Bộ Y tế cho rằng công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân do người dân chưa chịu hợp tác với chính quyền và ngành y tế trong phòng chống dịch cũng như chưa ý thức trong việc phòng ngừa dịch bệnh.

Bộ Y tế lo lắng vì người dân chưa hợp tác với ngành y tế để chống dịch

11/06/2019, 15:14

Bộ Y tế cho rằng công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân do người dân chưa chịu hợp tác với chính quyền và ngành y tế trong phòng chống dịch cũng như chưa ý thức trong việc phòng ngừa dịch bệnh.

Nhiều nơi người dân vẫn chưa ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh - Ảnh: PV

Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019 diễn ra hôm nay (11.6), Bộ Y tế cho biết hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Các bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng tiếp tục ghi nhận số mắc cao, gây ảnh hưởng nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Riêng bệnh sởi vẫn ghi nhận mắc tại 181/194 quốc gia và vùng lãnh thổ, số trường hợp mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300%, bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia như Mỹ, Madagascar, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều quốc gia trước đây đã công bố loại trừ bệnh sởi.

Tại Việt Nam dù đã ngăn chặn được các bệnh nguy hiểm, mới nổi như: MERS-CoV, bệnh cúm A(H7N9) cũng như kiểm soát được các bệnh sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng nhưng hiện nay bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tăng cục bộ tại nhiều tỉnh, thành phố, số mắc sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố.

Riêng công tác tiên chủng, sau 30 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng đã duy trì và tỷ lệ tiêm chủng cao trên 95%, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và bảo vệ thành công kết quả này từ đó đến nay.

Việt Nam đã loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết và đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét, bệnh sởi, bệnh dại và khống chế bệnh rubella.

Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm trên thế giới có khả năng xâm nhập vào nước ta. Các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết có thể gia tăng.

Bộ Y tế cho rằng sở dĩ có những nguy cơ trên, ngoài những yếu tố khách quan, còn có yếu tố chủ quan trong công tác phòng chống dịch của người dân. “Một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong công tác phòng chống dịch, chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy), chưa đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế”, đại diện Bộ Y tế tỏ ra lo lắng.

Theo Bộ Y tế trong năm 2019 này công tác phòng chống dịch bệnh tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Bộ Y tế sẽ tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để có chỉ đạo kịp thời, giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch, triển khai các hoạt động phòng dịch chủ động, các chiến dịch tiêm vắc xin tại những nơi có nguy cơ cao.

Trong công tác điều trị sẽ đẩy mạnh các hoạt động giảm tử vong, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trong đó tập trung vào việc phòng nhiễm khuẩn bệnh viện, lây nhiễm chéo, phân luồng, phân tuyến, cách ly trong điều trị, tăng cường công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, rà soát, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị tại bệnh viện. Tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác chăm sóc và điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh các tuyến; chuẩn hóa các phương pháp kỹ thuật cũng như hệ thống giám sát báo cáo và phòng chống dịch bệnh từ trung ương đến cơ sở…

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đặc biệt là thực hiện tốt về tiêm chủng phòng bệnh và an toàn tiêm chủng. "Các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng. Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như: trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm”, Bộ Y tế kêu gọi người dân.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Y tế lo lắng vì người dân chưa hợp tác với ngành y tế để chống dịch