Hãng tin AP nhận định, tiến bộ lớn trong điều trị ung thư thời gian tới có thể là vắc xin.
Sau nhiều thập kỷ chỉ đạt thành công hạn chế, giới khoa học tin rằng hoạt động nghiên cứu đang đứng trước một bước ngoặt. Nhiều người dự đoán trong vòng 5 năm sẽ có nhiều vắc xin ra mắt.
Chúng không phải vắc xin truyền thống ngăn mắc bệnh, mà là vắc xin làm teo khối u và ngăn ung thư quay lại. Phương pháp điều trị này được báo cáo có hiệu quả với ung thư da hắc tố cùng ung thư tuyến tụy; ung thư vú và ung thư phổi nằm trong số mục tiêu tiếp theo.
Ngày nay, các nhà khoa học đã hiểu cách thức ung thư trốn tránh hệ miễn dịch. Vắc xin mới giúp tăng cường hệ miễn dịch để tìm và tiêu diệt tế bào ung thư – một số loại sử dụng công nghệ mRNA từng dùng với COVID-19.
Tiến sĩ Nora Disis (Viện nghiên cứu Vắc xin ung thư thuộc trung tâm y tế UW Medicine) cho biết, muốn hiệu quả, vắc xin cần “huấn luyện” tế bào T trong hệ miễn dịch xem ung thư là mối nguy hiểm. Tế bào T sau khi được huấn luyện sẽ đi khắp cơ thể tiến hành săn lùng.
“Tế bào được kích hoạt giống như có chân vậy. Bạn có thể thấy chúng di chuyển qua mạch máu vào mô”, theo bà Disis.
Kathleen Jade biết mình bị ung thư vú vào cuối tháng 2 khi chỉ còn vài tuần nữa bà sẽ cùng chồng đi du lịch vòng quanh thế giới. Hiện bà nằm trên giường bệnh chờ liều vắc xin thử nghiệm thứ ba, chờ xem liệu nó có thành công làm khối u teo lại trước lúc phẫu thuật hay không.
“Ngay cả khi nó chỉ là một chút cơ hội, tôi vẫn thấy nó đáng giá”, Jade chia sẻ.
Phát triển vắc xin trị ung thư gặp rất nhiều thử thách. Nhà nghiên cứu Olja Finn (Trường Y thuộc Đại học Pittsburgh) cho biết, không ít nghiên cứu ban đầu thất bại vì ung thư vượt qua hệ miễn dịch và tồn tại lâu.
Nhưng thất bại đem lại kiến thức. Giờ đây, nhà nghiên cứu Finn tập trung vào bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn đầu vì vắc xin chẳng giúp được gì cho trường hợp nặng. Nhóm của bà lên kế hoạch phát triển vắc xin cho phụ nữ bị ung thư vú không xâm lấn.
Tại thành phố Philadelphia, Tiến sĩ Susan Domchek (Trung tâm Basser) tuyển 28 tình nguyện viên có đột biến BRCA - làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng - để thử vắc xin xử lý tế bào bất thường từ sớm.
Một số nhóm nhà khoa học khác phát triển vắc xin ngăn ung thư ở người có nốt phổi tiền ung thư hay các tình trạng di truyền làm tăng nguy cơ mắc ung thư khác.
Hai hãng dược Moderna và Merck hợp tác phát triển vắc xin mRNA dùng cho người có khối u ác tính, dựa trên nhiều đột biến trong mô ung thư của học để cho ra loại chuyên biệt.
Sản phẩm như vậy sẽ rất đắt đỏ vì gần như phải chế tạo vắc xin từ con số 0. Tiến sĩ Patrick Ott (Viện nghiên cứu Ung thư Dana-Farber) cho rằng, nếu chế tạo theo công thức thì vắc xin mRNA có thể rẻ đi rất nhiều.
Todd Pieper tham gia cuộc thử nghiệm vắc xin làm teo khối u ung thư phổi. Ung thư đã di căn lên não, ông hy vọng bản thân sống đủ lâu để chứng kiến con gái tốt nghiệp trường y vào năm tới.
Pieper nói về quyết định tham gia: “Tôi chẳng có gì để mất và đã có mọi thứ”.
Năm 34 tuổi, Jamie Crase - một trong số tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin trị ung thư buồng trứng - được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối. Bà nghĩ mình sắp qua đời nên lập di chúc để lại chiếc vòng cổ yêu thích cho người bạn thân.
Nay đã 50 tuổi, Crase còn sống và chẳng còn dấu hiệu gì của ung thư. Bà vẫn đeo chiếc vòng cổ.