Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa đề xuất 2 phương án xử lý trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, trong đó có phương án di dời trạm thu phí lên Quốc lộ 2 tuyến tránh Vĩnh Yên.

BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài bị phản đối nhiều năm: Hướng xử lý thế nào?

Lam Thanh | 17/06/2022, 09:00

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa đề xuất 2 phương án xử lý trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, trong đó có phương án di dời trạm thu phí lên Quốc lộ 2 tuyến tránh Vĩnh Yên.

Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, Bộ GTVT đã tổ chức họp bàn về trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài và có đưa ra phương án xử lý, sau khi đại biểu quốc hội tiếp tục có ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Huyện cho hay, trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài trước đây quy định là đặt đâu cũng được, thu hồi vốn để trả nhà đầu tư. Đến năm 2012, Bộ GTVT đề nghị di dời trạm thu phí này, tuy nhiên Chính phủ không đồng ý vì về mặt pháp lý thời điểm đó vị trí của trạm này không sai quy định.

Ngoài ra, theo hợp đồng ký kết giữa nhà đầu tư BOT và nhà nước, đúng ra từ năm 2012 phải tăng mức phí thu lên 1,5 lần nhưng thực tế đã không tăng.

Thêm nữa, khi cầu Nhật Tân đưa vào khai thác, doanh thu của trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài chỉ đạt 38%, giảm 60%. Trong khi theo quy định nếu sau 2-3 năm giảm 10% liên tục sẽ được điều chỉnh tăng thời gian thu phí.

Từ thực tế doanh thu, số thu như hiện nay, Tổng cục Đường bộ đề xuất kéo dài thời gian thu phí thêm 10 năm so với hợp đồng, tức tới năm 2035.

bot2.jpg
Đề xuất 2 phương án xử lý BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài

Sau khi Quốc hội có ý kiến, ngày 15.6, Bộ GTVT đã họp và Tổng cục đề xuất 2 phương án đối với trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài.

Phương án 1 là đàm phán với nhà đầu tư đưa trạm thu phí lên tuyến tránh Vĩnh Yên vì hiện trạm BOT Quốc lộ 2 đã dừng thu phí, đồng thời tăng mức phí từ 10.000 đồng/xe/lượt lên 25.000 đồng/xe/lượt để rút ngắn thời gian thu hoàn vốn cho dự án. Việc này phải đàm phán với nhà đầu tư và không thể dùng mệnh lệnh hành chính.

Phương án 2 là đề xuất Chính phủ dùng ngân sách nhà nước mua lại của nhà đầu tư.

Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Tuyến đường do Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 đầu tư với tổng số vốn 531 tỉ đồng.

Dự án chính thức thu phí từ năm 2009, dự kiến dừng thu phí vào năm 2025, và được tăng phí từ mức 10.000 đồng/lượt lên 15.000 đồng/lượt từ năm 2012. Tuy nhiên, do không được tăng phí và số lượng xe sụt giảm, thời gian thu phí dự án này phải kéo dài tới hết năm 2035.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, sáng 9.6, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) đặt câu hỏi: Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, các trạm BOT khi đã hoàn vốn sẽ hoàn thu phí. Cách đây hơn 2 năm, Bộ trưởng đã trả lời về nội dung kiến nghị bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt.

“Đây là trạm thu phí gây nhiều bức xúc cho người dân vì vị trí đặt không đúng. Đến nay trạm vẫn hoạt động bình thường. Vậy Bộ trưởng cho biết, bao giờ trạm được chính thức dỡ bỏ? Lời hứa của Bộ trưởng đối với người dân được các ĐBQH chuyển đến thì cần phải được giám sát từ những việc rất nhỏ cho đến dự án lớn của quốc gia”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu vấn đề.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa nhận dự án trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài có nhiều bức xúc ở TP.Hà Nội. Bộ đã có những phương án kết thúc trạm thu phí BOT này.

"Tuy nhiên, thời điểm tôi trả lời đại biểu Hiếu là khi doanh thu của BOT đang tốt. Vừa qua do COVID-19 doanh thu sụt giảm. Các trạm BOT trước đây ký hợp đồng là có điều chỉnh, tức là khi doanh thu tăng thì dự án giảm thời gian thu phí 5 năm, 3 năm. Còn những dự án khó khăn chúng ta phải điều chỉnh để làm sao đảm bảo hài hòa", ông Thể trả lời.

Ông Thể phân tích, không áp dụng theo luật PPP nhưng trong các điều khoản hợp đồng đều nêu: "Có khó khăn, vướng mắc, có các điều kiện, giám sát phối hợp để làm sao xử lý". Ông khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Hiếu, rà soát để đảm bảo công bằng giữa nhà đầu tư và người dân.

"Chúng tôi là cơ quan nhà nước, cũng không có quyền lợi gì ở trong này, nhưng phải giám sát để làm sao người dân không thiệt và nhà đầu tư thực hiện đúng hợp đồng", Bộ trưởng Thể phân trần và "mong đại biểu thông cảm, bởi đã trình bày sự thật". Bộ GTVT đang kiểm tra trạm BOT này, khi đủ điều kiện hợp đồng sẽ dừng ngay.

Được biết, nhiều năm qua, nhiều cử tri ở Hà Nội bày tỏ bức xúc trước việc thu phí cho dự án tuyến tránh TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng lại đặt trạm thu phí trên đường thuộc địa phận Hà Nội.

Giữa năm 2018, UBND TP.Hà Nội đã kiến nghị Bộ GTVT xóa bỏ trạm thu phí này, tuy nhiên, Bộ cho rằng thẩm quyền quyết định thuộc Chính phủ. Bộ từng hai lần kiến nghị Chính phủ bỏ trạm BOT và được Chính phủ yêu cầu tiếp tục thu phí theo đúng nội dung hợp đồng đã ký kết với nhà đầu tư.

Bài liên quan
Chatbot SARAH của WHO đưa ra những câu trả lời kỳ lạ, thiếu dữ liệu cập nhật
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang bước vào thế giới trí tuệ nhân tạo (AI) để cung cấp thông tin sức khỏe cơ bản thông qua hình đại diện giống con người. Dù phản ứng đồng cảm với biểu hiện khuôn mặt của người dùng, chatbot SARAH của WHO không phải lúc nào cũng biết mình đang nói gì.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài bị phản đối nhiều năm: Hướng xử lý thế nào?