Hơn 1.000 năm, cà phê từ thức uống trong những buổi cầu nguyện của người Hồi Giáo đã khởi tạo được một không gian văn hóa đặc thù. Trở thành loại hàng hóa làm thay đổi toàn bộ cục diện nền kinh tế các quốc gia và hiện nay là hàng hóa có giá trị lớn thứ 2 toàn cầu.

Cà phê: Nguồn gốc khởi sinh và hành trình chinh phục toàn cầu

12/06/2019, 17:27

Hơn 1.000 năm, cà phê từ thức uống trong những buổi cầu nguyện của người Hồi Giáo đã khởi tạo được một không gian văn hóa đặc thù. Trở thành loại hàng hóa làm thay đổi toàn bộ cục diện nền kinh tế các quốc gia và hiện nay là hàng hóa có giá trị lớn thứ 2 toàn cầu.

Món quà của thượng đế
Vào thế kỷ thứ 9, một cậu bé chăn dê ở vùng Kaffa thuộc lãnh thổ Ethiopia phát hiện đàn dê của mình sau khi ăn lá và quả của loài cây có hoa màu trắng, quả màu đỏ thì trở nên hưng phấn, chạy nhảy, hoạt động không biết mệt mỏi. Cậu bé tò mò nhai thử và cảm thấy tỉnh táo lạ thường. Quá kinh ngạc, cậu bé báo cho vị quản nhiệm ở một tu viện gần đó.

Vị tu sĩ sợ rằng đây là một thứ trái cấm của quỷ dữ nên lập tức vứt vào lò lửa. Thế nhưng, những quả màu đỏ kia cháy xém lại tỏa ra mùi thơm khiến tinh thần khoan khoái và tỉnh táo. Lúc này, vị tu sĩ tin rằng đây là món quà của Thượng đế ban tặng, và gọi thêm những tăng lữ khác đến. Họ đem hạt rang lên, giã nhỏ rồi pha vào nước uống để cùng hưởng thiên ân và bàn tán về những lời tiên tri vĩ đại có thể khai sáng trí khôn và giúp con người tỉnh táo thâu đêm suốt sáng. Vì đồi Kaffa là nơi đầu tiên phát hiện nên cây này được đặt tên là cây cà phê (caffe) và sau này tinh chất chiết xuất từ cà phê gọi là caffeine.

Trở thành hàng hóa thúc đẩy sự phát triển kinh tế

Sau khi người Ethiopia tìm ra cà phê, thứ thức uống này được người Hồi Giáo Sufi coi như nguồn năng lượng giúp đầu óc tỉnh táo trong những buổi cầu nguyện nửa đêm. Cuối thế kỷ 15, những người hành hương đã mang cà phê đi khắp thế giới hồi giáo ở Ottoman, Ba Tư, Ai cập, Bắc Phi, biến nó thành một sản phẩm mang lại lợi ích kinh tế.

Thiết lập không gian văn hóa mới

Với sự bành trướng của Đế quốc Ottoman, cà phê được ưa chuộng và phổ biến hơn. Giữa thế kỷ 16, quán cà phê đầu tiên được mở ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Những quán cà phê này được gọi là “Mekteb-i irfan” - trường học tri thức với các hoạt động chia sẻ thông tin về đời sống xã hội, giáo dục, chính trị…

Vai trò của Châu Á trong lịch sử cà phêNăm 1616, người Hà Lan lúc này đang thống trị thương mại hàng hải khắp thế giới, họ mang được một cây cà phê từ Eden (thành phố cảng của Yemen) về trồng ở Ceylon (Sri Lanka). Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu không phù hợp, họ thất bại trong cuộc thử nghiệm đầu tiên. Sau đó, người Hà Lan tiếp tục mang hạt cà phê quý giá trồng tại quần đảo Java-Indonesia. Cây cà phê phát triển tốt và mở rộng canh tác đến Sumatra, Celebes, Timor, Bali.

Chinh phục và làm thay đổi châu Âu

Du nhập vào châu Âu từ thế kỷ 17, thức uống đặc biệt của vùng Ả Rập gặp phải sự lên án mạnh mẽ của giáo sĩ Kito. Giáo hoàng Clement VIII đã nếm thử thức uống của người Hồi giáo và thốt lên: “Tại sao cái thức uống của quỷ Satan này lại quá tuyệt vời như vậy, thật là đáng tiếc nếu để cho những kẻ vô đạo được độc quyền sử dụng nó”. Tiếp đó, Giáo hoàng thực hiện nghi thức rửa tội và tuyên bố cà phê là thức uống của Cơ đốc giáo.

Băng Đại Tây Dương tiến vào Châu Mỹ

Năm 1714, cây cà phê được người Hà Lan dùng làm quà ngoại giao tặng vua Louis XIV của Pháp và được Pháp trồng trong Vườn Bách thảo Hoàng gia Paris. Một thuyền trưởng của Hải quân Pháp tên De Clieu đóng quân ở Martinique tình cờ đến thăm Paris. Ông đã mang cây cà phê giống đến vùng biển Caribbean, nơi có điều kiện trồng cà phê lý tưởng. Trải qua vô số thách thức: cướp biển, bão tố, khí hậu vùng xích đạo… trên hành trình vượt Đại Tây dương, cuối cùng cây cà phê đã bám rễ trên đất Martinique, chính thức được canh tác trên lãnh thổ Trung và Nam Mỹ.

Ngay từ khi xuất hiện, cà phê đã được xem là nguồn năng lượng sáng tạo, giúp con người tỉnh thức. Và trong suốt diễn trình lịch sử, từ khởi nguyên cho đến khi thành mặt hàng thông dụng nhất thế giới, cà phê là thức uống không thể thiếu trong cuộc sống sáng tạo không ngừng của loài người, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của mỗi xã hội. Nếu như trong lịch sử, cà phê đã được coi là chất xúc tác để tạo ra hầu hết các phát minh, sáng chế, thì ở xã hội hiện đại, cà phê thực sự đã được xem là nguồn năng lượng của bộ não, là máu của nền kinh tế trí thức, kinh tế sáng tạo của các xã hội.

Vòng quanh trái đất, từ Đông sang Tây, để rồi lan tỏa bốn phương tám hướng, cà phê đã hóa thân thành phong cách sống, quan niệm sống, lối sống, văn hóa sống, triết lý sống… mà nhiều người sẽ bất ngờ với những kết luận về quyền năng to lớn của cà phê đối với quá khứ, hiện tại, tương lai của nhân loại.

Cà phê có mặt ở khắp nơi và mọi mặt của đời sống. Ngay tại thời điểm đầu tiên, vào thế kỷ thứ 16, cà phê với sức quyến rũ của mình đã vượt qua được mâu thuẫn tôn giáo, phần nào làm các tôn giáo lớn xích lại gần nhau. Cà phê đã trở thành thức uống thông dụng nhất trên thế giới chỉ sau nước uống thông thường với mỗi ngày có hơn 2 tỉ người trên thế giới sử dụng cà phê. Quán cà phê được ra đời như một tụ điểm cho những sinh hoạt xã hội, trở thành một đặc trưng quan trọng cho một địa bàn văn hóa nào đó. Những nơi đó trở thành nơi giao lưu và trao đổi những tư tưởng mới, tạo nên những mối quan hệ, những kế hoạch, những tình cảm tốt đẹp giữa con người với con người cũng được ươm mầm tại những quán cà phê. Như vậy, cà phê có mặt ở khắp mọi nơi tạo ra và hình thành những đặc trưng văn hóa, nghệ thuật, xã hội rất đa dạng nhưng lại thống nhất vào thuộc tính kích thích sự sáng tạo và cầu mong sự hài hòa giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.

Cà phê là năng lượng cho bộ não, là máu của nền kinh tế tri thức. Nhìn lại lịch sử phát triển của loài người, sẽ là không quá khi chúng ta cho rằng “cà phê - xét trên một khía cạnh nào đó cũng có vai trò như lửa đối với sự phát triển của con người. Nếu lửa giúp biến con người từ một động vật bình thường thành động vật tinh khôn; thì cà phê kích thích các sáng tạo để biến con người tinh khôn thành con người văn minh, hiện đại”. Hầu hết các nhà phát minh, các vĩ nhân trong mọi lĩnh vực đều là những tín đồ của cà phê là điều hiển nhiên và không thể chối bỏ. Giờ đây là thời đại của nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo; thì cà phê đã và đang thực sự trở thành năng lượng cho bộ não, trở thành máu của nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo. Sự phát triển và quyền năng ngày càng lớn của kinh tế tri thức là một lợi thế cho cà phê, và cho một đất nước vừa sở hữu tiềm năng cà phê, vừa sở hữu một tiềm năng trí tuệ lớn, lại đang ở trong đà phát triển để thoát khỏi sự tụt hậu, khẳng định vị thế với thế giới như Việt Nam chúng ta.

Một Lối sống cà phê Minh Triết. Từ đó, chẳng hề nghi ngờ khi nói rằng cà phê chuyển tải ngay trong lịch sử phát triển của mình một nội hàm đầy tính nhân văn: nếu “Nhân” là phận làm người và “Văn” là vươn đến tính hoàn mỹ, nếu “Minh” là sự sáng suốt, biết áp dụng nhận thức, sự hiểu biết để đạt được kết quả mong đợi và “Triết” là quá trình tìm kiếm hiền minh thì quả là cà phê đã mật thiết tương liên với tất cả những niệm tưởng ấy. Và sẽ càng bất ngờ hơn khi nhận ra rằng Việt Nam chúng ta có đầy đủ các điều kiện để trở thành trung tâm cà phê của thế giới, như một điều kiện căn bản và chiến lược để xác lập “quyền lực mềm Việt Nam” trong thế giới toàn cầu hóa đang chứa đựng nhiều khủng hoảng.

Nhằm mục đích thấu đạt được cho một kết cấu “Lối sống cà phê minh triết” thì việc đầu tiên chính là cần hiểu bốn trục tư tưởng của văn minh cà phê trong sự liên hợp của bốn cặp phạm trù cao - sâu, đây - đó, trong - ngoài, sau - trước vốn xuyên suốt trong quá trình phát triển của văn hóa cà phê. Tiếp đến là việc định ra bản chất của tinh thần cà phê, hình dung như một kim chỉ nam của việc tổ chức những phương thức tư duy và hành động khởi dựng của một trật tự kinh tế xã hội mới, đặt nền tảng cho đường hướng phát triển đủ đầy nhân tính, nhân bản và nhân tình theo chiều hướng sáng tạo có trách nhiệm.

Mỗi giọt cà phê, trong chiều hướng đó, phải là một rung chuyển nhân tâm và mỗi hành động theo Lối sống cà phê minh triết và tinh thần cà phê, từ bây giờ và bất kỳ ở đâu, phải là một vọng vang đến tận vô cùng. Từ đấy, mỗi một cá nhân phải là một giọt cà phê cho đời, bởi lẽ đòi hỏi sự thức tỉnh của mỗi cá nhân chính là thúc đẩy tiến trình khởi dựng và kiến tạo những quốc gia thật sự thịnh vượng, hài hòa cùng khắp nhân loại, mở ra một kỷ nguyên đích thực của sáng tạo phát triển bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
40 phút trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà phê: Nguồn gốc khởi sinh và hành trình chinh phục toàn cầu