Thông thường, sau khi đổ vỡ hay thất vọng chuyện tình cảm, thoạt tiên ta giận, rồi buồn, lo sợ và cuối cùng là đau khổ. Tuy nhiên mỗi người có thể trải nghiệm những cảm xúc này theo một trật tự khác.

Bốn cảm xúc trong quá trình hàn gắn vết thương tình cảm

Trí Việt | 08/02/2021, 12:03

Thông thường, sau khi đổ vỡ hay thất vọng chuyện tình cảm, thoạt tiên ta giận, rồi buồn, lo sợ và cuối cùng là đau khổ. Tuy nhiên mỗi người có thể trải nghiệm những cảm xúc này theo một trật tự khác.

Lòng còn cảm giác giận dữ hay phiền muộn nghĩa là ít nhiều ta vẫn chưa quên được chuyện cũ. Nếu chỉ thấy sợ hãi và đau đớn, tức là ta chưa thực sự cởi mở đón nhận những tình cảm mới đang chờ đợi mình. Từng cảm xúc này đều có ý nghĩa quan trọng, giúp ta cho qua chuyện cũ để có thể gượng dậy làm lại từ đầu.

Cảm xúc đầu tiên: Giận dữ

Tức giận là cảm xúc đầu tiên khi ta nhìn nhận sự việc xảy ra ngoài ý muốn của mình. Đó là lúc tình cảm trong lòng không được toại nguyện và cũng là dấu hiệu báo động buộc ta phải ngừng lại, điều chỉnh bản thân trước thực tế cuộc sống. Khi mất mát tình cảm, nếu cứ cố nén cơn giận, ta dễ rơi vào trạng thái tê liệt cảm xúc, trở nên vô hồn và lạnh nhạt với tất cả. Giận dữ giúp ta thoát khỏi cảm giác thờ ơ, từ đó có thể kết nối lại cảm xúc nồng nàn với tình yêu và cuộc sống.

Cơn giận qua rồi, ta lại có thể thoát khỏi mối ràng buộc với những ước muốn quá khứ để bắt đầu nuôi dưỡng những kỳ vọng và ước mơ mới. Một tâm hồn với bao khao khát tự nhiên, vô tư như vậy mới có thể mở ra cánh cửa mới. Thay vì tìm kiếm trong tuyệt vọng rằng “Mình chỉ cần tình yêu của người ấy mà thôi”, trong ta sẽ ngân vang những tiếng gọi mới “Mình muốn được yêu thương”. Ẩn sau khao khát đó là khả năng nhận biết, trân trọng những tình cảm yêu thương và hỗ trợ mới đang tìm đến ta.

Buồn phiền

Chuyện xảy ra không như mong muốn khiến ta cảm thấy buồn lòng. Sau tổn thương, nếu không cho phép trái tim có những khoảng lặng phiền muộn, ta sẽ không thể điều chỉnh kỳ vọng đúng theo thực tại của mình. Nỗi buồn liên hệ cảm xúc với khả năng yêu thương, khiến ta thêm trân trọng và tận hưởng những gì đang có. Trong khi sự giận dữ có tác dụng chầm chậm hồi sinh niềm đam mê cuộc sống trong ta thì nỗi buồn khiến ta có thể mở cửa trái tim đón nhận tình yêu ngọt ngào lần nữa.

Sau nỗi buồn, ta gạt bỏ sự phản kháng bướng bỉnh trước thực tại và dần dần biết chấp nhận mất mát. Đây là cơ sở để điều chỉnh kỳ vọng bản thân. Biết nhìn lại và cảm nhận những sắc thái mơ ước của mình có ý nghĩa quan trọng với việc xác định lại kỳ vọng. Vị trí “độc tôn” của người xưa giờ đây được thay thế bằng nhu cầu được sống trong yêu thương. Phía sau mong đợi vô tư đó là sự tự tin, quyết đoán giúp ta thực hiện mơ ước lòng mình.

quote-dan-ong-sao-hoa-02.jpg

Sợ hãi

Sợ hãi là cảm giác khi ta nhìn nhận sự việc có thể xảy ra ngoài ý muốn của mình. Cảm giác sợ hãi và khả năng phản kháng khi gặp chuyện không may sẽ giúp ta nhận ra điểm yếu của bản thân. Từ sự thừa nhận, ta nhìn rõ nhu cầu cũng như tiềm lực của mình. Đồng thời có thể cởi mở đón nhận sự hỗ trợ cần thiết để trái tim tràn đầy dũng khí và cảm giác biết ơn.

Khi lòng nguôi ngoai nỗi lo sợ, ta mới có thể thích nghi với nhu cầu thực tế. Thay vì cứ đòi hỏi những gì mãi mãi không thuộc về mình, giờ đây ta nhận ra mình cần được yêu thương và giúp đỡ. Cũng từ đó, ta có thêm quyết tâm và sức mạnh để tìm lại tình yêu.

Và đau khổ

Đau khổ là sự chiêm nghiệm điều không thể xảy ra như ý mình muốn. Đó là sự thừa nhận điều mình ao ước không thể nào thành hiện thực. Cảm giác này rất quan trọng nếu ta muốn thật sự thoát khỏi ràng buộc với chuyện xưa. Đau khổ cũng là cách thừa nhận sự bất lực của bản thân trước những sự việc đã xảy ra. Suy tư về điều không thể sẽ giúp ta chuyển sự tập trung vào những gì nằm trong khả năng của mình. Có như thế ta mới nhận được sự thương cảm cần thiết để hàn gắn vết thương và trái tim sống lại cảm hứng yêu thương. Cuối cùng, sau đau buồn sẽ là cảm giác thanh thản.

Phiền muộn qua đi, ta lại có thể rũ bỏ những kỳ vọng xa xưa để trái tim sáng lên tia hy vọng mới - hy vọng được yêu thương. Phía sau mong ước mới mẻ ấy là thiện chí và động lực xây dựng lại quan hệ tình cảm. Khi tia hy vọng hé mở cũng là lúc ta bắt đầu thoát khỏi bóng đêm tuyệt vọng.

Nhận biết các cảm xúc hàn gắn vết thương tâm hồn như trên giúp ta hiểu hết tình cảm bản thân để trái tim thực sự liền vết. Một cảm xúc bị xao lãng, kiềm nén có thể làm chậm lại hoặc gây cản trở quá trình tìm kiếm sự thanh thản của tâm hồn. Đau lòng vì mất mát đúng nghĩa đòi hỏi lý trí cho phép trái tim cảm nhận trọn vẹn từng cảm xúc trên.

Theo Đàn ông sao Hỏa đàn bà sao Kim – Tìm lại tình yêu - First News

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bốn cảm xúc trong quá trình hàn gắn vết thương tình cảm