Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 51 tuổi bị biến chứng áp xe do bơm silicon không rõ nguồn gốc vào bàn tay.

Bơm silicon tạo bàn tay búp măng, sau 20 năm gây biến chứng

Thanh Ngọc | 12/07/2023, 11:11

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 51 tuổi bị biến chứng áp xe do bơm silicon không rõ nguồn gốc vào bàn tay.

Cách đây 20 năm, bà Đ.T. D. C. (51 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) có tiêm silicon vào bàn tay với mục đích tạo tay búp măng. Bà C. đã phẫu thuật nạo silicon khoảng 10 năm trước nhưng phần silicon này chưa được lấy ra hết.

1.jpg
Bàn tay của người bệnh bị sưng tấy, đau nhức nhiều - Ảnh: Thanh Ngọc

Thời gian gần đây, 2 bàn tay của bà C. sưng tấy, đau nhức nhiều gây hạn chế vận động nên ngày 9.7 đã đến khám tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long. Người bệnh được điều trị thuốc 1 tuần trước khi đến nhập viện để phẫu thuật.

Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe phần mềm 2 bàn tay sau tiêm silicon lỏng. Ê kíp bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật rạch áp xe, nạo vét silicon lỏng , tránh tình trạng chuyển biến xấu, có thể gây nhiễm trùng hoại tử da bàn tay. Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 60 phút. Sau 24 giờ, bệnh nhân đã ổn định, giảm sưng và giảm đau khi cử động bàn tay, được xuất viện theo dõi tái khám ngoại trú.

Ths.BS Võ Hồng Phúc, Chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Khoa Liên chuyên khoa – Điều trị trong ngày, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: “Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chất làm đầy khác nhau, trong đó chỉ một số ít chất làm đầy được Bộ Y tế cho phép sử dụng.

2.jpg
Bác sĩ khám cho bệnh nhân trước phẫu thuật - Ảnh: Thanh Ngọc

Trước đây, silicon lỏng là chất làm đầy hay được dùng để bơm đầy các khoảng khuyết dưới da và phục vụ nhu cầu trong thẩm mỹ để tân trang nhan sắc. Tuy nhiên năm 1995, Bộ Y tế đã cấm tiêm silicon trực tiếp vào các bộ phận trong cơ thể do ghi nhận nhiều biến chứng nguy hiểm”.

Theo các bác sĩ, khi bơm (hoặc tiêm) silicon để tăng thể tích có thể gây biến chứng ngay khi tiêm như sốc phản vệ gây tử vong, tắc mạch gây thiếu máu nuôi dưỡng bộ phận được tiêm vào như mắt, mũi, môi… gây ra hoại tử các bộ phận đó.

Về lâu dài, vùng tiêm có thể bị viêm tấy, nhiễm khuẩn và tạo các u hạt gây biến dạng hình thể. Đặc biệt, silicon lỏng có thể di chuyển khắp các mô, gây nhiều khó khăn khi muốn phẫu thuât loại bỏ.

Việc tiêm silicon lỏng vào bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể để làm đẹp đều nguy hiểm. Bên cạnh đó, khách hàng còn đối mặt nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêm chích như viêm gan siêu vi, HIV... nếu cơ sở thực hiện không đảm bảo điều kiện vô trùng.

Biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ là việc không ai mong muốn, trường hợp không may sau làm đẹp xảy ra biến chứng, người bệnh cần tới ngay các bệnh viện, phòng khám uy tín có chuyên khoa thẩm mỹ để được điều trị kịp thời.

Qua trường hợp này, mọi người cần lưu ý phẫu thuật thẩm mỹ với các tác động xâm lấn vào cơ thể đòi hỏi cơ sở làm đẹp phải được cấp phép và phẫu thuật viên phải có giấy phép hành nghề về lĩnh vực thẩm mỹ; các chất tiêm vào cơ thể phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để tránh hậu quả khôn lường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bơm silicon tạo bàn tay búp măng, sau 20 năm gây biến chứng