đối tượng muốn bổ nhiệm công chứng viên…

Tuy nhiên, theo cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, nếu xét từ góc độ vị trí, vai trò của công chứng viên đối với sự ổn định, an toàn của các hợp đồng, giao dịch ngày càng có quy mô lớn, diễn ra thường xuyên và phức tạp trong đời sống kinh tế - xã hội thì quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên và hành nghề công chứng hiện nay vẫn chưa thực sự chặt chẽ.

Hơn nữa, theo Bộ Tư pháp, lý do cần sửa đổi toàn diện Luật Công chứng hiện hành là bởi hoạt động công chứng ở Việt Nam còn có điểm chưa phù hợp, chưa bảo đảm điều kiện cần thiết đáp ứng các yêu cầu đặt ra để thực hiện công chứng nội dung. Bên cạnh đó, công chứng viên của Việt Nam hiện nay hầu như chỉ dựa vào giấy tờ, tài liệu do người yêu cầu công chứng cung cấp để xác định tính xác thực, hợp pháp của hồ sơ yêu cầu công chứng chứ chưa xác minh thực tế, đánh giá về thực trạng chủ thể, đối tượng, nội dung mà các hợp đồng, giao dịch đề cập.

Mặt khác, trong lĩnh vực chứng thực, pháp luật hiện hành giao phòng tư pháp, UBND cấp xã có quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục chứng thực lại đơn giản hơn nhiều so với công chứng.

Bộ Tư pháp cho rằng tình trạng này tạo ra sự bất hợp lý khi duy trì hai loại hình hoạt động có cùng bản chất, giá trị nhưng lại có hai tên gọi khác nhau, do các chủ thể khác nhau thực hiện theo các trình tự khác nhau. Đó là chưa kể việc tồn tại song song hai hệ thống công chứng và chứng thực đối với cùng một đối tượng là hợp đồng, giao dịch còn dẫn đến tình trạng không ít tài sản được giao dịch nhiều lần tại cùng một thời điểm mà không phát hiện ra, vì cơ sở dữ liệu về công chứng - chứng thực chưa có sự liên thông, kết nối.

Ngoài ra, phạm vi các giao dịch công chứng bắt buộc còn chưa thật rõ, quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Thời điểm có hiệu lực của giao dịch, hợp đồng phải công chứng quy định cũng chưa thống nhất; một số trình tự, thủ tục công chứng không còn phù hợp với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi cho tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp...

Bộ Tư pháp đánh giá chất lượng một số công chứng viên và người được giao làm nhiệm vụ công chứng còn chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, tính chuyên nghiệp chưa cao. Đặc biệt còn tình trạng vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận gây ảnh hưởng đến uy tín của nghề công chứng trong xã hội...

Việc không quy định giới hạn tuổi hành nghề công chứng dẫn đến tình trạng công chứng viên được bổ nhiệm khi đã cao tuổi, hoặc nhiều công chứng viên hành nghề trong tình trạng sức khỏe rất yếu nhưng không đủ cơ sở để miễn nhiệm.

Theo Bộ Tư pháp, thực tế cũng cho thấy pháp luật đã "sót" quy định đối với một số trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên nên có không ít người được bổ nhiệm nhưng không hành nghề…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tư pháp muốn thay đổi những bất cập trong Luật Công chứng