Chính xác là phải nói bóng đá từ SEAP Games 1959 đến SEA Games 2023 để thấy và hiểu rõ hơn sự khác biệt rất lớn ở nội dung môn bóng đá, từ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ nhất tổ chức tại Thái Lan (tháng 12.1959) đến Đại hội lần thứ 32 sẽ diễn ra tại Campuchia (ngày 8 - 19.5.2023).

Bóng đá SEA Games: Xưa và nay

Đặng Hoàng | 06/04/2023, 12:50

Chính xác là phải nói bóng đá từ SEAP Games 1959 đến SEA Games 2023 để thấy và hiểu rõ hơn sự khác biệt rất lớn ở nội dung môn bóng đá, từ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ nhất tổ chức tại Thái Lan (tháng 12.1959) đến Đại hội lần thứ 32 sẽ diễn ra tại Campuchia (ngày 8 - 19.5.2023).

vietnam(1).jpg

Cập nhật bài xuất bản

Ngày 22.5.1958, các nước Đông Nam Á tham dự Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 3 ở Tokyo (Nhật Bản), Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan khi đó là Laung Sukhumnaipradit đã đề xuất và được các nước Đông Nam Á đồng thuận thành lập một tổ chức thể thao của Đông Nam Á với tên gọi là Liên đoàn Thể thao bán đảo Đông Nam Á (The South East Asian Peninsular Games Federation - SEAP Games Federation) với 7 thành viên: Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam (Cộng hòa).

Hai năm một lần, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á tổ chức đại hội thể thao khu vực vào các năm lẻ với mục đích: Tăng cường tình hữu nghị, tình đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN; Nâng cao không ngừng thành tích, kỹ thuật, chiến thuật các môn thể thao cho vận động viên để có cơ sở tham gia Đại hội Thể thao châu Á và Olympic quốc tế.

Năm 1975, những biến động về chính trị ở bán đảo Đông Dương đã khiến cho SEAP Games 8, được tổ chức ở Thái Lan, chỉ có 4 quốc gia thành viên dự tranh. Trước tình hình này, SEAP Games Federation quyết định mở rộng thêm một số thành viên mới: Indonesia, Philippines và Brunei. Kể từ năm 1977, đại hội tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) được mang tên SEA Games lần thứ 9.

Năm 1991, sau 16 năm gián đoạn, thể thao Việt Nam của quốc gia thống nhất Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hội nhập trở lại gia đình SEA Games. Đến năm 2003, khi Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức, SEA Games Federation đón nhận thêm thành viên mới, thành viên thứ 11: Timor-Leste.

Lịch sử và mục đích ra đời Đại hội thể thao Đông Nam Á là vậy và tôn chỉ đó cho đến hôm nay gần như không thay đổi. Nhưng với riêng môn bóng đá, để hòa nhập với sự phát triển chung của bóng đá thế giới, từ SEAP Games 1959 đến SEA Games 2023 đã có những biến chuyển tích cực!

Bóng đá SEA Games "xưa" (1959-1999): Đội tuyển quốc gia

Xuyên suốt 40 năm, nội dung bóng đá của Olympic Đông Nam Á là dành cho đội tuyển quốc gia. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ đồng bộ trên toàn thế giới bóng đá, ngày càng có nhiều giải quốc tế giao hữu được tổ chức, các châu lục đều có giải vô địch riêng đồng thời có thêm những đợt FIFA Days định kỳ hằng năm dành cho đội tuyển quốc gia, nên bóng đá Olympic Đông Nam Á cũng buộc phải thay đổi.

Đặc biệt với sự ra đời Giải vô địch Đông Nam Á lần thứ nhất tại Singapore năm 1996, đồng thời giải cũng được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn, SEA Games Federation buộc phải thay đổi quy định môn bóng đá, bởi các thành viên khu vực Đông Nam Á không thể năm nào cũng cử đội tuyển quốc gia để tranh bộ huy chương tại SEA Games cũng như chiếc cúp vô địch tại giải Đông Nam Á.

Do đó, từ SEA Games 2001 - 2015 và năm 2021, giống như Olympic mùa hè của thế giới, môn bóng đá nam ở Olympic Đông Nam Á giới hạn độ tuổi là U.23 và mỗi đội tuyển được tăng cường tối đa 3 cầu thủ trên tuổi 23.

Tại các SEA Games 2017, 2019 chỉ dành cho đối tượng U.22, mỗi đội cũng được tăng cường tối đa 3 cầu thủ trên 22 tuổi.

Đến SEA Games 2023, cuộc tranh huy chương vàng ở môn bóng đá chỉ còn dành cho các cầu thủ U.22.

Bóng đá thời HLV Park Hang-Seo: Ăn hết của để dành

Nhắc, nhớ lại lịch sử bóng đá từ SEAP Games 1959 đến SEA Games 2023 để chúng ta - những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, biết rõ hơn giá trị về 3 chiếc Huy chương vàng tại SEAP Games 1959 và SEA Games 2019, 2021 của bóng đá Việt Nam (BĐVN).

Nếu như lần đầu tiên đoạt Huy chương vàng với cấp độ đội tuyển quốc gia thì Việt Nam cũng chỉ tranh tài với 3 đội tuyển: Myanmar, Malaysia cùng nước chủ nhà Thái Lan.

Với 2 HCV còn lại năm 2019, 2021, dù với đội U.22 hay U.23, thì Việt Nam sử dụng đủ quy định của giải: tăng cường 3 cầu thủ lớn hơn tuổi quy định. Đã vậy cả 3 đều là tuyển thủ chủ lực của đội tuyển quốc gia, đồng thời 3 tuyển thủ này đều đảm nhận ở những vị trí mà từ đội U.22 năm 2019 đến U.23 năm 2021 đều yếu.

vietnam.jpg
Việt Nam đã 2 lần vô địch SEA Games liên tiếp

Chính xác hơn là 3 cầu thủ đội tuyển Việt Nam được tăng cường để san lấp các lỗ hổng và giúp 2 đội tuyển U.22 và U.23 Việt Nam mạnh hơn trong tấn công cũng như vững chắc hơn trong phòng ngự.

Từ những chi tiết này, chúng tôi không đưa ra cái nhìn tiêu cực mà thay vào đó là để cảnh tỉnh: chúng ta đừng quá bay bổng về 2 Huy chương vàng liên tiếp mà BĐVN đoạt được tại SEA Games 30, 31!

Cũng đừng quên, 2 chiếc HCV này dưới thời HLV Park Hang-seo mà như Một Thế Giới đã nhiều lần phân tích, nhận định và kết luận: ông Park là HLV giỏi nhưng ông đến Việt Nam làm việc đúng thời điểm BĐVN có một thế hệ cầu thủ trẻ xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đồng thời sự phát triển của BĐVN có sự đóng góp rất lớn, rất quan trọng của toàn xã hội.

Ngày ông Park đến Việt Nam, mùa bóng 2018, V-League có 14 đội, đến năm 2022 còn 13 đội và khi ông Park đi, V-League 2023 có 14 đội. Với giải Hạng nhất, năm 2018 có 10 đội dự tranh, sau đó có 12 đội liên tục từ 2019 đến 2022 và năm 2023 chỉ còn 10 đội.

Có nghĩa BĐVN từ 2018 thăng hoa trùng khớp với 5 năm làm việc ở Việt Nam của ông Park Hang-seo là giai đoạn BĐVN được thừa hưởng sự đầu tư từ nhiều năm trước. Đến khi ông Park ra đi vào đầu năm 2023, BĐVN đang trong giai đoạn đi xuống vì đã tiêu xài gần hết... của để dành.

Đó là chưa nói đến thực tế: chất lượng cùng uy tín, thương hiệu của hai giải đỉnh cao trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam là V-League, Hạng nhất đang xuống dần đều qua từng năm.

Cần nhớ thêm rằng, thời ông Park, các tuyển thủ U.22 cũng như U.23 Việt Nam dự SEA Games đa phần là những tuyển thủ đã thi đấu ở V-League, nhiều kinh nghiệm thi đấu từ môi trường đỉnh cao trong nước đến quốc tế, đã vậy còn được tăng cường 3 tuyển thủ chất lượng cao ngoài độ tuổi quy định, thì hoàn toàn ngược lại dưới thời tân HLV Philippe Troussier.

Sự khác biệt đó là gì?

Đội tuyển BĐVN giờ đây không còn ưu thế hơn đối thủ nặng ký Thái Lan khi tất cả các đội đều như nhau: chỉ dành cho các cầu thủ U.22.

Gần như tuyệt đối, các cầu thủ U.22 Việt Nam chưa được thi đấu ở V-League, đồng thời quá ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Trong khi đó các tuyển thủ U.22 Thái Lan không chỉ đa số thi đấu ở Thai-League chất lượng hơn V-League về mọi mặt mà còn có những cầu thủ khoác áo đội tuyển quốc gia.

Trước thực tế này, cho dù đến SEA Games 32 với tư cách là đương kim vô địch, nhưng đội tuyển BĐVN dưới thời HLV Philippe Troussier sẽ khó khăn hơn rất nhiều không chỉ với Thái Lan mà còn phải kiêng dè trước Indonesia, Malaysia, Singapore…

Đó là sự khác biệt rất lớn của BĐVN tại SEA Games giữa hai HLV: ngày trước Park Hang-seo và ngày nay Philippe Troussier!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng: Không hủy thì ế hàng, mục tiêu hạ nhiệt thị trường vàng thất bại
Ngân hàng Nhà nước mở 4 phiên đấu thầu vàng, nhưng hủy đến 3 lần. Một phiên đấu thầu diễn ra thì cũng chỉ bán được 20% số vàng chào thầu cho 2 đơn vị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá SEA Games: Xưa và nay