Chúng ta cũng nên áp dụng việc này với các CLB tại V-League, không thể dùng tiền chuyển nhượng và quỹ lương thâm quá sâu ngân sách của CLB.

Bóng đá Việt Nam cũng cần luật công bằng tài chính!

Đặng Hoàng | 09/02/2023, 12:25

Chúng ta cũng nên áp dụng việc này với các CLB tại V-League, không thể dùng tiền chuyển nhượng và quỹ lương thâm quá sâu ngân sách của CLB.

Thế giới bóng đá những ngày gần đây xôn xao câu chuyện Man City bị cáo buộc tới hơn 100 vi phạm các quy tắc tài chính của Premier League trong khoảng thời gian 2009-2018. Man City bị nghi ngờ không minh bạch về thu nhập của cầu thủ và HLV. Nếu các cáo buộc trên được chứng minh, "The Citizens" có thể bị phạt trừ điểm, tước chức vô địch hay thậm chí bị loại khỏi giải Ngoại hạng Anh.

Lần này, cơ quan quản lý bóng đá Anh đang làm rất mạnh để thực hiện công bằng tài chính. Việc áp dụng công bằng tài chính là một cách để duy trì sự cạnh tranh công bằng hơn giữa các CLB, tránh để một vài đội bóng có những ông chủ thích vung tiền làm lũng đoạn nền bóng đá. Một khi nền bóng đá bị lũng đoạn, lạm phát trong vấn đề chuyển nhượng, lương thưởng dành cho cầu thủ sẽ tăng phi mã, các CLB nhỏ ngày càng nghẹt thở, trong khi các CLB lớn ngày càng phụ thuộc vào túi tiền của ông chủ. Đến một ngày khi các ông chủ không chịu nổi gánh nặng tài chính và rút chân thì nền bóng đá sẽ khủng hoảng.

Từ câu chuyện luật công bằng tài chính ở làng bóng đá Anh, chúng ta cũng thấy có mối liên hệ với bóng đá Việt Nam trong những năm gần đây.

Bóng đá Việt Nam - có một điều cần khẳng định là dù đi lên chuyên nghiệp đã hơn 20 năm, nhưng thực tế chưa nuôi được các CLB. Tiền vé, tiền bản quyền truyền hình hay tiền bán quảng cáo tuy có nhưng thu không đủ chi. Thậm chí, có CLB còn phải mở cửa tự do mà khán giả còn chưa lấp kín được nửa sân. Còn tiền từ các hoạt động kinh doanh như bán áo đấu và đồ lưu niệm, rõ ràng là quá… xa vời!

Đội bóng đều sống nhờ tiền từ các ông bầu, tài trợ của doanh nghiệp nhưng không phải là mãi mãi. Có khá nhiều CLB ở Việt Nam từng làm mưa làm gió khi "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" nhưng rồi sau đó suy tàn nhanh chóng khi các doanh nghiệp hậu thuẫn rút khỏi bóng đá. Chúng ta chưa quên bài học CLB Quảng Ninh cho thấy, nếu nợ lương, thưởng, phí chuyển nhượng quá hạn và không có khả năng quyết toán, VFF sẽ không cấp phép cho CLB tham dự, đồng thời CLB đó sẽ bị xóa tên trên bản đồ bóng đá đỉnh cao của Việt Nam.

Sắp tới, giải bóng đá Hạng nhất Quốc gia 2023 sẽ khai mạc. Tuy nhiên đến gần sát giờ G, CLB Cần Thơ vẫn chưa đăng ký tham dự và đối diện nguy cơ bỏ giải khi không có nhà tài trợ.

Theo đà phát triển chung của thế giới, để phát triển bóng đá Việt Nam lâu dài và ổn định, rất cần nghĩ và áp dụng luật công bằng tài chính. Ở châu Âu, khi áp dụng đạo luật này, các đội bóng không được phép nhận quá nhiều tiền từ ông chủ và được phép chịu lỗ không quá 30 triệu euro trong 3 năm. Nếu vi phạm thì sẽ bị xử tùy theo mức độ vi phạm để các CLB không thể chơi kiểu vung tiền mua hết ngôi sao của giải đấu.

hagl.jpg
HAGL và SLNA là 2 trung tâm đào tạo bóng đá trẻ bài bản của Việt Nam - Ảnh: Vietnam+

Chúng ta cũng nên áp dụng việc này với các CLB tại V-League, không thể dùng tiền chuyển nhượng và quỹ lương thâm quá sâu ngân sách của CLB. Làm như vậy không chỉ để tránh những trường hợp đáng tiếc như Quảng Ninh mà còn để khuyến khích các CLB phát triển bóng đá trẻ. Ví dụ như HAGL hay SLNA vẫn là những CLB thực hiện rất thực chất việc phát triển các tài năng trẻ làm trụ cột cho CLB tại V-League. Với sức khỏe tài chính lành mạnh thì các cầu thủ rất yên tâm thi đấu cho CLB và cả sau khi giải nghệ.

Nếu chúng ta sớm áp dụng luật công bằng tài chính thì sẽ có nhiều mô hình như HAGL hay SLNA, và khi đó, chắc chắn các CLB sẽ phải quan tâm đến công tác phát hiện, đào tạo trẻ... Như thế từ CLB cho đến đội tuyển quốc gia đều được hưởng lợi.

Ngược lại, nếu chỉ mãi dựa vào những ông bầu sẵn tiền mua cầu thủ giá cao lấp đội hình như Man City thì bóng đá Việt Nam liệu có bền vững?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá Việt Nam cũng cần luật công bằng tài chính!